Bắc Ninh: Tỏa sáng mạch nguồn truyền thống

Lịch sử, văn hóa các thời kỳ tạo nên một Bắc Ninh giàu bản sắc với những sắc thái văn hóa độc đáo, mang đậm dấu ấn đặc trưng và tiêu biểu của người Việt. Trước thềm xuân mới Tân Sửu 2021, cùng với thành công Đại hội XIII của Đảng, miền Quan họ khẳng định niềm tin son sắt, hướng đến tương lai bằng khát vọng đổi mới sáng tạo, tiếp tục bứt phá đi lên từ mạch nguồn truyền thống.

Từ mạch nguồn truyền thống, nhiều giá trị văn hóa mới được sáng tạo, góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn người Bắc Ninh thời đại mới. Trong ảnh: Chương trình nghệ thuật “Sắc màu văn hóa cuối tuần-Bắc Ninh thành phố tôi yêu”.

Nhìn trên bản đồ, Bắc Ninh chỉ như một chấm nhỏ lọt thỏm giữa mênh mông vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng địa giới hành chính chưa bao giờ phản ánh hết chiều kích của không gian văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Người Việt tự hào về sự bề thế của văn hóa Thăng Long bao nhiêu thì dấu ấn của văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc ngưng kết ở đó bấy nhiêu. Nhìn từ bác học đến bình dân, từ chốn hàn lâm như Văn Miếu Quốc Tử Giám, cho đến cuộc sống đời thường với những phố, phường Kẻ Chợ luôn đậm dấu ấn văn hóa vùng đất phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long.
Bắc Ninh-Kinh Bắc nổi tiếng là đất văn hiến, đất học, đất của di sản, di tích, lễ hội, đất của thi ca, trữ tình, lãng mạn... Những trầm tích, vỉa tầng di sản ngàn năm luôn thấm sâu trong từng tế bào của đời sống để từ nền tảng ấy, những giá trị mới đang được tạo ra.
Chiến lược phát triển văn hóa của Đảng trong giai đoạn mới đã tạo cơ hội, động lực để Bắc Ninh xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện. Việc thực hiện “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”… đã góp phần gìn giữ, hồi sinh những giá trị độc đáo, đặc sắc của nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, phải kể đến sự quan tâm của chính quyền các cấp cũng như ý thức trân trọng văn hóa với những ứng xử văn minh của người dân trong việc chung tay bảo vệ, khôi phục và nâng tầm giá trị các di sản. Tiêu biểu nhất là Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản kết tinh vẻ đẹp tinh thần, lối sống lịch lãm, nhân nghĩa của người Kinh Bắc, sau hơn một thập niên được UNESCO vinh danh luôn nhận được sự quan tâm toàn diện, đúng hướng và tiếp tục được kế tục sáng tạo với những biểu tượng mới, cấp độ mới.
Người dân Bắc Ninh hôm nay một lòng yêu nước, tin theo Đảng, tự hào về quê hương, trọng nghĩa trọng tình, hiếu học, năng động, văn minh trong lối sống, mềm mại trong ứng xử. Nếp sống văn hóa mới, tiến bộ đang hình thành trong các cộng đồng dân cư, vừa phù hợp với sự phát triển của xã hội đương đại vừa phản ánh đúng nhu cầu, khát vọng hội nhập của nhân dân.

Chiến lược phát triển văn hóa của Đảng cùng tình yêu, ý thức trân trọng văn hóa của các thế hệ người dân Bắc Ninh, Di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng tỏa sáng trong đời sống đương đại.

Nhiều chính sách về phát triển văn hóa của Bắc Ninh thời gian gần đây cũng quan tâm, chú trọng tính sáng tạo, tập trung trí tuệ để tạo ra các sản phẩm văn hóa chất lượng cao như: Sản xuất phim tài liệu, phim truyện, phim hoạt hình về danh nhân và di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh; xuất bản các ấn phẩm, sách nghiên cứu về vùng đất, văn hóa, con người Bắc Ninh; tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc; phát triển mở rộng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ngành nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực...
Đáng chú ý là đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa tỉnh Bắc Ninh” với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng sắp tới sẽ hoàn thiện. Thành tựu quan trọng này không chỉ hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý và bảo tồn di sản trên không gian số mà còn tuyên truyền quảng bá, phổ cập kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa chí quê hương, đánh thức niềm yêu thích và ý thức bảo vệ di sản trong thế hệ trẻ. Thêm vào đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng lớp công chúng nghệ thuật mới cũng rất được chú ý, thông qua việc tổ chức phong phú sự kiện văn hóa quy mô; tăng cường hoạt động trải nghiệm, thưởng thức nghệ thuật trong các tầng lớp nhân dân; đưa di sản văn hóa vào giảng dạy trong các trường học...
Có thể thấy, cùng với tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại gắn với bảo tồn, bồi đắp và làm sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh, Bắc Ninh đang có những hành động cụ thể, thiết thực chuẩn bị hành trang cho việc phát triển lĩnh vực Công nghiệp văn hóa. Đây là một hướng đi mới của tương lai, khẳng định tầm nhìn, sự cởi mở, tiên tiến trong tư duy về văn hóa. Nếu được nghiên cứu tiến hành một cách khoa học, bài bản thì trong tương lai ngành Công nghiệp văn hóa không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh mà còn lan tỏa, gia tăng tầm ảnh hưởng về “sức mạnh mềm” của văn hóa Bắc Ninh, đồng thời mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại, tạo ra chất xúc tác thúc đẩy các hoạt động về ngoại giao kinh tế, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh theo hướng công nghiệp và dịch vụ.
Mỗi lần nhìn lại mạch nguồn truyền thống quê hương để chúng ta khắc sâu thêm những bài học của tiền nhân. Các thế hệ đi trước đã để lại một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Ở đó, có không ít “viên ngọc sáng” phản chiếu không chỉ bản sắc văn hóa mà còn là ý chí tự lực, khát vọng tự cường, lòng yêu nước nồng nàn trong mỗi người dân. Nhiệm vụ của hậu thế là trân trọng gìn giữ và phát huy, làm giàu thêm kho tàng ấy để các giá trị văn hóa tốt đẹp mãi tỏa sáng trong đời sống, trở thành nền tảng tinh thần cho sự phát triển bền vững.

V.Thanh

To Top