Bá Thước: Một vùng văn hóa đậm đà bản sắc

Bá Thước được biết đến là vùng đất cổ, có vị trí quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển tỉnh Thanh Hóa nói riêng, đất nước nói chung từ thời tiền sử. Trải qua quá trình lịch sử hàng nghìn năm, đã bồi đắp và định hình nên truyền thống văn hóa giàu bản sắc cho dải đất vùng cao này.

Nhà sàn của đồng bào Thái xã Lũng Cao.

Nghiên cứu về sự hình thành vùng đất gắn với dấu tích tồn tại con người, các nhà khảo cổ học Bungari và Việt Nam đã tiến hành 2 đợt khai quật khảo cổ (năm 1984 và 1988) tại di chỉ Mái Đá Điều, thu được nhiều hiện vật kèm theo 17 bộ hài cốt hóa thạch còn khá nguyên vẹn. Qua đó, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận, tại hang này có con người sinh sống liên tục; các công cụ bằng đá được xác định niên đại từ cuối đồ đá cũ, qua đồ đá giữa đến đầu kỳ đồ đá mới. Còn khi nghiên cứu về văn hóa vùng đất, nhiều ý kiến đã khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử, Bá Thước đã trở thành điểm hẹn của nhiều dân tộc từ nơi khác mang theo những sắc thái văn hóa, kinh nghiệm sản xuất đa dạng, tụ cư về đây khai phá thiên nhiên, xây dựng cuộc sống và cùng góp phần tạo nên tính đa dạng, độc đáo cho văn hóa vùng đất này.

Từ rất sớm, Bá Thước đã là quê hương của người Thái, người Mường. Để rồi, dù hiện tại có 3 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mường và Kinh, song cũng không thể phủ nhận, diện mạo văn hóa truyền thống đất Bá Thước mang những nét đặc trưng của văn hóa Thái, Mường. Trước đây, sự phân bố dân cư giữa 2 dân tộc này là tương đối ổn định và rõ ràng. Trong đó, người Thái cư trú tập trung ở các thung lũng cao phía Tây; còn người Mường cư trú tập trung ở các thung lũng thấp phía Đông. Trải qua nhiều đổi thay của lịch sử và biến động xã hội, người Thái, người Mường đã dần sống xen cư hòa đồng, tạo nên mối liên hệ khăng khít về kinh tế, sự cố kết cộng đồng trong đấu tranh với thiên tai, ngoại xâm và đặc biệt là sự giao thoa, hòa nhập văn hóa, hòa nhập huyết thống (thông qua hôn nhân) giữa các dân tộc.

Cũng vốn có nhiều điểm chung về lịch sử hình thành, tồn tại, nên từ xưa, 2 dân tộc này có chung một hình thức tổ chức xã hội theo kiểu thiết chế bản mường, mỗi mường gồm nhiều bản hợp lại. Do tập quán sinh sống trong các thung lũng nên nhà ở là kiểu nhà sàn bốn mái, cột chôn, hai thang lên xuống hai đầu. Nhà thường dựa lưng vào núi, nằm ngang sườn dốc, quay cửa sổ đầu sàn ra cánh đồng, dòng sông, con suối. Mặt sàn thưng một vách ngăn, chia thành 2 phần: phần trong dành cho phụ nữ, nơi ngủ và nấu ăn; phần ngoài dành cho nam giới và tiếp khách. Trước kia nhà sàn có kích thước lớn vì gia đình thường có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Hơn nữa, nhà sàn cũng là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa như hội họp, múa hát, tổ chức các nghi thức tín ngưỡng, đám xá... Ngày nay, kiểu nhà sàn truyền thống đã được cải tiến nhiều cho phù hợp với cuộc sống mới. Nhưng kiểu nhà sàn cổ vẫn còn nhiều làng bản gìn giữ, nhất là những bản vùng sâu.

Ngưới Thái, người Mường còn nhiều điểm chung về hình thức lao động sản xuất và tổ chức đời sống. Đây cũng là cơ sở cho sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và dần hình thành sợi dây gắn kết về văn hóa, thể hiện qua phong tục, tập quán, nghệ thuật dân gian, lễ lạt đình đám, giao tiếp ứng xử... Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người Thái và người Mường ở Bá Thước có nhiều điểm chung về quan niệm tín ngưỡng, quy ước bản mường, đạo đức xã hội và cách ứng xử trong gia đình, cộng đồng, xã hội. Trong đó, truyền thống giáo dục đề cao tình yêu thương trong gia đình và tinh thần đoàn kết mường trên bản dưới. Người Thái, người Mường đều quan niệm, gia đình cũng giống như cái cây, cha mẹ là phần gốc, con cái là phần ngọn. Gốc có vững, ngọn có xum xuê thì cây mới xanh tốt. Cha mẹ luôn giáo dục con cái ý thức kính già yêu trẻ, anh em có thứ bậc trên dưới trước sau. Đặc biệt, trong giáo dục con cái tránh dùng roi vọt, to tiếng quát tháo: “Tay nạy lúc bàu xớ hòi/ Mọi tạy lúc bàu xớ tui” (Người Thái dạy con không dùng roi/ Người Mường dạy con không dùng đòn). Hình thức dạy dỗ thường là cầm tay chỉ việc; hoặc dùng ca dao, tục ngữ, kể chuyện xưa; hoặc qua các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ tục như làm vía, thờ cúng, tang lễ, cưới xin...

Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng mường bản, người Thái, người Mường cũng có nhiều điểm chung. Trong đó có hình thức diễn xướng kèm theo hát, múa, âm nhạc, trang trí... được người Thái thể hiện trong kin chiêng boóc mạy, người Mường thể hiện trong pồn pông. Các hình thức diễn xướng này tích hợp nhiều lớp tín ngưỡng như phồn thực, nghi lễ nông nghiệp và thường được tổ chức vào mùa xuân để cầu mong sự sinh sôi nảy nở, cầu an lành, hạnh phúc. Cây hoa trong kin chiêng boóc mạy và pồn pông cũng có nhiều giống nhau. Cột cây hoa làm bằng tre hoặc luồng; hoa bằng gỗ dâu và bấc (người Thái gọi là cây táng, người Mường gọi là cây cháng páng). Xen lẫn với hoa lá, người ta còn treo thêm các loại hình nộm các loại dụng cụ sản xuất như cày, bừa; các con vật chim, cá, trâu...

Cây hoa và chĩnh rượu cần trở thành tâm điểm để thực hành các nghi thức và biểu diễn các trò mô phỏng cuộc sống xã hội. Đặc biệt, múa hát quanh cây hoa của người Thái, người Mường Bá Thước rất phong phú, sáng tạo nên đã dần phát triển từ nghi thức tín ngưỡng thành lễ hội văn hóa cộng đồng. Múa hát quanh cây hoa ví như “sân khấu” tổng hợp của ca, múa (múa khăn, múa kiếm), nhạc (sáo tiêu, gõ ống, khua loóng), hóa trang (mặt nạ). Người biểu diễn kết hợp cả phân vai và lôi kéo mọi người có mặt cùng tham gia. Do vậy, múa hát quanh cây hoa cũng trở thành sân chơi giao duyên, thể hiện năng khiếu ứng khẩu và tính khôi hài. Cũng chính những giá trị đặc sắc cả về tín ngưỡng - tâm linh, âm nhạc, ca múa... mang đặc trưng tộc người mà cho đến ngày nay, cả kin chiêng boóc mạy và pồn pông đã trở thành những di sản văn hóa phi vật thể được chú trọng giữ gìn và phát huy giá trị.

Bên cạnh những điểm chung xuất phát từ quá trình định cư và giao lưu lâu dài, người Thái và người Mường cũng lưu giữ được nhiều nét văn hóa riêng, giàu giá trị và bản sắc. Đó là những nét riêng cũng được thể hiện qua kiến trúc nhà ở, ẩm thực, trang phục, lối ứng xử, lễ tục cưới xin, ma chay, tín ngưỡng thờ cúng thần linh, văn học dân gian, lễ hội, tiếng nói chữ viết, trò chơi trò diễn... Qua đó, diện mạo văn hóa truyền thống huyện Bá Thước, với sự kết hợp hài hòa các nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc Thái, Mường đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa vùng sông Mã – một nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu giá trị.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

To Top