Chị Hằng 'kỷ vật'

Tôi thường hay gọi chị bằng 'bà' xưng em, còn chị gọi tôi lúc thì 'cậu' xưng chị (thân mật), lúc thì 'mày' (bình thường), lúc bực lên thì 'thằng kia' xưng tao...

Ấy là quãng thời gian cách đây hơn chục năm, lúc tôi và chị được giao “chức” thường trực của hai cơ quan trong Cuộc thi viết “Những kỷ vật kháng chiến” do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) và Bảo tàng Lịch sử Quân sự (LSQS) Việt Nam phối hợp tổ chức. Có lần, đang bận giao ban, muộn hẹn có vài phút, qua điện thoại, giọng chị đã réo rắt: “Thằng kia! Đến giờ rồi mà chưa thấy mặt đâu! Làm ăn như “mày” thế này có mà ăn... cám!”...

Những ngày làm “kỷ vật kháng chiến”

Tình “đoàn kết” và sự phối hợp ăn ý của tôi với chị đến một cách tự nhiên do yêu cầu của nhiệm vụ được giao. Trước đó, dù cũng đã quen biết nhau qua công việc nhưng thực sự, đối với những cán bộ ở đơn vị có cái quy định ngặt nghèo “cấm sờ vào hiện vật”, tôi vẫn luôn “kính nhi viễn chi” cho lành!

Đồng chí Trần Thanh Hằng (ngoài cùng bên phải) sưu tầm hiện vật tại gia đình Trung tướng Nguyễn Thới Bưng.

Cũng như nhiều cuộc thi viết khác, Cuộc thi “Những kỷ vật kháng chiến” Báo QĐND đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn đọc trong cả nước, quốc tế, trong đó đặc biệt là các cựu chiến binh. Tuy nhiên, trong thể lệ của cuộc thi này có một quy định đặc biệt, ngoài các bài viết, hình ảnh về xuất xứ của các kỷ vật, người tham dự phải tặng lại các hiện vật ấy cho Bảo tàng LSQS Việt Nam để lưu giữ, trưng bày, giới thiệu với khán giả. Về cơ bản, các bài viết, tư liệu hình ảnh được chuyển đến Báo QĐND để biên tập, đăng báo tuyên truyền, còn hiện vật thì về bảo tàng. Thế nhưng, một số hiện vật vẫn được các tác giả tham gia cuộc thi chuyển về báo và tôi là người trực tiếp nhận. Khá nhiều hiện vật gắn với cuộc sống của người lính trong những năm tháng chiến tranh: Nồi niêu, soong chảo làm từ xác máy bay Mỹ; lọ hoa gò từ vỏ đạn pháo; súng chiến lợi phẩm... Mỗi hiện vật là một câu chuyện xúc động phía sau. Tôi nhớ, năm đầu tiên, giải nhất được trao cho Ngô Nguyên Huân, một sinh viên báo chí khi đó có công phát hiện ra hiện vật gốc là “Chiếc gậy Trường Sơn” của cựu chiến binh Phùng Văn Quán, quê ở Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Chiếc gậy này ông được nhân dân địa phương trao tặng trước lúc lên đường, theo ông hành quân trên khắp nẻo Trường Sơn, được ông tỉ mẩn khắc tên mình lên đó rồi gửi ngược về gia đình qua một người bạn như một lời nhắn nhủ với gia đình, quê hương rằng ông vẫn mạnh khỏe; những thanh niên của quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn” (tên một bài hát đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Phạm Tuyên) luôn xứng đáng với truyền thống gia đình, làng xóm...

Bài viết phát hiện một hiện vật quý nhưng có điều làm sao có được chiếc gậy này khiến chị Hằng đau đầu và tôi là người được “vinh dự” chịu trận đầu tiên. "Phải đi ngay, phải sưu tầm bằng được hiện vật quý này bằng mọi giá". Và cái câu chị “quát” tôi qua điện thoại kể trên xảy ra trong tình huống ấy!

Là người đam mê công việc, đi nhiều, sưu tầm được nhiều hiện vật quý, chị cũng là “cây viết” cộng tác nhiều khi khiến tôi... phát cáu. Bài viết nào của chị gửi cho tôi cũng vài nghìn chữ trong khi khuôn khổ của tờ báo có hạn... Mỗi lần gửi bài, chị lại dành cả tiếng đồng hồ kể về lai lịch gốc tích của hiện vật; những câu chuyện liên quan về chủ nhân hiện vật rồi phán: "Hay lắm đấy! Biên tập mà đăng báo nhé". Có lần vui chuyện, tôi nói: “Vâng, bài của “bà” như một bức tranh 3D vẽ cái xe tăng mà ở đó mọi chi tiết máy móc của nó đều được đặc tả rất cặn kẽ, rõ ràng, tỉ mỉ”. Chị cười hí hí trong điện thoại ra điều hài lòng lắm. Tưởng là xong, ai ngờ sáng hôm sau, chị gọi lại giọng xoe xóe: “Hôm qua cậu khen “đểu” chị đấy à?”...

Chưa đủ 100 hiện vật chưa về!

Hôm rồi, tôi gọi cho chị với ý định hỏi vài câu chuyện xung quanh việc đi sưu tầm hiện vật, giọng chị xởi lởi: “Xuống đây! Xuống uống rượu với anh Mùi!” (nhà báo Lại Vĩnh Mùi, chồng chị). Tôi cười: “Không! Mời “bà” lên đây. Tôi ngại ông Mùi biết chuyện bà “trộm” rượu của chồng cho tôi ngày xưa lắm”. “Không! Ông ấy hiền mà!”. Chị cười giòn tan trong điện thoại.

Đồng hồ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng chí Phan Anh tháng 11-1954.

Chị kể, "Cậu biết không, ngày xưa chị đi công tác không tính ngày, tháng đâu mà tính bằng số lượng hiện vật sưu tầm được, phải đủ 100 hiện vật mới về. Chị đi “săn” hiện vật như cậu đi săn tin ấy. Cái lần đến nhà ông Phi Long (Thiếu tướng Lê Phi Long, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu) làm chị vẫn nhớ đến giờ. Gọi điện thoại năm lần, bảy lượt, ông từ chối không tiếp; nhờ các cựu chiến binh nói giúp, ông cũng không nghe, chị đánh liều trực tiếp đến gặp mà không báo trước nữa. Đến nơi, xưng danh là cán bộ của Bảo tàng LSQS Việt Nam, ông cũng không mở cửa nghe mình trình bày... Nghĩ cũng tủi, như người khác thì chắc bỏ cuộc rồi. Nhưng “chị cậu” đâu có dễ bỏ cuộc thế. Chị ngồi đợi với suy nghĩ kiểu gì cũng có người phải ra vào. Đợi từ sáng đến trưa trong cái nắng rát bỏng cho đến khi con dâu của ông đi làm về mở cổng. Qua câu chuyện với cô ấy, chị được biết, con trai ông mới mất và ông đang buồn phiền về việc đó... Chị trình bày muốn vào thắp nén hương cho anh".

Câu chuyện của chị với Thiếu tướng Lê Phi Long còn dài nhưng cuối cùng, chị đã có được cái mình cần: Chiếc máy ghi âm cũ dùng ghi lại ý kiến của các tướng lĩnh tại Bộ chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định (Chiến dịch Hồ Chí Minh) và Hội nghị tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi trao kỷ vật, Thiếu tướng Lê Phi Long xem chừng như rất tiếc, nhưng ông vẫn phải nheo mắt buông lời: “Chưa thấy “đứa” nào “lì” như cán bộ sưu tầm hiện vật bảo tàng”.

Chị chia sẻ: "Cậu biết làm sao mà chị xin được khẩu súng K59 của Thượng tướng, Anh hùng LLVT, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng Võ Tiến Trung không? Kỷ vật này đặc biệt lắm! Đây là phần thưởng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tặng “cậu du kích nhỏ tuổi”- dũng sĩ diệt Mỹ Võ Tiến Trung trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Như vậy, khẩu súng này đã gắn bó với Thượng tướng Võ Tiến Trung gần như trọn cuộc đời binh nghiệp của ông. Vật bất ly thân của ông ấy đấy! Sở dĩ chị biết được thông tin này là theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn..."

"Đấy, “chị cậu” toàn “săn” được “hàng khủng” thế đấy! Tất nhiên, để có được những thứ quý giá ấy là cả một sự hy sinh! Ông Mùi nhà chị, các con cũng thông cảm và tạo điều kiện cho chị công tác rất nhiều. À mà ông Mùi cũng giúp chị được nhiều việc lắm, cái lần chị “săn” được 9 cái phù hiệu máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hà Tĩnh là do ông ấy qua quan hệ đã phát hiện và “mách” chị. Chị vào, vừa trình bày, vừa “tán”, vừa giúp họ hoàn chỉnh các tư liệu về những máy bay Mỹ bị bắn rơi trên đất Hà Tĩnh. Để làm rõ được: Loại máy bay, tên phi công, cấp bậc gì, ngày bị bắn rơi, thuộc không quân hay không quân hải quân Mỹ... chị có cuốn cẩm nang do mấy anh trong đoàn công tác hỗn hợp về người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA) tặng. Cuối cùng, các anh ở Bộ CHQS tỉnh cũng chịu để chị mang về bảo tàng! Thế là, chị cậu nhanh hơn mấy “đứa” Bảo tàng Quân khu 4, Bảo tàng Hà Tĩnh..."

Còn sức khỏe, còn đi săn hiện vật

"Chưa, chị chưa muốn nghỉ, vẫn đang đi sưu tầm cộng tác với Bảo tàng LSQS đấy", chị khẳng định khi được tôi hỏi đến bao giờ thì ở nhà “vui thú điền viên” với ông Mùi, với con cháu. "Giời cho còn sức khỏe, chị vẫn gắn bó với “nó”. Nghiệp rồi mà!".

34 năm gắn bó với nghề thì 20 năm làm công tác kiểm kê khoa học, 14 năm làm công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật đã cho chị những kiến thức và kinh nghiệm thực tế đồ sộ. Nhưng có một điều đặc biệt tôi nhận thấy ở chị, đó là tình yêu nghề, đam mê với nghiệp bảo tàng. Chị tâm sự, càng đi càng gặp gỡ tìm hiểu những người thuộc các thế hệ đi trước, càng cảm thấy kính trọng, cảm phục, yêu mến họ... Những gì chị làm chỉ là một phần nhỏ để tri ân lớp người ấy mà thôi.

Nhờ những tháng năm làm “kiểm kê hiện vật” chị đã giúp nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Vũ Năng An (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1, năm 1996) tìm lại những tấm phim gốc là những tư liệu quý giá về Cách mạng Tháng Tám; Chủ tịch Hồ Chí Minh; QĐND Việt Nam được bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng Quân đội (Bảo tàng LSQS Việt Nam). Mối quan hệ này đã giúp ích cho chị rất nhiều để hoàn thiện các thông tin về những bức ảnh do ông chụp trong kháng chiến chống Pháp. Ông cũng đã gợi mở, chỉ dẫn, giới thiệu những địa chỉ để chị có thể tiếp cận và sưu tầm những hiện vật quý hiếm gắn với các giai đoạn phát triển của cách mạng Việt Nam. Lần khác, nhờ mối quan hệ với Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng, chị sưu tầm được chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng Phó cục trưởng Cục Phòng thủ bờ biển Nguyễn Bá Phát, mặt sau khắc dòng chữ Hồ Chí Minh bằng chữ Hán và chiếc ống nhòm Đô đốc Giáp Văn Cương sử dụng khi đi thị sát, chỉ đạo chiến dịch bảo vệ quần đảo Trường Sa (CQ-88)...

Để có được chiếc đồng hồ có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh do đích thân Bác Hồ tặng nhà cách mạng Phan Anh, chị đã thuyết phục được bà Đỗ Thị Hồng Chỉnh (vợ ông) họp gia đình trong ngày giỗ, xin ý kiến gần 40 con cháu và đi đến quyết định hiến tặng chiếc đồng hồ cho Bảo tàng LSQS Việt Nam. Hiện vật quý hiếm đặc biệt này sau đó đã được trưng bày, giới thiệu với đông đảo người xem cùng nhiều hiện vật khác gắn với cuộc đời nhà cách mạng lão thành này... và là điểm nhấn ấn tượng trong nhiều cuộc trưng bày khác.

Gần 70 tuổi, nghỉ hưu hơn chục năm nhưng Thượng tá QNCN, Thạc sĩ Trần Thanh Hằng vẫn gắn bó với nghiệp sưu tầm. Vẫn vui vẻ như những ngày tham gia Cuộc vận động “Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến”, chị khoe: "Tự hào lắm chứ khi mình là một trong những tác giả của các bộ sưu tập hiện vật đầu tiên của Bảo tàng LSQS Việt Nam: Sưu tập các loại máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam (1964-1973); Sưu tập các loại bom Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; Sưu tập tranh cổ động; Sưu tập tướng lĩnh QĐND Việt Nam; Sưu tập vũ khí thô sơ tự tạo Việt Nam trong chiến tranh giải phóng (1945-1975)... nghỉ hưu rồi nhưng vẫn còn được mời tham gia nghiên cứu 3 đề tài của Bảo tàng LSQS Việt Nam sẽ trưng bày tại địa điểm mới... Đó là chuyên đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với QĐND Việt Nam; Sưu tập Tướng lĩnh anh hùng trong quân đội và Sưu tập đồ dùng sinh hoạt tự tạo của bộ đội...

"Cậu nhớ mấy “thằng đệ” của chị ngày xưa không nhỉ? Thằng An này (Trung tá QNCN Vũ Văn An), thằng Phú này (Trung tá QNCN Lâm Văn Phú)- những cán bộ phòng Sưu tầm hiện vật, Bảo tàng LSQS Việt Nam. Chúng nó giờ khá cả rồi đấy!".

Không những nhớ mà tôi còn biết rất rõ họ đang tiếp bước chị một cách hết sức nhiệt tình trên con đường sưu tầm hiện vật đầy khó khăn, vất vả mà chị đã đi suốt mấy chục năm qua...

TRỊNH VÕ

To Top