Bảo tồn văn hóa dân gian vùng đất Tổ

Sinh ra ở Phú Thọ, từng là một chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, giáo viên chuyên Văn, Trường THPT Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ nhưng nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đoàn Hải Hưng lại rất tâm huyết với những loại hình văn hóa dân gian vùng đất Tổ.

Ông đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về tác phẩm “Nét đẹp văn hóa dân gian vùng đất Tổ” mà ông đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, thực hiện.

Phóng viên (PV): Thưa nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đoàn Hải Hưng, cuốn sách “Nét đẹp văn hóa dân gian vùng đất Tổ” được ông nung nấu ý tưởng thực hiện từ khi nào?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đoàn Hải Hưng: Tôi là bộ đội Trường Sơn trong những năm chống Mỹ. Sau năm 1975, tôi được chuyển ngành về giảng dạy môn Ngữ văn tại một số trường cấp 3 (nay là trường THPT) ở tỉnh Phú Thọ, trong đó 17 năm công tác ở trường THPT Hùng Vương – Trường chuẩn Quốc gia, đơn vị Anh hùng lao động. Ngoài giảng dạy, tôi còn viết báo, sáng tác thơ văn và nghiên cứu về văn hóa dân gian (VHDG) vùng đất Tổ. Ở Phú Thọ có những nhà nghiên cứu VHDG nổi tiếng như: Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện, Nguyễn Hữu Nhàn, Phạm Bá Khiêm... tôi đã học tập được nhiều ở họ về các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Nhà nghiên cứu VHDG Đoàn Hải Hưng (đứng thứ 2 từ trái sang) tại Lễ trao giải thưởng VNDG năm 2020.

Năm 2000, tôi cùng nhà nghiên cứu VHDG Dương Huy Thiện và nhà giáo Nguyễn Phan Đường, Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương hoàn thành công trình nghiên cứu: “Trường THPT Hùng Vương – sưu tầm, nghiên cứu và giảng dạy văn học dân gian (giai đoạn 1960-2000), giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Công trình dày 425 trang A4, được Giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Sau đó, từ giữa năm 2003, ý tưởng hình thành tập sách riêng cho mình – tập “Nét đẹp văn hóa dân gian vùng đất Tổ” được hình thành và triển khai. Sau 12 năm, vào tháng 8-2015, tập sách được xuất bản, dày 412 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, có 15 ảnh màu minh họa.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, một số loại hình văn hóa dân gian đang dần bị mai một, tại sao ông lại chọn đề tài này để thực hiện?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đoàn Hải Hưng: Tôi chọn đề tài này để thực hiện bởi Phú Thọ là “cái nôi, là cội nguồn của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam”. Xưa kia, Phú Thọ là cốt lõi của bộ Văn Lang. Ngày nay, cốt lõi của bộ Văn Lang, đất Tổ Hùng Vương, đất phát tích của dân tộc lại là Phú Thọ.

Về văn hóa, Phú Thọ thực sự là một vùng đất văn hóa đặc sắc xứng đáng được xếp cùng hàng với những vùng văn hóa đặc sắc và tiêu biểu nhất của cả nước. Vùng văn hóa Phú Thọ đã phản ánh mọi chặng đường của quá trình văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay. Và điểm nổi bật “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “ Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Ngoài ra, Phú Thọ còn có 4 bảo vật quốc gia, 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 318 di tích được Nhà nước xếp hạng.

Hoàn thành tập sách “Nét đẹp văn hóa dân gian vùng đất Tổ”, tôi muốn đóng góp một phần nhỏ công sức vào việc bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa dân tộc nói chung, VHDG vùng đất Tổ.

Lễ hội Đền Hùng và đông đảo khách thập phương dâng hương tri ân các Vua Hùng. Ảnh: Nguyễn Hồng Sáng.

PV: Đất Tổ, nơi có nền văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Sơn Vi và di tích lịch sử Đền Hùng, ông đã lựa chọn những nét văn hóa đặc sắc nhất ra sao để thực hiện cuốn sách này?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đoàn Hải Hưng: Phú Thọ, nơi có nền văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Sơn Vi và di tích lịch sử Đền Hùng, tôi đã chọn những nét văn hóa đặc sắc nhất để thực hiện cuốn sách này, đó là: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Lễ hội Đền Hùng; Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ; Lễ hội hát Xoan và sự tích bánh chưng, bánh giầy; Hát Ghẹo; Hội Phết độc đáo ở Hiền Quan...

PV: Xin ông cho biết cuốn sách này đã đoạt những giải thưởng gì ?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đoàn Hải Hưng: Cuốn sách “Nét đẹp văn hóa dân gian vùng đất Tổ” đã đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm (2010 – 2015) của UBND tỉnh Phú Thọ và giải 3B của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (tháng 12-2015).

PV: Ông có dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện đề tài về văn hóa dân gian trong thời gian tới?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đoàn Hải Hưng: Tính đến tháng 12-2020, tôi đã xuất bản được 10 tập sách (thơ, văn, nghiên cứu phê bình, văn hóa dân gian).

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tôi dự kiến sẽ xuất bản tiếp 3 đến 4 đầu sách, trong đó có một tập thơ, một tập nghiên cứu – phê bình (viết về các tác phẩm văn học đương đại) và 1 đến 2 tác phẩm về văn hóa dân gian vùng đất Tổ, trong đó có tập “Bảo tồn và phát huy các giá trị của hát Xoan tại Phú Thọ hiện nay” (viết chung với tác giả Bùi Thị Mai Lan). Công trình nghiên cứu này đã được Giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tháng 12-2020.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

To Top