Bài 2: Những vấn đề đặt ra từ thời cơ và thách thức (Tiếp theo và hết)

Trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đòi hỏi chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc sâu sắc hơn Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) về tư duy bảo vệ Tổ quốc, đồng thời xác định rõ bảo đảm quốc phòng, an ninh là 'trọng yếu, thường xuyên' mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Xây dựng phải đi đôi với bảo vệ

Xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc là nguyên tắc bất di bất dịch mà Đảng xác định, nhất là trong tình hình hiện nay. Vì vậy, tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH Đảng ta khẳng định, bên cạnh những thành tựu to lớn về QPAN, bảo vệ Tổ quốc vẫn còn có những vấn đề bất cập như: Việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh (QPAN), bảo vệ Tổ quốc có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về QPAN có lúc chưa sát, chưa chủ động. Nhiều vấn đề gây bức xúc xã hội chậm được giải quyết làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ xây dựng thế trận lòng dân. Đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ ở một số địa bàn chưa tương xứng với yêu cầu. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, khu vực chưa thật vững, còn tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định; xử lý một số tình hình phức tạp nảy sinh ở một số địa bàn cơ sở có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng. Tình hình tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, có vũ trang diễn biến phức tạp. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn nhiều khó khăn, bất cập.

Toàn cảnh Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Trọng Hải

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) với bảo đảm QPAN, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn chưa đồng bộ, chặt chẽ. Nhận thức của một số cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp về kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh chưa thật đầy đủ, sâu sắc, còn nặng về mục tiêu kinh tế, nhẹ về QPAN. Nội dung QPAN trong nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KTXH còn bị xem nhẹ, chưa tính tới các yêu cầu về QPAN. Một số công trình kết cấu hạ tầng còn chưa gắn kết với xây dựng các công trình phòng thủ trên địa bàn…

Từ những đánh giá trên cho thấy, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên” của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta. Vì vậy, trong bất luận hoàn cảnh nào nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng CNXH theo đường lối đổi mới mà Đảng, Nhà nước ta đã lựa chọn.

Đoàn đại biểu Quân đội nhân dân tham dự Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Trọng Hải

Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân

Theo dự báo của các chuyên gia cho thấy: “Dưới tác động của xu thế đa phương hóa các mối quan hệ, mở rộng và tăng cường kết nối trong khu vực và thế giới được diễn ra với những hình thức ngày càng đa dạng, trải dài trên tất cả các lĩnh vực. Những tiến bộ vượt bậc của khoa học-công nghệ, hội nhập quốc tế là những cơ sở quan trọng cho các quốc gia trên thế giới mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh, toàn diện, sáng tạo, củng cố nguồn lực cho nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc… Tuy nhiên, tình hình thế giới hiện nay cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức như: Vấn đề bảo vệ hòa bình; các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gây ra tình hình bất ổn, phức tạp trong khu vực và trên thế giới; xung đột dân tộc, tôn giáo; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tài nguyên… diễn ra dưới những hình thức mới, gay gắt hơn”.

Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ảnh: qdnd.vn

Từ sự đánh giá đúng đắn về tình hình thế giới, khu vực, trong nước, Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: “Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực QPAN; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Kết hợp chặt chẽ phát triển KTXH với củng cố, tăng cường QPAN. Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030, xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại; phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội hiện đại. Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng lực lượng Công an nhân dân tinh nhuệ, hiện đại. Xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường hợp tác quốc tế về QPAN. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có sức chiến đấu cao…”.

Qua đó có thể khẳng định: Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mọi hoạt động QPAN, bảo vệ Tổ quốc đều do nhân dân và các lực lượng vũ trang tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Phân đội hỏa lực Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 (Quân khu 4) hợp luyện bắn cấp trung đội, đại đội. Ảnh: ANH TẦN

Trong tình hình mới, việc “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” càng trở nên quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi phải thực hiện tổng thể các nội dung, biện pháp phù hợp. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định và nhấn mạnh phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta luôn khẳng định: “Sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt và có chủ trương tăng cường sự quản lý của Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật”.

Trước những diễn biến phức tạp hiện nay, muốn bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh nội lực với sức mạnh ngoại lực, tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn nhất, đủ năng lực bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Vấn đề xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ Tổ quốc ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết. Về vấn đề này, Đảng đã đặt ra yêu cầu: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379 giúp nhân dân xã Si Pa Phìn (Nậm Pồ, Điện Biên) gặt lúa vụ mùa năm 2019. Ảnh: qdnd.vn

Để phát huy được sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thì nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh là đặc biệt quan trọng và cấp bách. Đề xuất giải pháp thực hiện đối với nhiệm vụ trọng yếu này, tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phát huy tốt vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh. Tiếp tục xây dựng, phát huy hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Trong quá trình đổi mới, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho cán bộ các cấp và nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đây là nội dung quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Việc phổ cập và tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN là một nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Tại Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ này tiếp tục được nâng cao về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và đi đôi với đó vấn đề đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ cũng cao hơn, Đảng yêu cầu: “Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho cán bộ, công chức và cho toàn dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng. Chú trọng giáo dục, thống nhất, nâng cao nhận thức về đối tác và đối tượng; nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị, việc dự báo chiến lược, nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Trước tình hình đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đưa ra yêu cầu: “Nghiên cứu dự báo chiến lược, nắm chắc tình hình, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị”. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Trong những năm tới, để đáp ứng được mọi yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra là phải “chủ động nhận diện bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam trên không gian mạng; dự báo đúng tình hình, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trước các sự kiện chính trị, vụ việc phức tạp, nhạy cảm, tạo niềm tin, sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang”, đây là khẳng định của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tại cuộc trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí nhân dịp tham dự Đại hội XIII của Đảng.

Lực lượng CAND và QĐND phối hợp tuần tra, canh gác bảo vệ vùng biển. Ảnh: mps.gov.vn

Một nhiệm vụ quan trọng nữa mà Đại hội XIII của Đảng tiếp tục định hướng đến toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới, đó là phải: “Chủ động xây dựng và thực hiện các kế hoạch, phương án đối phó với mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc”. Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao tinh thần chủ động giữ nước trong thời bình. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống, không để đất nước bị động, bất ngờ, đòi hỏi chúng ta phải chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chủ động đối phó thắng lợi mọi tình huống, thực hiện tốt phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa.

Sau 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta có thể khẳng định, tư duy lý luận của Đảng về nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc đã không ngừng phát triển qua từng thời kỳ đại hội, từng bước hoàn thiện phù hợp, đáp ứng được mọi yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong từng thời cuộc. Những tư duy đổi mới đó, là tiền đề để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

ĐOÀN TRUNG

To Top