Bổ sung thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực du lịch, bản quyền, văn hóa

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang triển khai lấy ý kiến dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.

Theo dự thảo này, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của CAND trong lĩnh vực du lịch tối đa là 50 triệu đồng, trong quyền tác giả, quyền liên quan, mức phạt tối đa là 250 triệu đồng.

Nhiều bất cập trong hoạt động thực tế

Theo Bộ VHTTDL, hiện nay, việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực du lịch, thể thao, văn hóa, quảng cáo, quyền tác giả và quyền liên quan đang bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó, có thay đổi một số chức danh của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính và mức tiền phạt tối đa của một số chức danh được quy định tại các nghị định trên. Do vậy, để bảo đảm thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Quản lý du lịch là lĩnh vực được quan tâm điều chỉnh khá nhiều trong dự thảo Nghị định sửa đổi.

Trong quá trình triển khai thi hành các nghị định xử phạt còn gặp một số khó khăn trên thực tế do hành vi chưa đủ hoặc chưa rõ ràng trong lĩnh vực du lịch như: Hành vi không lưu giữ hồ sơ liên quan đến kinh doanh dịch vụ lữ hành, không có người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành trong quá trình kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Cũng trong lĩnh vực du lịch, có những quy định về hành vi không còn phù hợp do pháp luật về nội dung có sự thay đổi như hành vi không chấp nhận thanh toán bằng thẻ do ngân hàng phát hành. Trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan có hành vi không thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động tư vấn, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Để khắc phục kịp thời những khó khăn, bất cập nói trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo là cần thiết. Việc này nhằm góp phần tăng cường hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, đồng thời bảo đảm phù hợp với sự phát triển khách quan của thực tiễn.

Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung nhằm quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính, sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính làm căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Bổ sung và quy định rõ thẩm quyền xử phạt

Cụ thể, hành vi không lưu trữ hồ sơ liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành chưa được mô tả cụ thể là những loại hồ sơ nào. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định rõ hồ sơ kinh doanh lữ hành, bao gồm: Hồ sơ về hợp đồng lữ hành; hợp đồng đại lý lữ hành; hợp đồng hướng dẫn hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; chương trình du lịch; văn bản liên quan đến mua bảo hiểm du lịch cho khách du lịch hoặc văn bản liên quan đến làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hải quan cho khách du lịch đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế.

Với việc quy định cụ thể hồ sơ liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành là những loại hồ sơ như trên sẽ tránh được việc không thống nhất do lúng túng trong việc xác định loại hồ sơ cần lưu trữ hoặc lạm quyền trong quá trình thanh tra hoạt động của một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trên cơ sở quy định cụ thể hành vi này, cần bãi bỏ hành vi không lập và lưu trữ chương trình du lịch do nội dung đã được tích hợp vào hành vi trên.

Nghị định cũng bổ sung hành vi “Không có người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định trong quá trình hoạt động”. Lý do là trong quá trình thanh tra đã phát hiện các doanh nghiệp khi xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành có người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định nhưng trong quá trình hoạt động lại không duy trì được điều kiện này mà không có chế tài để áp dụng xử phạt.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND, CAND, Thanh tra, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường bảo đảm phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, với vi phạm trong lĩnh vực du lịch, chiến sĩ CAND đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền 500.000 đồng. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 25 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Cấp Cục trưởng và Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền phạt tiền đền 50 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm…

Với vi phạm trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, chiến sỹ CAND đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng có quyền phạt tiền đến 2,5 triệu đồng.

Trưởng Công an cấp huyện, trưởng phòng cấp Cục, cấp tỉnh được phép phạt tiền đến 25 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn... Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 100 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm hành chính... Cấp Cục trưởng, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền phạt tiền đến 250 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm hành chính...

N.Nguyễn

To Top