Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Mông

Từ bao đời nay, cuộc sống của người Mông nơi rẻo cao vốn gắn chặt với thiên nhiên. Có lẽ vì vậy mà tộc người này đã tạo dựng và vun đắp nên đời sống văn hóa tinh thần - từ quan niệm về nhân sinh thể hiện qua tập tục ma chay, cưới hỏi, ăn ở, trang phục; đến các sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng, trò chơi, trò diễn dân gian - đều ít nhiều mang 'bóng dáng' của thiên nhiên...

Tiết mục múa khèn Mông được trình diễn tại lễ hội Mường Xia (huyện Quan Sơn).

Trong đời sống văn hóa tinh thần đồng bào Mông, âm nhạc là một trong những loại hình đặc sắc, giàu sức biểu cảm và đậm chất trữ tình. Mặc dù không có hệ thống nhạc cụ đa dạng, phong phú như một số dân tộc khác; song, tính độc đáo, sự khác biệt của khèn, đàn môi, kèn lá cũng đủ để người Mông gửi gắm tâm sự, giải bày tình cảm. Khèn Mông ví như âm thanh của núi rừng, lúc nỉ non như tiếng suối chảy ra từ khe đá; lúc dìu dặt như tiếng lá hát cùng ngọn gió mùa xuân; khi lại khoáng đạt như tiếng ca của đại ngàn giữa mùa sinh sôi... Với người Mông, đó là thứ ngôn ngữ gửi gắm tình yêu, là phương tiện chắp nối tình yêu của biết bao chàng trai, cô gái. Nhiều người hẳn mặc nhiên thừa nhận, một tín hiệu văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông là hình ảnh những phiên chợ nhộn nhịp sống váy của thiếu nữ và chộn rộn tiếng khèn của những chàng trai Mông 15, 16 tuổi. Giữa phiên chợ đông, điệu múa khèn vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ kết hợp với thanh âm như tiếng lòng muốn giải bày của chàng trai sẽ thu hút ánh nhìn của các cô gái, để nối lời trao duyên. Cũng từ tiếng khèn, điệu múa ấy mà nhiều người nên vợ nên chồng.

Không chỉ là sợi dây vô hình kết nối tình cảm, tiếng khèn kết hợp cùng các làn điệu dân ca, các hoạt động tinh thần, xã hội... tạo nên hơi thở hay sức sống riêng cho thứ âm nhạc rất đặc trưng của dân tộc này. Tiếng khèn, với người già, đó là tiếng gọi dậy phần linh hồn của người Mông. Bởi tiếng khèn còn là tiếng gọi đưa đường, dẫn lối giúp người chết tìm về với tổ tiên. Khèn, do đó cũng là nhạc cụ không thể thiếu trong đám tang và nhiều nghi lễ gia đình người Mông. Với sự giao lưu kinh tế, ảnh hưởng văn hóa giữa các dân tộc, người Mông ngày nay đã tiếp cận với không ít các loại nhạc cụ mới, các loại hình âm nhạc mới với nhiều phương tiện hiện đại mang âm nhạc vào đời sống của họ. Có lẽ vì vậy mà tiếng khèn, có lúc có nơi đang trở nên vắng bóng trong các tập tục, lễ nghi, tín ngưỡng của đồng bào. Song, hình ảnh tiếng khèn dặt dìu vắt víu qua bao dãy núi và tha thiết theo chân các chàng trai, cô gái xuống chợ hay vào hội, vẫn là hình ảnh dung dị của cuộc sống và trong sáng trong tâm hồn người Mông. Bởi vậy mà, việc bảo tồn và phát huy giá trị của nét văn hóa độc đáo này, là vấn đề không thể không đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Theo các dòng di cư từ phương Bắc xuống, người Mông có mặt tại Thanh Hóa cách đây chừng vài trăm năm và tập trung phần lớn ở huyện Mường Lát và một phần ở các huyện Quan Sơn, Quan Hóa. Họ thường chọn những ngọn núi cao, hiểm trở, khuất nẻo làm nơi sinh sống. Chính đặc điểm địa hình đã ảnh hưởng lớn đến tập quán sinh sống và sản xuất của người Mông. Mặc dù lối sản xuất tự cung tự cấp, du canh du cư nên trước đây, đời sống kinh tế của người Mông khá lạc hậu, trì trệ. Song, người Mông có truyền thống chung sống hòa thuận, giàu tình yêu thương, coi trọng gia đình và tính cộng đồng. Do vậy mà trong thế giới của riêng mình, người Mông vẫn sản sinh và vun đắp nên một đời sống văn hóa tinh thần tương đối phong phú, với nhiều tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt rất riêng.

Nhắc đến văn hóa Mông, cùng với âm nhạc mà nổi bật nhất là khèn Mông; các nhà nghiên cứu văn hóa còn bị thu hút bởi rất nhiều các lễ hội, tập tục, lễ nghi liên quan đến tín ngưỡng sơ khai như vật linh, tô tem giáo, thờ cúng tổ tiên và ma nhà; các lễ nghi trong nông nghiệp như lễ cầu mùa đầu năm, lễ cầu lúa chắc hạt... Trong những ngày đầu xuân năm mới, người Mông thường mở hội Gầu Tào. Đây không chỉ là lễ hội lớn nhất và mang nhiều ý nghĩa nhất trong đời sống tinh thần đồng bào; mà còn là sân khấu nghệ thuật trình diễn dân gian, nơi tổ chức các sinh hoạt cộng đồng đặc sắc, độc đáo nhất như đu dây, đu quay, đấu vật...; nơi thanh niên nam nữ ca hát, vui chơi, tìm hiểu và ước hẹn. Ngoài ra, người Mông còn lễ Nào Xồng cũng được tổ chức vào tháng Giêng để cúng thổ địa và bàn bạc công việc chung của cộng đồng.

Bắt nguồn từ tín ngưỡng đa thần nguyên thủy, người Mông quan niệm rằng cây cối và vật nuôi đều có linh hồn. Đồng thời, giữa con người và cây trồng, vật nuôi có mối quan hệ đặc biệt, không chỉ thể hiện qua quá trình gieo trồng, chăm sóc; mà còn gắn kết với nhau qua các lễ nghi thờ cúng. Bởi vậy, trong đời sống của người Mông, các lễ nghi nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt. Trong đó phải kể đến lễ cầu mùa đầu năm, thường được tổ chức vào tháng 2, tháng 3 âm lịch và trước khi trỉa hạt giống. Nghi lễ này thường được tổ chức trong phạm vi gia đình, để cầu mong hồn cây trồng, vật nuôi phát triển, mùa màng bội thu và cầu mong sức khỏe cho cả gia đình. Ngoài ra, khi lúa đã trổ đòng, các gia đình lại tổ chức lễ cầu lúa chắc hạt. Lễ cúng được tiến hành trên rẫy, cầu xin đất trời, thần linh, tổ tiên phù hộ cho cây lúa sai bông, trĩu hạt, thu hoạch được nhiều.

Cùng với các lễ nghi, tín ngưỡng, người Mông còn sáng tạo nên một kho tàng văn học dân gian tương đối phong phú, với truyện cổ, tục ngữ, dân ca... Văn học dân gian là bức tranh phản ánh cuộc sống và thể hiện cái nhìn của con người về tự nhiên, xã hội, các quan niệm về nhân sinh, thế giới và nguồn gốc, lịch sử của dân tộc Mông từ xa xưa. Trong đó, dân ca chiếm một vị trí quan trọng. Dân ca của dân tộc Mông khá đa dạng về chủ đề như ngợi ca tình yêu, tục cưới xin, làm dâu, cúng ma... Nhiều bài dân ca mang nội dung tư tưởng sâu sắc, nhưng khá gần gũi với đời sống hằng ngày. Đặc biệt, các bài dân ca thường không diễn xướng độc lập mà thường được kết hợp cùng các loại nhạc cụ như khèn, kèn lá, đàn môi để làm tăng thêm sức biểu cảm và hấp dẫn người nghe. Đồng bào quan niệm, mỗi người Mông ít nhiều đều phải biết về dân ca của dân tộc mình, như là cách để gìn giữ, bảo vệ và truyền lại cho cháu con, để họ nhớ về nguồn cội tổ tiên và càng gắn bó với gia đình, cộng đồng mình.

Hoàng Xuân

To Top