Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách đảm bảo các quyền cơ bản cho người dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các DTTS và chăm sóc sức khỏe cộng đồng vùng DTTS, miền núi.

Theo đó, Nhà nước đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới nội dung hoạt động sưu tầm, kiểm kê, trưng bày hiện vật để phát huy giá trị di sản văn hóa ở 3 bảo tàng cấp Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh.

Nhiều địa phương đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các đề án, dự án bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hiệu quả. Địa bàn vùng DTTS và MN được cấp có thẩm quyền công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử văn hóa. Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng 559 nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú là người DTTS. Công tác bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của nhiều DTTS ngày càng được chú trọng.

Phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn truyền thống của mỗi dân tộc để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đồng bào DTTS hưởng ứng, đạt kết quả tốt; nhờ đó, một số phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ. Hằng năm, đã tổ chức nhiều ngày hội văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của các dân tộc đặc trưng cho từng vùng, miền.

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến nay, 95% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; xây dựng được hơn 16.000 điểm bưu điện văn hóa xã, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc đa dạng của người dân.

Chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc được chú trọng hơn, tăng cả số lượng đài và thời lượng phát sóng. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và đài phát thanh, truyền hình các địa phương có đông đồng bào DTTS đều phát chương trình nhiều thứ tiếng dân tộc phù hợp với văn hóa của từng vùng miền; riêng Kênh VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam đã sản xuất, phát sóng 22 thứ tiếng DTTS.

Các ấn phẩm báo chí phong phú, đa dạng; gần 100 tờ báo viết, 200 trang thông tin điện tử cùng hàng triệu tờ báo/tạp chí của 18 ấn phẩm báo chí cấp không thu tiền ở vùng DTTS và MN đã góp phần chuyển tải chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.

Mạng lưới y tế ở vùng DTTS và MN tiếp tục phát triển, hệ thống bệnh viện tỉnh - huyện và trạm y tế xã đã được quan tâm đầu tư. Nhờ đó, đồng bào DTTS, phụ nữ, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí và chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Các dịch bệnh sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế; tuổi thọ trung bình tăng; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm mạnh qua từng năm. Thành tựu về giảm suy dinh dưỡng trẻ em nhanh, bền vững và giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em của Việt Nam đã đảm bảo tiến độ thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Mạng lưới y tế cơ sở vùng DTTS và MN ngày càng hoàn thiện; cơ sở vật chất và trình độ đội ngũ y, bác sĩ ngày một nâng lên. Đến nay, vùng DTTSvaf MN có 99,5% số xã có trạm y tế; 83,5% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015 (45,8%); 77,2% số trạm y tế có bác sĩ; hơn 95% số xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh; 83,5% thôn có nhân viên y tế thôn, bản; 93% người DTTS được cấp thẻ BHYT; 410 trạm y tế, phòng khám quân-dân y thuộc thuộc địa bàn KTXH đặc biệt khó khăn và 152 phòng khám quân-dân y tại các đồn biên phòng dọc theo tuyến biên giới với các nước láng giềng.

Tại các địa phương, mô hình bác sĩ gia đình đang triển khai mở rộng; hiện có 1.737 cô đỡ thôn bản hoạt động tại 8.165 thôn bản khó khăn, làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng DTTS và MN; biết quản lý thai nghén và đỡ đẻ sạch, đẻ an toàn; thực hiện vai trò là cầu nối giữa y tế xã với người dân. Nhờ vậy, chất lượng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình từng bước được nâng cao; các chỉ số về sức khỏe sinh sản cho đồng bào vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm hằng năm.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030 cũng đưa ra mục tiêu và tập trung đầu tư phát triển chăm sóc sức khỏe, phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS và MN một cách toàn diện trong giai đoạn tới.

VÂN KHÁNH

To Top