Bằng ý tưởng và đôi tay tài hoa

Trong cuộc sống bộn bề, có những con người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người khác bởi nỗ lực lao động miệt mài để cho ra đời những sản phẩm - tác phẩm sáng tạo. Họ cho thấy vẻ đẹp trong lao động với niềm đam mê. Họ cũng chính là những 'sứ giả' văn hóa của Việt Nam đem đến cho du khách quốc tế những cảm nhận thú vị về những nghệ nhân sáng tạo bằng ý tưởng và đôi bàn tay tài hoa. Những sản phẩm - tác phẩm họ làm ra vừa mang tính ứng dụng cao, vừa giàu tính thẩm mỹ.

Trong cuộc sống bộn bề, có những con người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người khác bởi nỗ lực lao động miệt mài để cho ra đời những sản phẩm - tác phẩm sáng tạo. Họ cho thấy vẻ đẹp trong lao động với niềm đam mê. Họ cũng chính là những "sứ giả" văn hóa của Việt Nam đem đến cho du khách quốc tế những cảm nhận thú vị về những nghệ nhân sáng tạo bằng ý tưởng và đôi bàn tay tài hoa. Những sản phẩm - tác phẩm họ làm ra vừa mang tính ứng dụng cao, vừa giàu tính thẩm mỹ.

Tôi đã gặp những nghệ nhân như thế, trong một chuyến đi công tác tới TP Hồ Chí Minh. Xin được giới thiệu hai gương mặt, một trẻ, một già như một minh chứng cho việc lao động - sáng tạo nhiều khi không phụ thuộc vào tuổi tác.

Ông Trịnh Ngọc (ảnh 3) có thể coi là nghệ nhân đóng giày duy nhất ở đất Sài Gòn vẫn miệt mài làm việc dù đã ở tuổi 90. Mỗi buổi sáng, ông vẫn lên căn gác nhỏ cheo leo để ngồi vào bàn làm công việc ưa thích của mình. Với ông, người thiết kế giày cũng như kiến trúc sư, mỗi đôi giày như một tác phẩm nghệ thuật thật sự. Tốt nghiệp Trường L’École A.B.C De Dessin ở Paris (Pháp) xưa, ông Trịnh Ngọc có thể tự làm những đôi giày từ A đến Z, từ thiết kế, vẽ phom đến làm mũ, đế… Ông từng đóng giày cho Hoàng gia Cam-pu-chia từ Hoàng hậu đến Hoàng thân Sihanouk và sau này đóng cho nhiều ca sĩ Việt nổi tiếng như Hùng Cường, Anh Khoa và nhất là Đàm Vĩnh Hưng với hàng chục đôi giày với kiểu mẫu phong phú, đa dạng. Ông Ngọc sống giản dị, chân tình với quan niệm: mình tạo niềm vui cho người thì sẽ nhận lại niềm vui gấp đôi. Mọi người đều tạo niềm vui cho nhau thì thế giới này không có chiến tranh.

Một gương mặt xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, là anh Nguyễn Tấn Đạt (ảnh 1 và 2) thuộc thế hệ 8X. Gọi anh là nghệ nhân cũng được mà họa sĩ cũng chẳng sai. Tấn Đạt là nghệ sĩ thị giác có lẽ đúng hơn vì anh có thể làm đủ việc từ quay phim, MC, đạo diễn chương trình, tổ chức sự kiện, chụp ảnh báo chí và nghệ thuật, viết thư pháp, nhưng nổi nhất với biệt danh Mr.Cá. Đạt là người vẽ cá 3D nhiều nhất ở Sài Gòn, hiện "gia tài" đã xấp xỉ 12.000 con cá, sau đó là bộ "Góc miền Tây" với đặc sản vùng sông nước, được nặn bằng đất sét, sống động, tạo ấn tượng thị giác. Anh còn kết nối với các nghệ nhân Việt khác như nghệ nhân hoa đất sét, gáo dừa thủ công mỹ nghệ, gốm sứ thuần Việt, để đưa nhiều sản phẩm độc đáo ra thị trường, kết hợp thêm mảng bên du lịch. Đạt liên tục sáng tạo, thay đổi hướng đi và hiện đang tạo ra những sản phẩm - tác phẩm gắn với phong thủy, với chất Thiền mà anh ấp ủ từ lâu.

Điều đáng quý ở hai nghệ sĩ này là họ luôn ý thức mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Ông Trịnh Ngọc bảo tôi: "Thời đại công nghệ số, ngành nghề thủ công vẫn sống được với những người thích nghệ thuật. Như khách hàng thích họa sĩ vẽ hơn là chụp chân dung, bởi bức họa gửi hồn người nghệ sĩ. Người nghệ nhân tạo ra đôi giày cũng vậy, nhưng thủ công cũng phải đạt đến một trình độ nào mới được, còn quá thô sơ sẽ bị loại. Văn minh loài người, từ nghìn xưa đến bây giờ và mãi mãi về sau nghề thủ công vẫn luôn tồn tại trên hành tinh này".

VIỆT VĂN

To Top