Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Luật Điện ảnh cần thể chế hóa quan điểm đường lối của Đảng về văn hóa

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc, nghe báo cáo về Hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Chính phủ.

Cùng tham dự buổi làm việc có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương và đại diện lãnh đạo Cục Điện ảnh, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc Báo cáo về Tờ trình Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Tại buổi làm việc, Cục Điện ảnh đã báo cáo Bộ trưởng về Tờ trình Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) để trình Chính phủ, trong đó, sự cần thiết ban hành văn bản là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; Khắc phục những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành; Đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.

Báo cáo Tờ trình cũng nêu, bố cục của Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, gồm: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Sản xuất phim; Chương III: Phát hành phim; Chương IV: Phổ biến phim; Chương V: Lưu chiểu, lưu trữ phim; Chương VI: Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; Chương VII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh; Chương VIII: Điều khoản thi hành.

Dự thảo Tờ trình cũng nêu những vấn đề cần xin ý kiến do trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn có ý kiến khác nhau là: Quy định về sản xuất phim bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (Điều 13); Phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 20); Quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Lãnh đạo Bộ góp ý kiến về những vấn đề mà Tờ trình nêu.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, việc đấu thầu phim vẫn phải thực hiện theo Luật Đấu thầu (Luật Đầu tư công), chứ khó có thể xin cơ chế đặc thù.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, cần xuyên suốt quan điểm để điện ảnh Việt Nam tự bơi ra biển lớn hay tiếp tục có sự hỗ trợ, quan tâm đầu tư có chiều sâu, có tầm nhìn của ngân sách Nhà nước. Từ thực tế của nền điện ảnh Việt Nam trong những năm qua, thế mạnh của điện ảnh trong công nghiệp văn hóa, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt ủng hộ quan điểm Cục Điện ảnh có sự đầu tư, đặc biệt dành cho các đối tượng đặc thù như đạo diễn trẻ, tác phẩm có giá trị, sân chơi dành cho đạo diễn nữ... Phát triển các cuộc thi mang tính chất phát hiện tài năng.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, cần quan tâm đến quy mô của Quỹ, nên để Bộ quản lý. Về việc quản lý phim trên không gian mạng, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt ủng hộ quan điểm tiền kiểm.

Toàn cảnh cuộc họp (ảnh Minh Khánh)

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Luật là thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng. Bởi vậy, việc xây dựng bất cứ Luật nào cũng phải bám sát tinh thần này.

Bộ trưởng lấy ví dụ, việc quản lý phim trên không gian mạng, hậu kiểm hay tiền kiểm thì phải đọc kỹ Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030 trong đó có nội dung: Tăng cường quản lý văn hóa, thông tin, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của thế hệ trẻ, nhất là qua các trang mạng xã hội, trang web phản động, đồi trụy. Và Chỉ thị 46 CT/TW ngày 27/7/2010 về Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.

"Vậy bây giờ phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật gì? Phải phân loại phim và cấp phép. Phải thế chế hóa điều này"- Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL thống nhất trong chỉ đạo: Đánh giá cao sự chủ động của Cục Điện ảnh và sự phối hợp trách nhiệm của các Cục, Vụ có liên quan trong đó có Vụ Pháp chế, Kế hoạch tài chính, các đơn vị phối hợp trong quá trình thẩm định và trình để xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi.

Đến nay Luật được thiết kế 8 chương với 50 điều, lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan, qua các cuộc hội thảo, họp. Đồng tình với báo cáo Tờ trình, Bộ trưởng yêu cầu làm rõ nội dung liên quan đến 3 đề xuất mà Cục Điện ảnh báo cáo.

Bộ trưởng giao Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cùng với Cục Điện ảnh, Vụ Pháp chế, sau buổi làm việc này, tiến hành rà soát lại thật kỹ những nội dung liên quan để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Chính phủ.

Nhấn mạnh quan điểm xây dựng Luật phải dựa trên thể chế hóa quan điểm đường lối của Đảng thành pháp luật, Bộ trưởng yêu cầu phải nghiên cứu rất kỹ các Nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng để thể chế hóa trong quá trình làm Luật. "Đây cũng là công cụ để chúng ta luận giải những vấn đề mà đại biểu Quốc hội có thể đặt câu hỏi. Đặc biệt, phải quán triệt một số Nghị quyết, mới nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt văn hóa ngang với chính trị, kinh tế, coi văn hóa và con người là động lực của sự phát triển. Sau đó là hệ giá trị của văn hóa Việt, trong đó có những điều được cụ thể hóa tại Nghị quyết 33, Nghị quyết 76, Nghị quyết 42...

Bộ trưởng cũng yêu cầu, xây dựng Luật phải lưu ý không được mâu thuẫn với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết khi chúng ta đã hội nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, phải lưu ý và rà soát lại những điểm nào có sự tích hợp với một số lĩnh vực, có sự chồng chéo giao thoa giữa các Luật. Từ đó, rà soát trên cơ sở xây dựng luật là phải tạo sự bình đẳng cho phát triển, là động lực cho sự phát triển, trong đó khuyến khích việc xuất khẩu phim.

Bộ trưởng cũng cho rằng, phải áp dụng Nghị quyết của Đảng, nếu không kiểm soát, kiểm duyệt thì không ngăn chặn được sản phẩm độc hại.

Về bản quyền trên không gian mạng, Bộ trưởng cho rằng cần có chế tài quản lý, nên chăng có phân loại, có phương án quản lý.

Về ba đề xuất của Cục Điện ảnh nêu trong Tờ trình, Bộ trưởng cho rằng, về Đấu thầu phim: Mong muốn của ngành là đơn đặt hàng để điện ảnh sống được và nếu được Quốc hội thông qua. Nếu không thì phải tuân thủ cơ chế đấu thầu. Về kiểm duyệt phim trên không gian mạng, phải kiểm duyệt, kiểm tra chứ không thể thả lỏng. Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Bộ trưởng yêu cầu phải luận giải được vì sao không làm được? Phải tính toán lại cụ thể, không cảm tính, luận giải có khoa học, có căn cứ để đề xuất với Quốc hội.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trên cách nhìn và hướng tiếp cận toàn diện như vậy, hi vọng, Cục Điện ảnh, Vụ Pháp chế nghiên cứu, tiếp thu, cùng với những ý kiến tổng hợp qua hai Hội thảo và những vấn đề mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã khuyến nghị, để hoàn thiện Tờ trình trình Chính phủ./.

Hà An

To Top