Âm nhạc chắp cánh yêu thương

Không chỉ tiên phong, nhiệt huyết với công việc, thầy Phan Thanh Tuấn (giảng viên Trường đại học Công nghệ Đồng Nai) còn được học sinh, đồng nghiệp yêu mến, quý trọng.

Thầy Phan Thanh Tuấn, giảng viên Trường đại học Công nghệ Đồng Nai (thứ 4 từ phải qua) tặng hoa cho các mạnh thường quân tham gia đêm nhạc chia sẻ yêu thương diễn ra ngày 29-4-2021. Ảnh: L.Na

Thầy Tuấn là một trong những tấm gương điển hình về tinh thần thiện nguyện, mang âm nhạc chia sẻ và lan tỏa yêu thương đến với mọi người.

* Thầy giáo tiếng Anh mê âm nhạc

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi gặp thầy giáo Phan Thanh Tuấn đang say sưa hướng dẫn sinh viên ráp nhạc cho đêm nhạc thiện nguyện Chia sẻ yêu thương gây quỹ giúp đỡ trẻ em mồ côi và khuyết tật. Nhìn thầy Tuấn rạng rỡ khi xem học trò của mình thực hiện những động tác, chúng tôi thấy được niềm vui và hy vọng. Giữa không gian âm nhạc rộn rã, sau các tiết mục, thầy Tuấn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện… của mình.

Thầy Phan Thanh Tuấn sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, theo gia đình vào Đồng Nai đến nay đã hơn 38 năm. Tốt nghiệp THPT, thầy đi bộ đội, sau đó theo học cử nhân Ngôn ngữ Anh tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), rồi về giảng dạy tại Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Với mong muốn nâng cao kỹ năng, kiến thức Anh văn, thầy Tuấn vừa dạy vừa theo học chương trình thạc sĩ của Trường đại học Victoria (Úc).

Bà Nguyễn Thị Yến, mạnh thường quân ngụ ấp Thái Hòa (xã Hố Nai 3, ở H.Trảng Bom) cho biết: “Tôi chưa có thời gian cùng thầy Tuấn và sinh viên đi tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn nhưng thông qua những thước phim thầy quay lại, chia sẻ trên mạng xã hội tôi thực sự rất cảm kích và trân trọng. Tôi sẽ tiếp tục đồng hành với thầy Tuấn và các bạn sinh viên, tiếp tục hỗ trợ vật chất và tinh thần để nhân lên giá trị của hoạt động ý nghĩa này”.

Mặc dù giảng dạy bộ môn tiếng Anh nhưng thầy Tuấn rất có năng khiếu với nhạc cụ và đam mê âm nhạc. Đặc biệt, ở trong trường đại học nơi thầy công tác thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc cho sinh viên… Những lời ca, tiếng hát, những bản nhạc về quê hương, đất nước đã “ngấm” dần trong thầy, tạo động lực để thầy chắp cánh âm nhạc bay xa hơn, chia sẻ và lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng.

“Năm 2014, Khoa Ngoại ngữ của Trường đại học Công nghệ Đồng Nai thành lập CLB Âm nhạc và nghệ thuật Đồng Nai. CLB do tôi làm chủ nhiệm. Ban đầu, có khoảng 20-30 sinh viên cùng tham gia. Sau một thời gian đi vào hoạt động, CLB nâng dần số lượng, đến nay có khoảng 50-100 người sinh hoạt thường xuyên (gồm sinh viên, học sinh, cán bộ, viên chức, người lao động…trong và ngoài tỉnh)” - thầy Tuấn chia sẻ.

Các hoạt động biểu diễn do thầy Tuấn phụ trách chủ yếu là tạo sân chơi cho người trẻ đam mê âm nhạc có cơ hội biểu diễn. Cũng theo thầy Tuấn, thời gian đầu mới hoạt động, CLB chưa có dàn âm thanh. Để sinh viên có cơ hội được luyện tập trên dàn nhạc, bản thân thầy đã tự trang bị các loại nhạc cụ (dàn trống, kèn, đàn… với kinh phí 170 triệu đồng) và tự hướng dẫn sinh viên luyện tập. Có những chương trình cả thầy và trò cùng đứng trên sân khấu biểu diễn, phục vụ cho khán giả.

“Đây là sân chơi tự nguyện, bất cứ ai yêu thích âm nhạc đều có thể tham gia. Từ sân chơi với quy mô nhỏ trong trường, đến nay CLB của chúng tôi phát triển và hoạt động mang lại hiệu quả tích cực. Không chỉ biểu diễn nghệ thuật, chúng tôi còn kết hợp với các đơn vị, tổ chức và cá nhân quyên góp vào quỹ từ thiện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn…” - thầy Tuấn nói.

* Lan tỏa “hơi ấm” tình người

Bén duyên với công việc mang âm nhạc làm cầu nối những tấm lòng thiện nguyện đến với những hoàn cảnh khó khăn, thầy Phan Thanh Tuấn đã dành nhiều thời gian để đi đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh. Hễ biết được hoàn cảnh nào khó khăn hoặc cần tổ chức những buổi tặng quà cho người nghèo, trẻ mồ côi..., thầy lại đăng tải thông tin để kêu gọi giúp đỡ. Mỗi chuyến đi, ngoài tặng quà của các mạnh thường quân hỗ trợ, thầy còn cùng với sinh viên biểu diễn các chương trình ca nhạc, tạp kỹ… mang niềm vui đến cho bà con.

Thầy Tuấn cho hay: “Ngoài các buổi diễn nhỏ trong tháng, chúng tôi còn tổ chức khoảng 7 chương trình nghệ thuật thường niên theo chủ đề: 30-4, 1-6, Vu Lan, Trung Thu, Noel, Xuân yêu thương… để gây quỹ. Mỗi chương trình thu được khoảng 15-20 triệu đồng/đêm. Toàn bộ số tiền chúng tôi công khai rõ ràng trên mạng xã hội, từ tên tuổi, địa chỉ của người hỗ trợ đến giá trị các phần quà mà các hoàn cảnh khó khăn được nhận”.

Đến thời điểm hiện tại, thầy Tuấn cùng các thành viên CLB tổ chức hàng chục chuyến đi tặng quà, trong đó tập trung cho các hoàn cảnh và đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến như: trao quà cho đồng bào dân tộc tại xã Tà Lài, H.Tân Phú; tặng quà và phục vụ âm nhạc cho các mái ấm tình thương trong tỉnh; trao quà trị giá 100 triệu đồng cho học sinh trên địa bàn Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam); trao 1 ngàn phần quà trị giá 200 triệu đồng cho đồng bào vùng lũ ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị…

“Nhiều sinh viên của tôi để có tiền hỗ trợ thêm cho các hoàn cảnh khó khăn đã tổ chức bán kẹo dạo mỗi đêm, hoặc đi hát rong bán kẹo. Số tiền thu được, các em cũng nộp vào quỹ, cùng tôi vận chuyển phần quà đến tận tay bà con. Tinh thần san sẻ yêu thương của sinh viên khiến tôi có thêm động lực để duy trì và tiếp tục thực hiện công việc này” - thầy Tuấn bộc bạch.

Ở tuổi 52, có hơn 6 năm gắn bó với công việc thiện nguyện, điều làm cho thầy Phan Thanh Tuấn cảm thấy vui và hạnh phúc chính là sức lan tỏa của công việc này đến nhiều người. Gần 5 năm theo thầy Tuấn làm thiện nguyện, anh Ngô Văn Lợi chia sẻ: “Tôi đi theo thầy Tuấn từ khi còn là sinh viên. Hiện nay, dù đang công tác tại TP.HCM nhưng hễ có đêm diễn nào, tôi cũng thu xếp để về cùng tham gia. Tôi muốn đóng góp một phần công sức cùng thầy để trao gửi yêu thương đến những người nghèo”.

Ly Na

To Top