Chi tiền tỷ làm bối cảnh, phim Việt có lột xác?

Gần đây, các nhà sản xuất phim Việt đã mạnh tay đầu tư hàng tỷ đồng để làm bối cảnh, tạo nên những hiệu quả nhất định cho phim.

Lý Hải chi bạc tỷ dựng nhà sàn cho cảnh hỗn chiến ở nhà sàn tại làng Chăm trong phim “Lật mặt: 48H”

Mượn, thuê và chủ yếu có gì quay nấy là cách làm phim phổ biến của nhiều năm trước. Nhưng gần đây, các nhà sản xuất đã mạnh tay đầu tư hàng tỷ đồng để làm bối cảnh, tạo nên sự táo bạo trong phim của Victor Vũ, sự lãng mạn đầy chất thơ trong phim của Nguyễn Quang Dũng hay vẻ duy mỹ trong phim của Bảo Nhân - Nam Cito.

Chi tỷ đồng làm bối cảnh phim

Điện ảnh thế giới từng “khuynh đảo” giới mộ điệu khi tái hiện những bối cảnh nổi tiếng, mãn nhãn trên màn ảnh.

Từ danh thắng thiên nhiên hùng vĩ trong “Chúa tể của những chiếc nhẫn” của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Putangirua Pinnacles, núi Ngauruhoe, Vườn Quốc gia Tongariro, Vườn Quốc gia Fiordland hay Kawarau Gorge đến làn sóng danh thắng của Hàn Quốc với đảo Jeju trong “Bản tình ca mùa Đông”, “Nàng Dae Jang Geum”...

Điện ảnh Việt vừa trải qua năm 2020 đầy nhọc nhằn. Nhiều dự án hàng chục tỷ đồng phải “đắp chiếu” hoặc rời lịch. Đáng nói, đây đều là những dự án được đầu tư kỹ lưỡng từ khâu kịch bản đến bối cảnh.

Đơn cử, bộ phim “Tiệc trăng máu” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chi 3 tỷ đồng cho bối cảnh ở căn penthouse.

Anh tiết lộ, ê-kíp gồm hơn 20 người đã chuẩn bị, bài trí đạo cụ trong 1 tháng, trong đó riêng phần nội thất tốn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, ê-kíp phim “Sám hối” của đạo diễn Peter Hein, ra rạp từ ngày 15/1 đã chi đến 7 tỷ đồng chỉ cho bối cảnh thượng đài của nhân vật chính - võ sĩ Minh Long (Bình Minh đóng).

Ngoài ra, ê-kíp dành 3 ngày để dàn dựng bối cảnh cho hàng loạt đại cảnh trong phim với sự góp mặt của 300 vận động viên bơi lội trong cảnh quay bơi qua kênh Nhiêu Lộc, 500 tay đua xe đạp tham gia cuộc đua xe đạp…

Nối tiếp “Tiệc trăng máu”, “Sám hối”, có thêm 4 bộ phim là: “Gái già lắm chiêu V” của đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito, “Bố già” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, “Lật mặt: 48H” của đạo diễn Lý Hải và “Trạng Tí” của Phan Gia Nhật Linh đang cạnh tranh nhau chiếu Tết. Mức độ đầu tư bối cảnh hoành tráng của những phim này không thua kém gì nhau.

Đơn cử, Bạch Trà Viên - bối cảnh chính của “Gái già lắm chiêu V” được đầu tư gần 3 tỷ đồng và mất 3 tháng chuẩn bị.

Đạo diễn Bảo Nhân tiết lộ, hơn 2.000 cây bạch trà được ươm tại miền Bắc trước ngày quay 5 tháng, sau đó được vận chuyển tới Huế để trồng luân phiên.

Khuôn viên 500m2 sau Cung An Định được nâng nền 20cm, lát sàn, lót gạch, phân luống. Nhiều loại cây trái đặc trưng xứ Huế: Thanh trà, hồng huế, cam sành, chanh… hay đài phun nước, tượng nữ thần và tường bao chạm trổ công phu cũng được lắp đặt.

“Tất cả những vật dụng đưa vào Cung An Định đều được sản xuất mới theo thiết kế riêng, thậm chí có những đồ đạc phải đặt mua mới khắp nơi rồi vận chuyển về Huế để lấp đầy 15 căn phòng trống từ rèm cửa cho đến nội thất như bàn, ghế, tủ, giường, đèn chùm… Tất cả chi phí mua sắm đồ đạc, thiết kế nội thất đã tiêu tốn gần 3 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí dự án gần 2 triệu USD (hơn 40 tỷ đồng)”, đạo diễn Bảo Nhân nói thêm.

Ngay phim “Bố già” dự kiến ra mắt ngày mùng 1 Tết với kinh phí 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng) cũng có bối cảnh độc đáo trị giá hơn 1 tỷ đồng với cảnh quay hơn 100 người trong hơn 100 giờ.

Đạo diễn Lý Hải dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng khi thực hiện “Lật mặt: 48H” cũng bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng 15 ngôi nhà sàn mới trong vòng 1 tháng.

Trong khi đó, với phim “Trạng Tí”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tiết lộ, tổ thiết kế gần 100 người trong 2 tháng ròng rã nỗ lực không ngừng nghỉ để dựng lên bối cảnh làng Phan Thị tại Tràng An, Ninh Bình với chi phí gần 2 tỷ đồng.

Đầu tư bối cảnh chưa phải là tất cả

Thực tế chứng minh, bối cảnh chất lượng không chỉ mang lại hiệu ứng tốt, tạo nên màu sắc cho phim mà còn mang lại giá trị cho thước phim và cả những giá trị ăn theo sau đó.

Theo Forbes, 3 triệu trong số 30 triệu khách nước ngoài đến Anh vì những cảnh quay trong các bộ phim đình đám trong “Harry Porter” (doanh thu 8,5 tỷ USD), “Sherlock Holmes” (doanh thu hơn 1 tỷ USD) hay “Pride & Prejudice” (doanh thu 120 triệu USD)…

Tại Việt Nam, sau phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (doanh thu 78 tỷ đồng), Phú Yên được biết đến nhiều hơn với cái tên “Xứ sở hoa vàng cỏ xanh”.

Hay, sau hiện tượng phòng vé mùa Giáng sinh năm 2019 với phim “Mắt Biếc” (doanh thu 180 tỷ đồng), những cảnh đồi Thiên An với rừng thông xanh mát và những bụi hoa sim tím, đồi Vọng Cảnh nhìn xuống sông Hương, khu phố cổ nổi tiếng Bao Vinh (thị xã Hương Trà)... nhanh chóng trở thành địa điểm du lịch ăn khách.

Không thể phủ nhận, sự đầu tư hoành tráng, công phu cho bối cảnh là chất xúc tác cho khán giả. Đặc biệt, việc chăm chút cho từng khuôn hình cũng là chiêu trò tinh tế, hiệu quả để lôi kéo khán giả, giữa thời điểm điện ảnh bão hòa, tăng độ chọn lọc như ngày nay.

Tuy nhiên, đạo diễn Dũng “Khùng” nhận định, bối cảnh được đầu tư “khủng” không phải là “lá bùa hộ mệnh” của một bộ phim. “Một bộ phim ăn khách, nội dung, ý tưởng thường là yếu tố tiên quyết.

Ngoài ra, diễn viên, thời điểm ra mắt, chiến lược truyền thông… cũng là yếu tố chi phối. Nếu phim hay thì đầu tư vài chục tỷ đồng vẫn có tiềm năng thu lời, bằng chứng ở việc chúng ta đã có nhiều phim vượt mốc doanh thu 100 tỷ rồi”, đạo diễn “Tiệc trăng máu” bày tỏ.

Bộ phim “Sám hối” với kinh phí đầu tư cho bối cảnh 7 tỷ đồng nhưng thất bại ở phòng vé vì kịch bản nhiều lỗ hổng, tình tiết phi thực tế. Trong khi đó, “Tiệc trăng máu” với kinh phí bối cảnh chưa bằng một nửa của “Sám hối” lại góp phần mang về doanh thu 175 tỷ đồng. Rõ ràng, kinh phí sản xuất cao, bối cảnh kỳ công tạo điều kiện cho giới làm phim thỏa sức sáng tạo. Song, việc đầu tư không phải cứ “ném tiền qua cửa sổ” là phim sẽ mãn nhãn người xem và mang lại doanh thu cao.

Bạch Dương

To Top