Chat với nghệ sỹ 'Đáo Xuân' - Đào Anh Khánh

Nếu ai đã từng xem nghệ sỹ Đào Anh Khánh biểu diễn các chương trình 'Đáo Xuân' do anh tổ chức liên tục từ năm 1999, thì cứ đến độ xuân sang lại nhớ thương hiệu nghệ thuật này.

Công bằng mà nói, Đáo Xuân hay nhiều dự án nghệ thuật của Đào Anh Khánh luôn nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều, nhưng dường như nghệ sỹ này chẳng mấy để ý đến điều đó. Người ta thấy anh vẫn “điên” để hoàn thành trọn vẹn Đáo Xuân nói riêng hay các dự án nghệ thuật lớn nhỏ khác, liên kết cộng đồng, kết nối nghệ sỹ trong nước và quốc tế ngày một lớn.

Sau Đáo Xuân 9 (năm 2019) đình đám cuối cùng, với sự tham gia của hơn 250 nghệ sỹ quốc tế đến từ 27 quốc gia và 50 nghệ sỹ Việt Nam tại Thung lũng Gầm Trời tại Lương Sơn, Hòa Bình (cách Hà Nội 50km), Đào Anh Khánh dành cho tôi cuộc chuyện trò đầu Xuân tại tư gia của mình ở Ngọc Thụy, Gia Lâm.

Có lẽ, đó cũng là một trong những điều được coi là “Đào Anh Khánh, chuyện bây giờ mới kể”, bởi nó vừa thấm đẫm những hoài cổ nhưng cũng lại phơi phới một tương lai nghệ thuật độc và lạ của nghệ sỹ này.

Nghệ sỹ Đào Anh Khánh đang say sưa múa khúc Ngẫu hứng ngày Xuân. (Ảnh: MH)

Khúc ngẫu hứng với âm thanh

Tôi bước vào số 7, ngõ 462 Ngọc Thụy và lần đầu được biết thế nào là “Ngôi nhà Cộng đồng Nghệ thuật” vẫn được giới nghệ sỹ ca ngợi. Những ngôi nhà xây trên cây như tổ chim bồ câu lớn, những căn nhà mang hình bầu ngực hay nơi được gọi là “Trái tim ngục tù”...

Tất cả đều tràn ngập thiên nhiên tận giường ngủ, cùng công năng sử dụng như phòng khách sạn. Tất cả những điều đó đang biến tư gia này trở thành điểm đến du lịch và nghỉ dưỡng của du khách quốc tế.

Là người cùng thế hệ, tôi và nghệ sỹ Đào Anh Khánh có khá nhiều sở thích chung từ thơ, họa... Nhưng đầu Xuân năm nay, chúng tôi say sưa nói về múa đương đại và nhất là về những tác phẩm múa trong các “đứa con tinh thần” Đáo Xuân.

Có thể thấy, trong Đáo Xuân, ngôn ngữ múa đương đại của Đào Anh Khánh chính là sự thoải mái của động tác dùng đường nét tự nhiên và sức mạnh của thân hình để tạo hàng loạt chuyển động tiếp nối tuyệt vời hơn. Điều này khác với những kỹ thuật múa trước đây và đặc biệt hơn ở chỗ có thể múa với bất cứ loại âm nhạc nào.

Nhưng tuyệt hơn có lẽ lại là lúc anh múa ngẫu hứng hơn các nghệ sỹ quốc tế ở những nơi chẳng phải sân khấu, mà ở suối, ở thác, hay thậm chí trên sân thượng… Anh bảo: “Tôi nghe tiếng nhạc và nội tâm tôi thức tỉnh. Và, tôi cứ thế chuyển động, ngẫu hứng cùng âm nhạc, cùng cảnh sắc xung quanh. Các bạn xếp vào múa gì cũng được”.

Tôi là người may mắn được xem Đào Anh Khánh biểu diễn nhiều lần, từ giai điệu của nhạc ngũ cung truyền thống như “Se chỉ luồn kim”, hay trên nền nhạc trống của Nhật Bản với “Ngẫu hứng dưới trăng”… Anh múa chẳng lần nào giống lần nào và chẳng giống ai! Nhưng, tôi thích! Tôi thích cái cách múa đầy biểu cảm và cảm xúc của anh. Anh đã múa là múa hết mình, với một phong cách nghệ thuật không vay mượn.

Anh chia sẻ, “tôi thích thứ nghệ thuật không đường biên - mục đích là không có mục đích nào cả. Bởi nếu không có đường biên thì sự đi vào đi ra của nhận thức con người được tự do, được thỏa mãn. Cái mà tôi thổn thức nó sẽ được mã hóa sang người xem và khiến người xem thấy thổn thức. Người xem múa thổn thức nhưng là thứ thổn thức của chính họ”.

Đáo Xuân 9 đã khép lại chuỗi chương trình ấn tượng của Đào Anh Khánh, nhưng cơn đam mê trong thế giới nghệ thuật của anh chưa bao giờ hết.

Đánh thức bản năng nghệ thuật

Một thoáng trầm tư, Đào Anh Khánh chia sẻ: “Nhiều người cứ đặt ra mục đích rồi hành động theo mục đích hoàn toàn hướng tới bên ngoài mà thực ra họ đã quên đi tiềm năng vô hạn ở bên trong của họ. Tôi muốn đánh thức cái tiềm năng bên trong đó của mỗi con người”.

“Tôi đã từng đánh thức hàng trăm người trong các lần trình diễn cho Đáo Xuân. Nghệ sĩ của tôi ở nhiều trình độ, từ những người có trình độ cao đến cả những người nông dân của làng Lạc Sơn, người Mường ở Hòa Bình”, anh nói thêm.

Để những người không liên quan đến nghệ thuật trở thành người trình diễn trong Đáo Xuân, Đào Anh Khánh đã đánh thức tiềm năng đẹp đẽ bên trong của nhiều người nông dân. Anh thức tỉnh thế giới của họ, cộng với trí tuệ của một người đạo diễn kết nối, sắp đặt, để đưa ngôn ngữ bẩm sinh bản năng của họ bộc lộ ra và sẽ tạo ra nghệ thuật.

Tôi ngẫm thấy anh nói rất có lý. Ví như khi bạn dạy một nông dân thuần túy học múa đương đại theo bài bản, chắc có lẽ phải mất vài năm. Họ sẽ ngỡ ngàng với việc làm thế nào cho chân tay đỡ thừa thãi, bối rối khi phải làm thế này mới đúng, như thế kia là sai mất rồi…

Nhưng, Đào Anh Khánh lại biến họ thành chủ nhân của sáng tạo, chẳng còn bị lệ thuộc đúng sai. Nhờ đó, sự hưng phấn đã đánh thức thế giới nghệ thuật ngủ quên trong họ và điều đó làm nên những chuyển động hoàn hảo.

Anh bảo, “trước giờ diễn, tôi thường chuyện trò với họ bởi nhiều người lo lắng, sợ sệt, khi khán giả của Đáo Xuân là khách Tây, khách ta đủ cả. Có hôm còn có cả Thủ tướng Đức đến xem. Người xem đứng đầy hàng rào, các nghệ sỹ từ chuyên nghiệp đến không chuyên đều có mặt. Họ lo lắng là phải”.

Anh nói tiếp: “Tôi ngồi nói chuyện với họ trước chương trình hai giờ, dẫn họ vào ‘cõi phê’ bằng cách Thiền, cùng với ngôn ngữ nghệ thuật qua giọng nói và biểu cảm. Tôi ‘đốt’ họ từ tế bào nhỏ nhất trong họ đến cơ thể họ bằng nhiên liêu thuộc về tự nhiên.

Tôi đưa vào cơ thể của họ tiếng sóng, tiếng gió, đưa vào màu sắc của vũ trụ. Rồi họ cảm nhận bản thân không còn là gì, cứ nhẹ như mây, như gió.

Tôi bảo: ‘Các bạn hãy để cho những ngón tay vui đùa với ngọn gió đi, các bạn hãy nhảy với ngọn gió đi… cứ thế cứ thế họ làm theo những kịch bản mong muốn.

Họ đến được thế giới nghệ sỹ của họ. Nhưng không phải bị thôi miên, mê hoặc. Họ vẫn nhận biết được. Kết thúc chương trình, tôi lại phải kéo họ ra. Không nên để họ quá lâu trong thế giới đó. Kéo bằng phương pháp ‘giảm khí’, giảm dần và kết thúc trở lại hiện tại”.

Hóa ra là vậy. Đào Anh Khánh không chỉ đam mê, hết lòng vì nghệ thuật mà có khi anh phải “điên” lên.

Còn nhớ chương trình Đáo Xuân 3, trời lạnh, cái lạnh “Rét tháng Ba bà già chết cóng”, anh nhìn thác nước trong khuôn viên và chỉ muốn một lần được lao vào thác nước đó, nhảy múa. Nghĩ là làm, anh học những người đi biển uống nước mắm nguyên chất khi trời lạnh và uống hết bát nước mắm trước giờ biểu diễn.

Anh bảo: “Đó là một cảm giác như chết ngất!”. Anh bất động đến nửa tiếng đồng hồ sau đó, rồi chợt tỉnh, mồ hôi túa ra và anh lao vào làn nước lạnh, biểu diễn. Nhiều người hét lên, “Khánh ơi, mày điên rồi!”. Nhưng anh bảo, “khi đó tôi thấy nóng rực, nóng đến ngột thở! Đúng là năm Đáo Xuân đáng nhớ!”

Những ngôi nhà trên cây ở tư gia của nghệ sỹ Đào Anh Khánh tại Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh MH)

Gầm Trời sẽ là miền đất rất lạ

Đáo Xuân 9 đã khép lại chuỗi chương trình ấn tượng của Đào Anh Khánh, nhưng cơn đam mê trong thế giới nghệ thuật của anh chưa bao giờ hết. Đó chỉ là khoảng lặng để chuẩn bị cho bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của anh.

Con đường nghệ thuật của Đào Anh Khánh phát triển theo hình chóp ngược, tức là càng cao thì càng lớn. Nó liên kết cộng đồng, kết nối nghệ sỹ và quy mô lớn hơn.

Đó cũng là lý do mà Đáo Xuân luôn mở tự do cho mọi người, không phân biệt già trẻ gái trai, chẳng phân biệt màu da chủng tộc, chẳng cần quan tâm khán giả ở trình độ nghệ thuật nào.

Từ mô hình kiến trúc tư gia như ở Ngọc Thụy, Đào Anh Khánh đã xây dựng Gầm Trời tại Lương Sơn như một “đại bản doanh” về nghệ thuật mới của anh. Tại đây có đủ các loại hình nghệ thuật mà anh đã theo đuổi như hội họa, múa. Anh muốn cùng các nghệ sỹ mở rộng kết nối hết cỡ cho cộng đồng.

Và Gầm Trời là nơi anh có được sự tự do tuyệt đối trong nghệ thuật, nơi mà theo anh, sẽ trở thành “Miền đất lạ” phản ánh xu thế phát triển nghệ thuật của nhân loại.

Đào Anh Khánh giãi bày: “Gầm Trời vừa có giới hạn vừa không có giới hạn, nó vừa mở ra một cái gì lớn lao nhưng lại thật gần, ấm cúng và mong muốn lớn nhất của tôi là đưa không gian nghệ thuật về với thiên nhiên, với năng lượng gốc của nó mới được nâng cánh mạnh mẽ nhất…”

Anh nhắn ngủ, “có lẽ các bạn sẽ phải bước chân tới Gầm Trời để tự cảm nhận, vì nói ra rất khó. Chắc chắn rằng, các bạn sẽ thấy điều khác thường mà chưa bao giờ các bạn đã nhìn thấy, nghe thấy. Ngả đường mới mà tôi bước vào sẽ hiện hữu dần trong cuối năm nay và sang năm”.

Minh Hòa

To Top