Bản quyền âm nhạc trực tuyến: Trả lại sự công bằng cho các nhạc sĩ

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn đang trên con đường hiện thực hóa giấc mơ kiểm soát bản quyền tác phẩm âm nhạc bằng việc hợp tác với một công ty công nghệ để xây dựng hệ thống quản lý bản quyền âm nhạc trực tuyến. Dự kiến hệ thống này sẽ ra mắt trong năm 2021.

Với hệ thống này, mỗi bài hát được gán với một mã ID để quản lý bản quyền trên môi trường số. Công cụ này sẽ giúp minh bạch được việc sử dụng âm nhạc, trả lại sự công bằng cho các nhạc sĩ Việt Nam.

Vi phạm bản quyền đang “giết” ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam

Với công nghệ phát trực tuyến bùng nổ như hiện nay hỗ trợ rất nhiều cho các ca sĩ, nhạc sĩ trong việc phát hành tác phẩm của mình tới công chúng. Nhưng việc phát trực tuyến trên nền tảng nội dung số quá dễ dàng cũng phát sinh ngày càng nhiều các nội dung như phim ảnh, âm nhạc, các chương trình truyền hình ăn khách, chương trình thể thao bị vi phạm bản quyền trên mạng rất nhiều. Mỗi năm, cơ quan quản lý nhà nước có xử phạt hành chính một vài vụ vi phạm bản quyền với số tiền phạt vài chục triệu đồng, nhưng trên thực tế không giải quyết được tận gốc vấn đề vi phạm bản quyền trên mạng.

“Có thể nói trên mạng Internet nạn vi phạm bản quyền diễn ra rất nghiêm trọng. Hàng triệu bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam đang lang thang trên mạng không có ai kiểm soát, tác giả của các bài hát này cũng không hề được hỏi, được xin phép, chưa nói đến là được trả tiền. Nếu như chúng ta không có những công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung trên mạng thì nạn vi phạm bản quyền có thể giết chết ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn.

Vào giữa năm 2019, nhạc sĩ dòng nhạc đồng quê Lê Minh Sơn đã công bố việc anh đã thành lập Công ty Bản quyền âm nhạc trực tuyến Việt Nam với mục đích sẽ xây dựng một hệ thống quản lý và bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm âm nhạc. Hệ thống này sẽ do một đối tác về công nghệ phát triển, dựa trên nền tảng là giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung số đã được chứng nhận toàn cầu Sigma Multi-DRM.

Theo tiết lộ của Lê Minh Sơn, riêng về phần bảo mật được phát triển hoàn toàn bởi trí tuệ Việt Nam và hiện nay giải pháp này cũng đã đạt được chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ bản quyền. Đội ngũ kỹ sư hiện đang gấp rút triển khai và đầu tư một hệ thống máy móc để kiểm soát bản quyền các tác phẩm âm nhạc. Còn nhạc sĩ Lê Minh Sơn có vai trò là người thủ lĩnh tinh thần, để làm thế nào mang lại quyền lợi nhiều nhất, minh bạch nhất cho anh em làm nghề sáng tạo.

Công nghệ sẽ giải quyết được những bức xúc của các nhạc sĩ

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ, sở dĩ anh quyết tâm xây dựng hệ thống công cụ bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến xuất phát từ những bức xúc của giới nhạc sĩ.

“Có những người đã tự gom các bài hát của tôi vào những cái kho riêng của họ, để họ kinh doanh, họ khai thác quảng cáo trên những bài hát của tôi. Mà không riêng gì tôi, rất nhiều nhạc sĩ khác đều bị tình trạng như vậy. Người ta cứ tự nhiên sử dụng những bài hát của mình, không hề xin phép, chứ chưa nói là trả tiền tác quyền. Thế là tự nhiên nhạc sĩ đi viết các tác phẩm để cho cái ông mà mình không biết là ai hưởng hết, từ khán giả, doanh thu quảng cáo cho đến khai thác rất nhiều lợi ích kinh tế trên những bài hát đó. Rất nhiều các nghệ sĩ khác cũng bức xúc về tình trạng vi phạm bản quyền trên mạng bấy lâu nay”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ.

Chính vì lổ hổng rất lớn trong việc kiểm soát bản quyền âm nhạc trực tuyến này, nên Lê Minh Sơn và đối tác về công nghệ đã xây dựng từ hơn 2 năm nay một hệ thống để quản lý tất cả các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ Việt Nam. Hệ thống này sẽ ứng dụng những giải pháp công nghệ mới nhất, hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam thực hiện và hiện nay đang gần đến bước hoàn thiện cuối cùng.

“Khát vọng chung của những người làm nghề sáng tạo, các nhạc sĩ, đều muốn các tác phẩm âm nhạc phải được minh bạch khi sử dụng. Ai dùng, dùng ở đâu, tần suất dùng thế nào, tất cả những cái đó phải được công nghệ quản lý. Những tác phẩm của các nhạc sĩ đang được người khác sử dụng, khai thác kiếm nhiều lợi ích. Trong khi chính những tác giả, người sáng tạo ra các bài hát ấy lại không được xin phép, không được hưởng bất cứ một khoản tiền tác quyền nào. Tôi cho rằng, đó là sự thiếu tôn trọng các nhạc sĩ”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn nhấn mạnh.

Thiếu tướng Nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhạc sĩ Việt Nam:

Nhiều ca sĩ nhận giải cho bài hát triệu views, nhưng nhạc sĩ không hề được nhắc tên

Quản lý và bảo vệ chất xám nói chung và đặc biệt trên môi trường mạng nói riêng tôi rất ủng hộ. Tôi là người cũng lâm vào tình cảnh bị sử dụng nhiều bài hát mà không hề xin phép, không hề được trả tiền.Hiện có ca sĩ nổi tiếng họ nhận giải cho bài hát triệu views trên mạng, nhưng nhạc sĩ không hề được nhắc đến. Do đó, việc bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bản quyền âm nhạc trên mạng nói riêng là việc rất cần thiết. Bảo vệ được bản quyền tác phẩm âm nhạc là rất tốt, quản lý được, minh bạch được tôi rất ủng hộ.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh.

Nhạc sĩ Tuấn Phương, nguyên Phó Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam VTV:

Nhạc sĩ không được tôn trọng, chưa nói chuyện trả tiền

Bởi vì từ vài năm nay người ta bắt đầu có khái niệm phải trả tiền bản quyền, tuy là số tiền rất ít. Chứ trước đây, trong một thời gian dài đa số toàn dùng chùa, thậm chí có những người nổi tiếng họ hát bài hát thu rất nhiều tiền nhưng không trả tiền cho nhạc sĩ. Thường các ca sĩ biểu diễn qua một công ty biểu diễn, hoặc in đĩa thì công ty đó phải trả tiền cho nhạc sĩ, nhưng thực tế không có, hoặc nếu có thì mỗi đĩa được vài trăm nghìn. Các nhạc sĩ chỉ nhận được thù lao rất ít, không đáng kể cho các tác phẩm của mình.

Từ lâu nay có tình trạng, bài hát thì ai cũng hát được nhưng họ không hề nghĩ đến tác giả, nhạc sĩ không bao giờ được hỏi, được xin phép sử dụng, chưa nói là nhận được tiền bản quyền sáng tác.

Ví dụ, bài Tình đất của tôi, có rất nhiều người hát, chỗ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có thu được tiền bản quyền ở một số nơi, nhưng còn rất nhiều nơi người ta dùng cũng không thu được. Rất nhiều bài khác cũng vậy, như là bài Người ai về, Chỉ có mình em thôi, cũng được hát nhiều.

Thường tâm lý các tác giả thì có nhiều người hát bài của mình thì rất thích, nhưng chả bao giờ được hỏi đến. Thậm chí có công ty rất nổi tiếng như Hồ Gươm Audio ghi âm bài hát của tôi do ca sĩ Tân Nhàn hát, nhưng còn ghi sai tên tác giả, nói chung các đơn vị sử dụng bài hát họ rất cẩu thả. Với nhiều chương trình khi họ làm, họ hỏi xin thì mình cũng cho thôi, vấn đề là mình cần sự tôn trọng.

Đặc biệt từ khi âm nhạc trực tuyến phát triển, trên các kênh YouTube, trên mạng hiện nay sử dụng âm nhạc rất nhiều, nhưng nhạc sĩ không thu được tiền, rất nhiều bài của tôi trên mạng, có những bài ca sĩ hát được cả triệu views nhưng tôi không có một đồng nào dù tôi là tác giả. Có công ty họ ký kết quản lý tác quyền với tôi rồi - đó là Công ty nghe nhìn Thăng Long, nhưng họ cũng không thu được tiền vì họ thiếu công cụ kỹ thuật.

Nhạc sĩ Tuấn Phương.

Chính vì thế, chúng tôi rất mong có một công cụ kỹ thuật thật sự hữu hiệu, thông minh để quản lý được các bài hát trên mạng. Hiện nay nhạc trôi nổi trên mạng rất nhiều nhưng nhạc sĩ không có tiền. Trên mạng có rất nhiều kênh YouTube riêng của các ca sĩ nổi tiếng, họ biểu diễn bài hát có tên ca sĩ, tên người biểu diễn nhưng không có tên nhạc sĩ. Có thể nói người biên tập rất cẩu thả, chỉ ghi tên ca sĩ mà quên tên nhạc sĩ, không có sự tôn trọng chưa nói chuyện tiền.

Rất nhiều bài hát của tôi, chỗ nào cũng dùng, nhưng chưa nhìn thấy tiền đâu. Tôi muốn có một sự rõ ràng, minh bạch, bài hát của mình được giới thiệu đúng tên nhạc sĩ, tác phẩm là chất xám của mình vắt cả đời mới có. Trong khi họ dùng phát trên mạng họ biễu diễn có tiền, rất nhiều tiền nhưng cha đẻ của bài hát đó thì không có tiền. Các ca sĩ hát nhiều bài của nhạc sĩ, phát triển kênh riêng trên YouTube, phát triển thành kho âm nhạc riêng, nhưng không hề xin phép, không trả tiền.

Anh em nhạc sĩ rất bức xúc về vấn đề này và rất trông chờ vào công ty Bản quyền âm nhạc trực tuyến do nhạc sĩ Lê Minh Sơn sáng lập, để có thể hỗ trợ quản lý giúp các bài hát.

Đỗ Quyên

To Top