Bức tranh đẹp nơi biên giới phía Bắc

Những nếp nhà sàn truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc Tày, không khí trong lành cùng với sự nồng hậu của người dân trong thôn… là điều tuyệt vời giữ chân du khách khi có dịp ghé thăm Làng văn hóa du lịch (VHDL) cộng đồng thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đây là cách để đồng bào không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Những ngôi nhà sàn thấp thoáng bên ruộng lúa xanh ngắt mang đến cảm giác yên bình cho du khách khi ghé thăm thôn Thanh Sơn. Ảnh: Thanh Thuận

Đánh thức tiềm năng từ nơi chiến trường ác liệt

Làng VHDL cộng đồng thôn Thanh Sơn cách thành phố Hà Giang khoảng 17km. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào dân tộc Tày. Đến với Thanh Sơn, du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt vời, nên thơ của vùng đất này. Đó là bầu không khí trong lành, yên tĩnh, những nếp nhà sàn của người Tày thấp thoáng bên ruộng lúa, ngô xanh ngắt, những ao cá rộng trước nhà... Đó đây có thể bắt gặp những người dân đi làm đồng hoặc chăn trâu. Xa xa, thấp thoáng bóng núi xám... Tất cả làm nên bức tranh đẹp, thanh bình của miền sơn cước.

Đứng giữa khung cảnh ấy, khó ai thể nghĩ rằng, nơi đây từng là chiến trường ác liệt. Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, thôn Thanh Sơn có tên là làng Pinh, từng là một trong những chiến trường trọng điểm bắn phá của quân xâm lược. Nhiều chiến sĩ và người dân đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Chiến tranh kết thúc, trên khung cảnh hoang tàn do đạn pháo của quân thù để lại, người dân nơi đây đã nén đau thương, cùng nhau đoàn kết, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Vị Xuyên, đồng bào dân tộc Tày ở Thanh Sơn đã tiến hành công cuộc đổi mới, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với cuộc cách mạng trên đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con đã tham gia tích cực Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 2 năm bắt tay vào thực hiện, năm 2015, thôn Thanh Sơn được công nhận là Làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới. Bản làng khang trang có sân vận động, nhà sàn văn hóa cộng đồng, đường bê tông dẫn đến từng mái nhà sàn sạch đẹp, chuồng trại hợp vệ sinh... đã làm thay đổi diện mạo vùng biên một thời khói lửa.

Bản làng trù phú, cảnh thiên nhiên hoang sơ với những ngọn núi đá trùng điệp, những dòng suối chảy róc rách, những cánh đồng xanh mướt, khí hậu trong lành, những món ăn ngon, sự chân chất, mộc mạc, mến khách, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của những người dân tộc Tày ở thôn Thanh Sơn... đã mời gọi và níu giữ bước chân du khách khi có dịp đến với Hà Giang.

“Đến Thanh Sơn ăn cá bỗng”

Mỗi khi nhắc đến Làng VHDL cộng đồng thôn Thanh Sơn, nhiều người nghĩ ngay tới cá bỗng - đặc sản của người Tày, ở Vị Xuyên, Hà Giang. Để rồi, khi ai đó từ phương xa có dịp ghé Hà Giang là lại được giới thiệu đến thôn Thanh Sơn ăn cá bỗng. Đây là loài cá thuộc họ cá chép nhưng có vẻ ngoài bắt mắt với mình thon, dài, lưng cá màu xám nhạt dần về phía bụng, môi và vây màu đỏ rất đẹp. Vào những ngày lễ, tết, người Tày thường dâng cá lên trời đất, tổ tiên để tỏ lòng kính trọng. Bên cạnh đó, cá bỗng còn là loài cá cho thịt ngọt và chắc, có thể chế biến thành nhiều món nên được người Tày ở Vị Xuyên ưa thích và nuôi nhiều. Nhà nào trong thôn có ao đều nuôi cá bỗng.

Hiện nay, trong thôn Thanh Sơn có 12 hộ dân kinh doanh lưu trú du lịch homestay. Để phục vụ nhu cầu ăn uống cho khách du lịch lưu trú tại thôn, người dân đã khéo léo chế biến cá bỗng thành những món ăn độc đáo như cá bỗng 5 món (gồm hấp, gỏi, rán, nướng, nấu canh măng chua). Vị ngon và lạ miệng của các món ăn được chế biến từ cá bỗng đã khiến du khách nhớ mãi. Tiếng lành đồn xa, cá bỗng đã trở thành món ăn đặc sản được nhiều người yêu thích và tìm đến thôn Thanh Sơn để thưởng thức món ăn từ loài cá này cùng những độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực của người Tày với mùi thơm đặc trưng được tạo nên từ các loại gia vị: Gừng, hạt dổi, lá chanh, lá mắc mật...

Người dân tộc Tày ở Thanh Sơn luôn ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: Thanh Thuận

Ngoài cá bỗng, điều khiến du khách nhớ khi đến Làng VHDL cộng đồng thôn Thanh Sơn còn là những phong tục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày. Có thể thấy, người Tày nơi đây luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Điều đó được thể hiện qua trang phục của các chị, các cô diện hằng ngày, những làn điệu dân ca, các điệu múa dân gian, những ngôi nhà sàn truyền thống nguyên sơ, những câu hát lượn, hát cọi, hát then truyền cảm cùng tiếng đàn tính... đã làm say đắm lòng người, tạo cho du khách cảm giác như được trở về nơi cội nguồn của dân tộc.

Bên cạnh đó, du khách đến Làng VHDL cộng đồng thôn Thanh Sơn còn được hòa mình vào cuộc sống của người dân tộc Tày nơi đây. Chủ nhà lưu trú homestay Nguyễn Văn Đoàn cho biết: “Khi lưu trú tại những ngôi nhà sàn dịch vụ trong thôn, khách du lịch có dịp được chứng kiến hoặc tham gia các hoạt động thường ngày của người Tày như đi làm đồng, bắt cá, đan lát, dệt thổ cẩm... Điều này khiến các du khách, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích thú”.

Đến thôn Thanh Sơn, thưởng thức ẩm thực độc đáo của người Tày, lắng nghe những lời ca, điệu múa dân gian do đội văn nghệ của thôn biểu diễn trong những ngôi nhà sàn được dựng bên những dòng suối róc rách đêm ngày hay những cánh đồng xanh mượt là những trải nghiệm vô cùng thú vị của du khách. Hãy một lần đến để được cảm nhận nhịp sống chậm, nhẹ nhàng và đầy cảm xúc nơi biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Thanh Thuận

To Top