Áo dài - Di sản văn hóa Việt - Bài cuối: Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài Việt Nam

Trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, cách tân, sử dụng ngày càng đa dạng về chất liệu, dáng, màu sắc, hoa văn…, chiếc áo dài Việt Nam đang cho thấy sức sống mạnh mẽ. Áo dài đã vượt qua nhiều thử thách để vừa bảo lưu các giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, hướng tới trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam thời hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ta rộng rãi ra khắp thế giới.

Phần trình diễn áo dài của các hội viên hội phụ nữ thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tại Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu, thành phố Hạ Long, ngày 10/10/2020. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Áo dài trong hành trình di sản

Trong những năm gần đây, đội ngũ các họa sỹ, nhà thiết kế, nhà tạo mẫu đã đem lại vẻ đẹp mới cho tà áo dài dân tộc. Áo dài được thời trang hóa với nhiều cách tân, sáng tạo táo bạo, kết hợp nét tinh hoa của văn hóa truyền thống với yếu tố thời trang hiện đại. Trên cơ sở kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, các nhà thiết kế đã đưa thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp mới, hiện đại như thêu, vẽ họa tiết trang trí, điểm xuyết hoa văn từ các trang phục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, lấy họa tiết từ trống đồng, các linh vật như long, ly, quy, phượng, phố cổ Hà Nội, các loài hoa... Bên cạnh các nhà thiết kế gạo cội đã được biết ở tầm quốc tế như: Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Võ Việt Chung, La Hằng... đã xuất hiện đội ngũ các nhà thiết kế trẻ như: Lan Hương, Việt Hùng, Công Trí, Công Khanh... Mỗi người một vẻ, một con đường đi, họ đã góp phần thổi hồn vào chiếc áo dài Việt Nam, làm rạng danh tà áo dài dân tộc.

Sự góp mặt của đông đảo đội ngũ các nhà may trong nước cũng góp phần làm áo dài Việt Nam ngày một đẹp hơn, có giá trị hơn, kiểu cách cầu kỳ hơn. Áo dài từ 2 vạt đến 3 vạt, 4 vạt, áo dài kết hợp với váy. Độ dài áo cũng được nâng lên, hạ xuống uyển chuyển, linh hoạt; các loại tay áo rộng, hẹp, thụng, lửng đủ kiểu. Các loại cổ đa dạng như cổ thuyền, cổ kiềng, cổ tròn, cổ vuông, cổ trái tim, cổ hình chữ u... Nhờ vậy, chiếc áo dài Việt Nam ngày càng trở nên tinh tế, sang trọng và lịch lãm hơn…

Có thể khẳng định, chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt, tạo thành sản phẩm văn hóa vật thể truyền thống không thể thiếu. Áo dài đang dần trở thành trang phục dành cho mọi lứa tuổi; chuẩn mực cho các dịp đặc biệt hoặc trang trọng những ngày lễ quốc gia, lễ cưới, ngày Tết, lễ tốt nghiệp… Khi tham dự một sự kiện đặc biệt nào đó, áo dài luôn là trang phục được phụ nữ Việt Nam ưu tiên. Có thể nói rằng, áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý, nhà thiết kế thời trang đều có chung ý kiến cho rằng, mặc dù áo dài Việt Nam có lịch sử lâu đời và phổ biến trong đời sống hiện đại, nhưng các giá trị gắn với áo dài vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hóa cấp quốc gia. Đối với công chúng, nhiều người vẫn chưa hiểu biết lai lịch, các bước thăng trầm, biến đổi không ngừng của trang phục này để định hình một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng văn hóa và biểu tượng trang phục của người phụ nữ Việt Nam...

Nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản trong mỗi người, ngoài sự ủng hộ của lãnh đạo, các ban, ngành liên quan, sự tích cực tham gia của các nhà thiết kế, phải hành động để áo dài luôn hiện hữu trong đời sống. Năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sự kiện với chủ đề “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” với chuỗi hoạt động thiết thực để tôn vinh áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại; thể hiện mong muốn áo dài được công nhận là di sản quốc gia...

Cũng trong năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ tích cực tham gia, hưởng ứng mặc áo dài. Trong đó, nhiều sự kiện nổi bật như: Tuần lễ áo dài; triển lãm áo dài, thi ảnh đẹp áo dài online; hội thi duyên dáng áo dài; vận động may, tặng áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; trình diễn áo dài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với các bộ sưu tập gắn với 21 di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận… Các hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều cơ quan, đoàn thể, tạo được sức lan tỏa lớn, góp phần khẳng định, tôn vinh giá trị, vẻ đẹp của áo dài Việt.

Điều đáng mừng là trên các trang mạng xã hội, cộng đồng mạng rất hưởng ứng Tuần lễ áo dài. Một nhóm trên mạng xã hội Facebook với tên gọi "Tự hào áo dài Việt Nam" được thiết lập từ tháng 2/2020. Đến nay nhóm đã có hơn 11.000 thành viên. Sự lan tỏa tình yêu áo dài trong cộng đồng mạng đã trở nên hữu hiệu trong đời sống thật. Hơn bao giờ hết, áo dài đã xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động của đời sống thường nhật, trong các dịp lễ, Tết, đám cưới hỏi, thậm chí tại không gian công sở. Sự trở lại của áo dài trong đời sống - một trang phục luôn được khẳng định là đẹp nhưng có ý kiến cho rằng chưa thật sự tiện lợi là một tín hiệu đáng mừng.

Đẩy mạnh tôn vinh, quảng bá áo dài ra thế giới

Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị áo dài trong nước, việc xây dựng thương hiệu Áo dài Việt Nam trên thế giới cần được chú trọng.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khi nhắc đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, dù là trong bối cảnh truyền thống khi xưa hay hiện đại ngày nay, bạn bè quốc tế thường liên tưởng tới tà áo dài duyên dáng, yêu kiều, thướt tha. Áo dài gần như đã trở thành quốc phục đối với phụ nữ Việt Nam, có thể sánh ngang với kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc... Cho đến nay, áo dài là một trong số ít các từ thuần Việt được người nước ngoài sử mà không qua dịch thuật trong các văn bản, tương tự như phở, nem, nước mắm, nón lá... Điều đó cho thấy chúng chính là những hiện tượng rất riêng, rất bản sắc, đặc trưng của văn hóa Việt Nam, chúng không hề có những khái niệm tương đương trong ngôn ngữ nước ngoài.

Nhiều người nước ngoài khi được hỏi đều thừa nhận áo dài chính là trang phục có tính biểu tượng gắn với người phụ nữ và là niềm tự hào của người dân Việt Nam trên khắp thế giới. Áo dài cũng là một sáng tạo văn hóa nghệ thuật đóng góp vào kho tàng của nhân loại. Bộ Từ điển Bách khoa thư nổi tiếng của Việt Nam dành một mục viết riêng về áo dài Việt Nam. Các trang từ điển quốc tế nổi tiếng có hàng chục triệu người dùng như Wikipedia.org; Definitions.net; Dictionary.com; Collinsdictionary.com; Merriam-webster.com; Yourdictionary.com… cũng đều đã có mục định nghĩa về áo dài Việt Nam. Điều đó cho thấy, áo dài Việt Nam đang ngày càng phổ biến trên thế giới và được nhiều người biết đến.

Với mong muốn giới thiệu vẻ đẹp trang phục truyền thống người Việt ra thế giới, nhà thiết kế thời trang Đỗ Trịnh Hoài Nam đã giới thiệu nhiều bộ sưu tập áo dài tại các triển lãm, show diễn thời trang hay sự kiện giao lưu văn hóa. Đơn cử như tháng 10/2019, trong khuôn khổ "Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng" lần đầu tiên được tổ chức tại Paris (Pháp), anh đã giới thiệu hai bộ sưu tập áo dài mang tên “12 mùa hoa” và “Tranh Đông Hồ”. Những chiếc áo dài lấy cảm hứng từ thể loại tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam cùng vẻ đẹp đất nước từ Nam ra Bắc.

Trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang cao cấp New York 2019 (New York Couture Fashion Week 2019), Đỗ Trịnh Hoài Nam đã giới thiệu những chiếc áo dài lấy ý tưởng từ vẻ đẹp của các di sản văn hóa Việt Nam như Hoàng Thành Thăng Long, Tháp Rùa - Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long, ruộng bậc thang, cố đô Huế, Hội An, thánh địa Mỹ Sơn... trong bộ sưu tập "S Viet" và được Ban Tổ chức đánh giá cao…

Bên lề khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2018, Đỗ Trịnh Hoài Nam đã giới thiệu bộ sưu tập áo dài quốc kỳ. Hình ảnh ngôi sao quốc tế Monika Ekiert diện áo dài nhận được sự chú ý của cả truyền thông và công chúng…

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ, để có thể quảng bá được áo dài Việt ra quốc tế không phải là điều đơn giản. Chặng đường để áo dài Việt được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn sẽ còn rất dài, cần sự chung tay của tất cả các nhà thiết kế, những người mang trong mình tình yêu với trang phục này.

Nhiều nhà thiết kế thời trang và các nhà nghiên cứu cho rằng, để đưa áo dài Việt Nam ra thế giới, xây dựng hình ảnh thương hiệu áo dài Việt Nam trong làng thời trang thế giới rất cần sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, của các nhà thiết kế thời trang Việt.

“Cần một chiến lược lâu dài xây dựng hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam trong làng thời trang thế giới, kiến tạo một nền công nghệ thời trang áo dài riêng mang thương hiệu Việt Nam. Muốn thế, việc may, mặc, quảng bá hình ảnh áo dài phải trở thành một chính sách, chủ trương và hành động ở cấp quốc gia, chứ không phải là các hoạt động đơn lẻ, các nỗ lực cá nhân của một số nhà thiết kế, nhà hoạt động văn hóa và tổ chức xã hội”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nêu ý kiến.

Phương Lan (TTXVN)

To Top