Báo điện tử: Thách thức người làm báo trẻ

Trong xu hướng báo điện tử phát triển, nhà báo đối diệnvới sự thay đổi hàng ngày của đời sống báo chí. Trong đó,đáng quan tâm nhất là 'cách làm báo' của các nhà báo trẻ.

Phóng viên tác nghiệp_Ảnh: TL

Khi môi trường tác nghiệp thay đổi

Đời sống xã hội đang chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều sự kiện, vụ việc liên quan đến chức năng, “tiếng nói” của báo chí. Theo đó, môi trường tác nghiệp của nhà báo dần có sự đổi thay kịp thời để thích ứng nhanh và hiệu quả.

Thay đổi rõ rệt nhất là sự xuất hiện thông tin liên tục trên báo điện tử. Do tính chất đặc trưng của báo điện tử là “tin nhiều, bài ít” buộc nhà báo trẻ thường trú tại các tỉnh chuyển từ “săn” bài sang “săn” tin nhiều hơn.

Trước đây, thời báo giấy thịnh hành, phần tin là thứ yếu, chỉ chiếm rải rác trong một số trang của cả số báo. Bây giờ, người đọc báo giấy đang giảm dần khiến sức hút tờ báo “nguội lạnh” hơn so với sự “bùng nổ” của rất nhiều trang báo điện tử. Chính phần lớn bạn đọc báo giấy bây giờ cũng không tha thiết cầm tờ báo mình yêu thích để nghiền ngẫm thay vì “lướt” xem tin tức báo mạng trên iPhone. Cách (nhu cầu) xem báo khác đi như vậy buộc người làm báo trẻ cũng phải khác theo, nghĩa là phải “cơ động” theo để phục vụ nhanh nhất bạn đọc truyền thống và tìm thêm bạn đọc mới cho tờ báo của mình.

Thực tế này làm thay đổi phần lớn cách tác nghiệp của nhà báo trẻ dẫn đến việc “ngồi cafe” trong thành phố, phòng lạnh “săn” tin, thậm chí “lai” tin để “không chậm trễ hơn so với báo bạn” nhiều hơn so với những chuyến đi công tác vùng sâu, vùng xa để viết những bài báo mới, những phóng sự và kí sự đòi hỏi tốn thời gian, gian khổ, công phu.

Đây chính là mấu chốt giúp chính các nhà báo trẻ hiểu rằng, cách làm báo thời báo điện tử thực sự đã khác xa ngày trước rất nhiều. Sự khác biệt này sẽ dẫn đến hệ quả “nếu anh không biết ứng xử đúng với yêu cầu nghiêm ngặt của nghề nghiệp thì sự nghiệp làm báo của anh chỉ là những bản tin thời sự trước sự trôi mau của thời gian”.

Lội suối, trèo non mang thông tin đến độc giả. Ảnh: TL

Sức đọc và sự trải nghiệm

Làm báo là một nghề không giản đơn. Không phải thích là “bước” vào nghề báo. Không phải có thẻ nhà báo là có thể hành nghề như ý muốn. Nhà báo là người va chạm, đối diện nhiều lĩnh vực trong đời sống chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội. Khi nhà báo muốn nêu một chính kiến trước một vấn đề bạn đọc đang quan tâm trong bài báo của mình thì trí não của anh tự dưng huy động tổng lực những kiến thức cơ bản, nung nấu hài hòa đến lúc nó lộ lên thành ngữ nghĩa của điều anh muốn nói. Vậy, cái nền của ngữ nghĩa ấy không có gì khác ngoài sức đọc và sự trải nghiệm trong cuộc sống, trong nghề.

Thực tế cho thấy, không ít nhà báo trẻ đang thiếu một tủ sách, kể cả tủ sách mini trong phòng làm việc của mình. Thậm chí có nhà báo không coi trọng hoặc không có thói quen hoặc cao hơn là nhu cầu đọc sách mỗi ngày. Trong lúc đó, anh chưa trải nghiệm rõ ràng trong đời sống vốn đa chiều, phức tạp; chưa hề có kinh nghiệm nghề nghiệp vốn không dễ đúc kết để có thể trở thành một cây bút của bạn đọc. Cả hai khía cạnh này, nếu không có thiên hướng hoặc nếu không phải thế mạnh thì sẽ là lực cản ngay trong từng trang viết. Rõ ràng, sức đọc và sự trải nghiệm là vốn quý của nhà báo, nhất là nhà báo trẻ. Khi hai “mảng màu” này tác động tương hỗ lẫn nhau trong trí não, tâm hồn thì chắc hẳn nhà báo sẽ dễ bề xử lí thông tin có được để làm chủ trang viết của mình. Lúc đó, viết một phóng sự hay kí sự phức tạp cũng không còn khó viết nữa.

Giao lưu nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo tại Hội Báo toàn quốc 2019. Ảnh: PV

Câu hỏi thôi thúc

Đời sống “nhộn nhịp” của báo điện tử như đang “hút” nhiều công việc của nhà báo trẻ. Đó là một thực tế khách quan. Có hay không, phóng viên thường trú ở các địa phương ít khi chú trọng tới khả năng phát triển chiều sâu nghề nghiệp của mình, nhất là khi chưa được Tòa soạn thực sự đặt vấn đề này lên hàng đầu thay vì nghiêng về tin tức và làm quảng cáo.

Thử điểm lại những cây bút đang góp mặt trong làng báo cả nước? Thử đọc lại những trang phóng sự, phóng sự điều tra chống tiêu cực gây dư luận; những kí sự gây xúc động dư luận xã hội? Kết quả này sẽ là một trả lời xác đáng, rằng nếu các nhà báo trẻ không sẵn sàng chuẩn bị cho mình một tâm thế - sống - đi viết chuẩn mực theo đúng ý nghĩa cao đẹp của nghề báo thì anh rất dễ bị hụt hơi, dễ bị lùi lại phía sau đời sống đang xoay, mở chóng mặt từng ngày.

Viết đến dòng này, tôi lại nghĩ đến chức danh cao quý và bổn phận nặng nề của một người làm báo. Cái nghề từng được xã hội coi trọng. Nhưng cái coi trọng đáng lưu tâm nhất chính là sự tự trọng của mỗi người cầm bút. Tự trọng mình để mình làm chủ, sáng tạo nên những trang viết có ích cho đời và cho mình./.

VŨ TOÀN - ThS. HÀ THỊ THÚY

To Top