Âm thanh từ lòng đất

Cũng trong lễ kỷ niệm, Viện Nghiên cứu kinh thành đã giới thiệu bộ phim được phục dựng dưới dạng 3D dựa trên huyền thoại lịch sử và tư liệu khảo cổ học. Trong phim, hình ảnh sống động của Rồng thời Lý hiện lên như một biểu tượng giá trị văn hóa của một trong những triều đại huy hoàng lịch sử kinh đô Thăng Long xưa.

Khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long.

Những phát hiện mang ý nghĩa khoa học to lớn

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, 10 năm qua, những kết quả trong nghiên cứu khoa học của Viện được thể hiện đậm nét ở hai nhiệm vụ. Đó là Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long” và nhiệm vụ “Khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) thuộc Đề án “Nghiên cứu Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”.

Với Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long”, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam cho rằng, đây là dự án có ý nghĩa chính trị và khoa học rất sâu sắc, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc nghiên cứu đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau khi kết thúc khai quật khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu (năm 2002-2004) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (năm 2008-2009).

Kết quả nổi bật và quan trọng nhất trong nghiên cứu về di tích là giải mã những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long dựa trên vết tích khảo cổ học và manh mối tư liệu lịch sử.

Từ đó, nói như GS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia thì những thành quả nghiên cứu này đã khơi dậy niềm tự hào về lịch sử ngàn năm văn hiến của Kinh đô Thăng Long.

Cũng cần nhắc lại rằng, bên cạnh đó, những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất tại 18 Hoàng Diệu (năm 2002-2004) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (năm 2008-2009), các nhà khoa học đã tìm thấy một quần thể gồm 53 dấu tích nền móng công trình kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước, minh chứng xác thực lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long hoa lệ dưới vương triều Lý. Đây được xem là phát hiện quan trọng nhất của khảo cổ học Việt Nam từ trước tới nay.

Cùng với những thành tựu khảo cổ học về Kinh thành Thăng Long, những năm qua, công tác thám sát, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học còn được tiến hành tại nhiều địa phương và cũng thu được những kết quả khích lệ.

Cụ thể, Hành cung Lỗ Giang tại Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) là phát hiện hoàn toàn mới, gây bất ngờ cho giới nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử. Kết quả khai quật từ năm 2014 đến năm 2017 đã cung cấp nhiều tư liệu quý hiếm, độc đáo về nghệ thuật xây dựng kiến trúc thời Trần mà hiện nay chưa thấy ở di tích nào có được, kể cả Thăng Long. Hành cung Lỗ Giang được đánh giá là một viên ngọc quý giá vào bậc nhất trong kho tàng di sản văn hóa thời Trần được phát hiện cho tới nay.

Cũng có thể kể về kết quả phát hiện di chỉ lò nung vật liệu kiến trúc thời Trần tại Pù Lườn Xe (nằm trong quần thể di tích kiến trúc Phật giáo Hắc Y - Bến Lăn ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) vào năm 2016. Đây cũng được giới khảo cổ đánh giá là phát hiện có ý nghĩa khoa học rất to lớn: Lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam tìm được di tích lò nung vật liệu trang trí mái kiến trúc thời Trần. Tư liệu này góp phần minh chứng sinh động và luận giải rõ ràng về kỹ thuật chế tác vật liệu lợp mái của các công trình kiến trúc cung điện và tôn giáo thời bấy giờ.

Tương tự, với việc khai quật di chỉ sản xuất gốm Chămpa (ở Bình Định) trong những năm 2014-2017, các nhà nghiên cứu phát hiện được nhiều vấn đề góp phần cho việc giải mã về chủ nhân và niên đại của các trung tâm sản xuất gốm, làm sâu sắc hơn các giá trị của di sản văn hóa Chămpa.

Phim 3D tái hiện Rồng thời Lý.

Để lịch sử không đứt đoạn

Khảo cổ học được coi là phục dựng lại “những âm thanh từ lòng đất”, để người đương đại hiểu được phần nào cuộc sống của người xưa, cắt nghĩa được những gì được cho là đã trôi chìm trong quá khứ. Hiện vật tìm thấy trong những đợt khai quật khảo cổ lặng im nhưng trong sự lặng im ấy có tiếng nói của thời gian.

Trên thế giới, những gì khảo cổ học thu được đều đáng trân trọng và đánh giá cao. Những hiện vật, những di chỉ, di tích khảo cổ bao giờ cũng được bảo quản hết sức chu đáo, nếu không muốn nói là nâng niu. Vì đó chính là sợi dây nối với quá khứ và hiện tại, để lịch sử không bao giờ đứt đoạn.

Với Việt Nam, việc nghiên cứu khảo cổ học được đề cao. Trên đất nước ta, với lịch sử hàng ngàn năm, với nền văn minh hàng ngàn năm thì dưới lòng đất đương nhiên là có nhiều bí ẩn, những bí ẩn thiêng liêng. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, không phải công việc này đã hoàn toàn thuận lợi. Đặc biệt là với tốc độ phát triển quá nhanh, nhiều khi người ta bỏ qua cả những địa chỉ mà lẽ ra nếu được khai quật một cách khoa học thì sẽ đem lại nhiều hiểu biết cho đời sau hơn. Vội vã làm một con đường, vội vã dựng một khu đô thị mới có khi lại chính chúng ta đang vùi lấp những giá trị vô giá.

Một vấn đề nữa cũng gây ra sự băn khoăn, lo lắng, đó là việc bảo quản hiện vật khảo cổ khai quật được. Đó là vấn đề kinh phí, xây dựng khu vực bảo quản, tính chất khoa học nghiêm ngặt của việc bảo quản. Cùng đó là đội ngũ những người làm khảo cổ, không phải chúng ta đã đầy đủ và nhất là đội ngũ có trình độ cao thì có thể nói là hiếm hoi.

Vì thế, vui mừng vì những thành tựu đã đạt được nhưng mối lo lâu dài thì vẫn còn đó.

An Hà

To Top