CẦN CHÍNH SÁCH HỢP LÝ THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI, TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO ĐIỆN ẢNH

Tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, kiến nghị cần có chính sách hợp lý vừa thu hút đầu tư của nước ngoài, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước đầu tư vào điện ảnh.

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho biết, hiện nay trên cả nước hệ thống rạp chiếu phim ở các trung tâm điện ảnh trực thuộc các tỉnh, thành phố được nhà nước đầu tư xây dựng hoạt động chiếu phim gần như tê liệt, không hoạt động. Một số rạp thuộc các Trung tâm điện ảnh không được đầu tư cải tạo đã dừng hoạt động, một số trung tâm điện ảnh được sát nhập với các trung tâm khác như thư viện, thể thao… thành Trung tâm văn hóa tỉnh được đầu tư 01 phòng chiếu đa năng nên hoạt động không hiệu quả, không có sức cạnh tranh với các hệ thống rạp do công ty nước ngoài đầu tư xây dựng.

Một số rạp ở địa phương dù được cải tạo cũng rất khó tiếp cận được với nguồn phim mới, phim bom tấn từ các hãng phát hành phim lớn vì yếu tố lợi nhuận và hiệu quả nên các hãng này không mặn mà đưa phim về địa phương, nếu có cấp phim về địa phương họ vẫn quy định tỷ lệ đối với các rạp ở các thành phố lớn.

Tuy nhiên, ngược lại với hình ảnh sập sệ, cũ nát của hệ thống rạp chiếu phim thuộc nhà nước quản lý thì hình ảnh các công ty nước ngoài đầu tư ồ ạt vào xây dựng các cụm rạp chiếu phim. Ông Nguyễn Danh Phương dẫn chứng, chỉ trong vòng 5 năm đến 7 năm trở lại đây các công ty nước ngoài như CGV, Lotte đã có số cụm rạp, số phòng chiếu chiếm tỷ lệ lần lượt 63,6% số cụm rạp và 64,9% số phòng chiếu trên toàn quốc. Với số lượng các cụm rạp, phòng chiếu của nước ngoài chiếm thị phần lớn, lại hiện đại sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động điện ảnh, đến sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, đến văn hóa Việt Nam. Phim Việt Nam khi sản xuất ra khó vào được hệ thống rạp của họ, nếu có vào được số suất chiếu cũng ở mức tối thiểu và chịu một tỷ lệ phân chia lợi nhuận không công bằng dẫn đến những người làm phim Việt Nam không có khả năng thu hồi vốn.

Ông Nguyễn Danh Phương cũng chỉ ra bất cập trong công tác nhập khẩu và phát hành phim: Nhà nước dần mất vai trò điều tiết trong lĩnh vực nhập khẩu và phát hành phim; Lĩnh vực nhập khẩu do các công ty nước ngoài và công ty trong nước đảm nhận dẫn đến hoạt động phát hành phim, phổ biến phim đến các đơn vị đang bị lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung của các hãng nước ngoài và tư nhân. Bên cạnh đó, một bất hợp lý hiện nay là hầu hết các công ty nhập khẩu và phát hành phim hiện nay đều có hệ thống cụm rạp của mình nên trong khi thực hiện phát hành phim các công ty đã tạo ra sức ép với các cơ sở chiếu phim khác về tỷ lệ, về xuất chiếu có lợi nhất cho các công ty, điều này gây khó khăn cho các đơn vị phổ biến phim chỉ có rạp mà không có chức năng nhập khẩu phim; càng gây khó khăn hơn đối với các rạp địa phương chỉ có 1 hoặc 2 phòng chiếu.

Từ thực trạng trên, Ông Nguyễn Danh Phương đưa ra kiến nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi):

Thứ nhất, tại điều 5 chương 1 – Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh bổ sung thêm nội dung: Nhà nước giữ vai trò điều tiết và giám sát việc đầu tư từ các đơn vị tư nhân hoặc tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài đảm bảo tỷ lệ không vượt quá 51% trong các lĩnh vực hợp tác sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất rạp…

Thứ hai, về đầu tư điện ảnh của Nhà nước: Tại Điều 5 giữ nguyên khoản 3 –Nhà nước đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sản xuất phát hành, phổ biến. Ông Nguyễn Danh Phương cho rằng, trên thực tế những năm gần đây Nhà nước chưa quan tâm đến đầu tư cho Điện ảnh. “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” không được thực hiện. Thiếu sự giám sát và đánh giá hiệu quả trong viejc đầu tư cho điện ảnh.

Thứ ba, Tại Chương IV Điều 30 – Về xuất khẩu phim, nhập khẩu phim: Đề nghị bỏ khoản 2, khoản 4. Theo luật Điện ảnh: Đơn vị sự nghiệp chỉ được nhập khẩu phim, lưu hành nội bộ để phục vụ yêu cầu công tác của mình (khoản 6); Doanh nghiệp phát hành phim phải cso rạp mới được nhập khẩu phát hành phim (khoản 2), nay đề nghị sửa: Đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phổ biến phim (dù có rạp hay không có rạp) được phép nhập khẩu và phát hành phim.

Thứ tư, Chương IV, điều 26 về nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh tham gia phát hành phim: Bổ sung: Cơ sở điện ảnh tham gia phát hành phim có nghĩa vụ cung cấp phim đến các cơ sở phổ biến phim tại địa phương với tỷ lệ phân chia thấp hơn các cơ sở phổ biến tại các thành phố lớn.

Thứ năm, đề nghị bổ sung trong luật hoặc văn bản dưới luật các chế tài xử lý nghiêm những cá nhân và công ty vi phạm những nội dung bị cấm trong luật ví dụ như: Phổ biến tác phẩm điện ảnh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam khi chưa được cấp phép; Phổ biến bản phim không đúng với bản phim được cấp phép.

Thứ sáu, quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh rất cần thiết. Đề nghị trích luôn từ doanh thu chiếu phim tại rạp để có điều kiện hỗ trợ điện ảnh phát triển, tỷ lệ % khoảng 0,5%/tổng doanh thu chiếu phim.

Thứ bảy, thẩm quyền phân cấp phổ biến và phân loại phim: Đối với phim truyền hình do Đài Truyền hình Trung ương và địa phương phát sóng cấp giấy phép phổ biến. Đối với phim điện ảnh, Hội đồng duyệt do Bộ VHTTDL thành lập và cấp giấy phép phổ biến.

Thứ tám, điều tiết mâu thuẫn lợi ích giữa công ty phát hành và đơn vị phổ biến (các rạp). Luật cần có quy định để đảm bảo sự công bằng lợi ích giữa đơn vị phổ biến phim và đơn vị phát hành phim, tránh tình trạng cá lớn nuốt cá bé và độc quyền trong lĩnh vực phổ biến, phát hành phim.

Cuối cùng, ông Nguyễn Danh Phương kiến nghị phim trên mạng phải được kiểm duyệt, đơn vị đưa lên mạng phải kiểm duyệt./.

Lê Anh - Lê Na

To Top