Cao Bằng: Độc đáo nhà sàn của người Lô Lô

Nói đến nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc thì người Lô Lô là dân tộc mang nhiều nét đẹp độc đáo và đa dạng. Trong đó, nhà sàn được coi là 'hồn' của người Lô Lô, mang nhiều giá trị tinh thần và nét văn hóa đặc trưng.

Nhà sàn của người Lô Lô.

Người Lô Lô thường sinh sống trên những ngọn núi cao, cheo leo ngay giữa đèo. Bốn bề quanh làng đều là đồi núi, được ôm lấy bởi những làn mây nhẹ nhàng, không khí trong lành, dễ chịu, là một trải nghiệm tuyệt vời để du khách có thể tuyệt đối hòa mình vào thiên nhiên. Càng lên cao gió thổi càng mạnh nên những ngôi nhà sàn thường được xây dựa lưng vào thế đất núi cao để cản gió lớn và tạo độ vững chắc. Mái nhà của người Lô Lô được làm từ ngói âm dương 4 mái với 2 mái chính và 2 mái phụ.

Nhìn từ bề ngoài, nhà sàn Lô Lô gần giống nhà sàn của các dân tộc khác, tuy nhiên qua tìm hiểu mới thấy được sự độc đáo riêng biệt mà chỉ nhà sàn của người Lô Lô mới có. Nhà sàn có kết cấu 7 gian, gồm 3 gian chính và 4 gian phụ, được chia làm hai tầng. Tầng dưới khá rộng rãi, người dân dùng để chứa các nông cụ cuốc, xẻng, cày... Bếp phụ được đặt tầng dưới để nấu cám lợn hoặc nấu rượu. Cầu thang của người Lô Lô có 7 - 9 bậc, tùy theo từng nhà nhưng bắt buộc phải là số lẻ.

Người dân sinh hoạt ở tầng thứ hai, thông thường ngôi nhà có hai cửa chính. Bàn thờ được đặt nơi trang trọng nhất ngay chính giữa ngôi nhà, hai phòng ngủ được làm ngay cạnh hai bên của bàn thờ. Bàn thờ của người Lô Lô được đặt ở vị trí chính giữa ngôi nhà, trên bàn thờ treo ảnh Bác Hồ thể hiện lòng kính yêu, nhớ ơn đối với Bác, người cha vĩ đại của dân tộc. Bếp lửa đặt ngay cạnh cửa ra vào, nằm đối diện với bàn thờ. Bếp lửa là nơi tạo nên sự ấm cúng của cả ngôi nhà. Ở đây, bếp lửa là nơi tiếp khách, nơi bàn công chuyện gia đình của người Lô Lô.

Bếp lửa là nơi tiếp khách của người Lô Lô.

Thường thì người dân không để bếp lửa tắt, lúc đun nấu sẽ ủ than dưới lớp tro để bếp luôn duy trì hơi ấm. Không cần dùng đến bàn ghế, người dân thường trải tấm chiếu cót ngay cạnh bếp lửa ngồi quây quần bên nhau để uống trà, kể những câu chuyện đời thường. Chính sự giản dị, gần gũi đó, bếp lửa là nơi gắn kết gia đình, gắn kết tình làng nghĩa xóm, là nơi gắn bó các thành viên trong gia đình của người Lô Lô.

Ba gian nhà chính giữa ngôi nhà là nơi sinh hoạt, ăn uống của gia đình. Người Lô Lô phần lớn không dùng bàn ghế, họ trải những tấm chiếu ngay trên mặt sàn để có thể thoái mái ngồi và sinh hoạt. Hai gian phụ thường để đựng các đồ vật, thóc, lúa, gạo, đồ dùng gia đình... Khi khách đến nhà họ sẽ trải chăn ra ở giữa nhà cho khách ngủ, điểm đặc biệt ở đây là nếu đoàn khách có cả nam và nữ, dù là vợ chồng thì người Lô Lô vẫn sẽ phân ra hai nơi ngủ nam, nữ rõ rệt. Đây là một điều tín ngưỡng của người Lô Lô mà bất cứ người khách nào cũng phải tuân theo.

Người Lô Lô thường chung sống với nhau nhiều thế hệ, tuy nhiên, nếu nhà có hai người con trai thì người con trai thứ hai sẽ phải ra ở riêng và xây dựng ngôi nhà của hai vợ chồng, đối với nhà có hai con gái cũng vậy, người chị cả sẽ ở lại nhà chính và phụ trách chăm sóc bố mẹ.

Theo thời gian, cuộc sống ngày càng phát triển nhưng nhà sàn của người Lô Lô vẫn giữ được phần lớn giá trị độc đáo riêng có. Nếp nhà sàn truyền thống đã trở thành điểm du lịch thú vị, thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài, vì vậy nhà sàn của người Lô Lô cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Mai Chi

To Top