Âm vang tiếng trống năm ba mươi

'Nghe tiếng trống năm ba mươi còn lay động đến bây giờ/ Tiếng thiêng trống đó chính là lời Đảng gọi/ Lớp lớp nông dân đã vùng lên như bão nổi sóng cồn/ Phá hết gông xiềng để giành lại những áo cơm/ Ôi trang lịch sử liệt oanh là hương thơm thơm mãi...'. Bài hát đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Thái Cơ, cho đến ngày nay, không người con quê hương Thái Bình nào không biết đến, dù họ đang ở quê hay xa xứ tới mọi miền đất nước và nước ngoài.

Nhưng để hiểu rõ ngọn nguồn của “tiếng trống năm ba mươi còn lay động đến bây giờ” thì không phải ai cũng tường tận. Vì lẽ đó, bài viết này góp một phần tư liệu về một thời kỳ lịch sử hào hùng, những năm tháng thăng trầm của người dân Thái Bình nói riêng và dân tộc ta nói chung dưới thời Pháp thuộc...

Mùa xuân năm 1925, đồng chí Vũ Trọng quê Trình Phố (nay thuộc Tiền Hải, Thái Bình), một trong những chiến sĩ cách mạng đầu tiên ở Tiền Hải, được đồng chí Nguyễn Công Thu-do Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo tại Quảng Châu (Trung Quốc), cử về nước thành lập đường dây liên lạc-lựa chọn là hạt nhân đưa sang Quảng Châu dự lớp tập huấn do Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tổ chức. Bắt đầu từ đây, phong trào chống Pháp ở Thái Bình nói chung và Tiền Hải nói riêng chuyển sang giai đoạn mới.

Sau khi hoàn thành lớp tập huấn ở Quảng Châu, Vũ Trọng về lại Tiền Hải bắt tay vào việc xây dựng tổ chức. Dịp Tết năm 1927, chi bộ thanh niên đầu tiên được thành lập ở Trình Phố, gồm 7 người: Vũ Trọng, Đỗ Quán, Đỗ Dương, Đỗ Liễn, Vũ Bang, Ngô Long, Ngô Lân, do đồng chí Vũ Trọng là Bí thư chi bộ. Có thể nói, đây là chi bộ thanh niên đầu tiên ở Thái Bình. Ngay sau khi thành lập, tổ chức thanh niên xúc tiến sớm việc tuyên truyền cách mạng ở tất cả các làng, xã trong huyện như: Mỹ Đức, An Bồi, Đông Cao, Nho Lâm, Ngọc Lũ... Từ 7 hội viên ban đầu, đến năm 1928 đã tăng lên 27 hội viên và đến mùa xuân 1929, số hội viên tăng lên 84 người.

Tượng đài kỷ niệm phong trào đấu tranh của nông dân Tiền Hải tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ảnh: VĂN TÔN.

Để phát triển tổ chức và thống nhất sự lãnh đạo, đầu năm 1928, Hội nghị đại biểu Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Thái Bình họp ở trường Minh Thành bầu ra Ban Chấp hành Tỉnh đảng bộ do đồng chí Nguyễn Văn Năng làm Bí thư; đồng chí Vũ Trọng, Ủy viên Ban Chấp hành, phụ trách phong trào Kiến Xương, Tiền Hải. Vào thời điểm đó, các hội viên thanh niên được tập huấn các tài liệu lý luận và phương pháp cách mạng, về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam và thế giới, đưa ra điều lệ rèn luyện tu dưỡng cho hội viên, gồm 5 điều hy sinh (gia đình, tính mạng, tài sản, danh dự, tư ý tiểu khí), 4 điều răn (không tham ô, hủ hóa, uống rượu, cá nhân), 3 phương châm xử thế trong sách “Luận ngữ” (phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất).

Tiền Hải, quê hương của chi bộ thanh niên đầu tiên ở Thái Bình có phong trào thanh niên phát triển rất rầm rộ. Từ Trình Phố, phong trào lan tỏa sang Nho Lâm, Đông Cao, Mỹ Đức, Thanh Giám, Vũ Lăng, Thư Điền... Các tổ chức Hội Nông dân tương tế, Nông hội đỏ lần lượt ra đời. Cuối tháng 8-1929, Thanh niên Cộng sản đoàn được thành lập ở Mỹ Đức, Thanh Giám, Vũ Lăng, Thư Điền... Số hội viên thanh niên lên tới hàng trăm người với 13 cơ sở hoạt động rộng khắp ở 12 làng, xã. Từ số hội viên và tổ chức này đã tạo nên sự chuyển biến về chất trong phong trào cách mạng ở Tiền Hải. Nhiều nơi quần chúng nổi lên đấu tranh đòi xóa bỏ tục lệ “phù thu lạm bổ sưu thuế”, nông dân đòi “chia lại ruộng đất”, “trả tiền đào sông Cốc Giang”, đòi phá “tư điền gián” thành “công điền quân cấp”. Các hội nông dân tương tế ở các làng vận động nông dân “đô phú hộ” (lấy thóc của nhà giàu chia cho dân nghèo)...

Trước phong trào hoạt động mạnh mẽ của các tổ chức thanh niên, mùa xuân năm 1929, một sự kiện đặc biệt quan trọng diễn ra trên đất Thái Bình. Đó là Tỉnh bộ Thanh niên triệu tập hội nghị đại biểu toàn tỉnh bàn bạc thống nhất sự cần thiết phải thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Nếu như tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản đảng được thành lập ở Bắc Kỳ thì đến tháng 7-1929, chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng ở Tiền Hải là Trình Phố được thành lập, sau đó mở rộng ra các tổ chức đảng ở Mỹ Đức, Vũ Lăng, Nho Lâm, Đông Cao, Thanh Giám...

Với sự ra đời của các chi bộ cộng sản ở Tiền Hải, các cuộc đấu tranh của nhân dân Tiền Hải liên tiếp nổ ra, điển hình là cuộc đấu tranh đòi vay thóc của nhà giàu để cứu đói, đấu tranh đòi giảm công nợ và thuế, tổ chức rải truyền đơn và treo cờ búa liềm ở nhiều địa điểm. Trên cơ sở thực tiễn các cuộc đấu tranh, Tỉnh ủy Thái Bình quyết định chọn Tiền Hải làm ngòi nổ điểm huyệt cho cuộc đấu tranh trên toàn tỉnh nhằm vào các mục tiêu: Ủng hộ phong trào đấu tranh của công nông Nghệ-Tĩnh; dùng lực lượng quần chúng kéo lên huyện đường đấu tranh trực diện với kẻ thù, đòi yêu sách trong hòa bình; đòi “trả tiền đào sông Cốc Giang”; phá “tư điền gián” thành “công điền quân cấp”; giảm sưu thuế, xóa bỏ bắt muối bắt rượu, ủng hộ Liên bang Xô viết...

Đầu tháng 10-1930, đồng chí Khuất Duy Tiến, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ cùng đồng chí Nguyễn Chí Hiền thay mặt Tỉnh ủy Thái Bình trực tiếp nắm bắt tình hình cách mạng ở Tiền Hải. Cùng thời gian này, Hội nghị đảng viên được triệu tập quyết định lấy ngày 14-10-1930 là ngày nổ ra cuộc đấu tranh. Ngay sau hội nghị, các cơ sở cách mạng đồng loạt vận động quần chúng treo cờ búa liềm, tổ chức diễn thuyết tại chợ huyện, phá cống để cản xe địch về khủng bố tại Đường 39B, bắt giữ bọn địa chủ, cường hào địa phương.

Đêm 13 rạng sáng 14-10-1930, tại đình Nho Lâm, nông dân rầm rộ phát lệnh trên loa phóng thanh, tiếng trống, tiếng tù và nổi lên vang động cả một góc trời, kêu gọi quần chúng tập hợp đội ngũ. Cùng thời điểm, ở hai làng Thanh Giám, Đông Cao, nông dân tập hợp lực lượng hùng hậu, dàn thành thế trận hiên ngang bước vào cuộc đấu tranh sinh tử. Đúng giờ đã định, nông dân từ nhiều ngả đường hội nhập nhau, tạo thành một làn sóng như vũ bão tiến thẳng vào huyện lỵ Tiền Hải. Đoàn người hùng dũng vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu cách mạng, khí thế hào hùng sôi động chưa từng có diễn ra trên đất Tiền Hải. Khi đoàn người kéo đến huyện đường, cổng thành đã đóng kín. Sợ hãi trước sức mạnh quần chúng, tri huyện Phan Huy Tiếp bỏ trốn, chỉ còn lục sự Bế Văn Khánh. Để ngăn chặn khí thế quần chúng đang cuồn cuộn dâng trào, Khánh ra lệnh cho đội chính cơ bắn thẳng vào đoàn biểu tình làm 8 chiến sĩ hy sinh anh dũng và 13 người bị thương. Khi đó anh Lương Văn Sáng, một quần chúng xông xáo, dũng cảm bị đạn địch xuyên lòi ruột. Một tay anh ấn ruột vào bụng, một tay giơ cao, giọng hô vang dội cả huyện đường “Đả đảo bọn đế quốc, tay sai”, “Đảng Cộng sản Việt Nam vạn tuế”. Khí thế lẫm liệt và hành động anh hùng của anh Lương Văn Sáng tạo sức truyền cảm mạnh mẽ tới nông dân trong cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ thù.

Cuộc đấu tranh biểu tình của nông dân Tiền Hải sau đó bị đàn áp đẫm máu, trong đó có đồng chí Phan Ái, người chỉ huy cuộc biểu tình, bị bắt treo ngược lên cây thị ở đình Nho Lâm. Chúng tra tấn đồng chí dã man, nhưng khí phách kiên trung của người cộng sản đã làm cho quân thù run sợ: “Tất cả công việc xảy ra đều do tao làm, tao chỉ huy, việc chúng tao làm là chính nghĩa, chúng mày không được phép hỏi”. Trong vòng một tuần, quân địch đàn áp dã man 3 làng Nho Lâm, Thanh Giám, Đông Cao. Chúng đốt phá gần 70 nóc nhà, bắt đi 78 người, trong đó có 33 đảng viên, 8 phụ nữ. Tuy vậy, phong trào cách mạng ở Tiền Hải không hề chùng xuống. Nông dân Tiền Hải vẫn một lòng trung kiên, giữ vững khí tiết cách mạng, giữ vững cơ sở cách mạng, tiếp tục viết nên trang sử vàng ngày 14-10 với tâm niệm: “Trai gái một lòng non với nước/ Tiếng thơm muôn thuở thác như còn”.

Trải qua nhiều năm tháng, tiếng trống năm 1930 của phong trào nông dân Tiền Hải vẫn âm vang hùng tráng trong bản đại hùng ca cách mạng của quần chúng nhân dân; là niềm tự hào kiêu hãnh, khích lệ các thế hệ hôm nay trên con đường đi tới ấm no và hạnh phúc.

TRẦN THÁI PHƯƠNG

To Top