Chỉ tiêu trả nợ Chính phủ có xu hướng tăng

Năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỉ đồng, chủ yếu là trả nợ trong nước với khoảng 323.093 tỉ đồng, bằng khoảng 27,4% thu ngân sách...

Ảnh minh họa

"Dự báo giai đoạn 2021-2025 chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và còn có nguy cơ vượt ngưỡng 25% vào năm 2021, năm 2024 và năm 2025. Tuy nhiên, xét tổng thể cả giai đoạn 2021-2025, bình quân chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ vẫn trong giới hạn 25%", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ với VnEconomy. Dự báo chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ năm 2021 là 27,4%, năm 2022 là 20,1%, năm 2023 là 19,3%, năm 2024 là 25,7% và năm 2025 là 31,2%.

NĂM 2021: NỢ CÔNG VẪN DƯỚI TRẦN

Năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỉ đồng, chủ yếu là trả nợ trong nước với khoảng 323.093 tỉ đồng, bằng khoảng 27,4% thu ngân sách. Chỉ số này vượt ngưỡng Quốc hội cho phép với giai đoạn 2016-2020 là 25%, chủ yếu do các khoản trái phiếu chính phủ trong nước phát hành trong giai đoạn trước đây đáo hạn ở mức cao vào năm 2021 với khoảng 187.001 tỉ đồng, chiếm 13,9% thu ngân sách. Dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại), tuy chưa vượt trần nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể lên mức 27,4%.

Bộ Tài chính sẽ xem xét điều chỉnh cơ chế, chính sách để bố trí một phần ngân sách nhà nước trả nợ gốc, qua đó giảm gánh nặng nợ. Tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động đối với danh mục nợ trong nước nhằm giảm đỉnh nghĩa vụ trả nợ đến hạn các năm 2021, 2024 và 2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Nguyên nhân chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ có nguy cơ vượt ngưỡng 25% là do nhiệm vụ vay vốn tăng cao để bù đắp bội chi cho đầu tư phát triển và trả nợ gốc trong những năm qua và dự kiến trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tình hình thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn. Cụ thể năm 2020 thu ngân sách nhà nước giảm 12,5% so với dự toán, năm 2021 dự báo sẽ giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Tính cả giai đoạn 2021-2025 tỷ lệ huy động bình quân khoảng 15-16% GDP, tương ứng là 19-20% GDP chưa điều chỉnh, giảm so với mức 24,5% GDP giai đoạn 2016-2020.

RỦI RO THANH KHOẢN NGÂN SÁCH

Trước đó khi đưa ra đánh giá về rủi ro thanh khoản cho ngân sách trong giai đoạn 2021-2025 Chính phủ đã có báo cáo cho biết, các rủi ro thanh khoản này chủ yếu phát sinh từ các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm và một số thời điểm trong năm.

Cụ thể, một số khoản vay từ Ngân hàng Thế giới kể từ năm 2021 và các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á kể từ năm 2023 phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh, kỳ hạn trả nợ gốc rút ngắn so với điều kiện vay ban đầu. Thêm vào đó, nhiều khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, khoảng 300.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ dự kiến phát hành trong giai đoạn 2021-2025 được dự báo là khó phát hành. Rủi ro lãi suất cũng được đánh giá là tăng do quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ.

Cũng theo đánh giá của Chính phủ, việc thiếu hụt nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài sẽ gây khó khăn cho đầu tư phát triển. Do đó phải chuyển hướng sang huy động vốn theo cơ chế thị trường và điều này là gia tăng rủi ro và chi phí huy động vốn vay của Chính phủ.

CƠ CẤU LẠI DANH MỤC NỢ

Để kiểm soát chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ của Chính phủ thông qua việc đa dạng kỳ hạn phát hành, tập trung phát hành kỳ hạn dài, năm 2016 và 2019 đã thực hiện hoán đổi trái phiếu trong danh mục nợ và năm 2020 tiếp tục thực hiện hoán đổi khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt điều chỉnh nâng trần chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ giai đoạn 2021- 2025 cao hơn mức 25% thu ngân sách nhà nước hoặc điều chỉnh phạm vi tính nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, như chỉ bao gồm trả lãi theo thông lệ quốc tế... Ngoài ra, sẽ thực hiện nghiêm chủ trương của Bộ Chính trị về việc bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, hướng tới cân bằng thu-chi ngân sách nhà nước. Giảm áp lực huy động vốn vay để cân đối ngân sách nhà nước khiến gánh nặng nợ gia tăng. Các mục tiêu về tăng trưởng, bội chi, đầu tư công cũng cần đảm bảo đồng bộ, thống nhất với mục tiêu an toàn nợ, bao gồm cả chỉ tiêu trần nợ cũng như chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ và thu ngân sách nhà nước.

"Bộ Tài chính sẽ xem xét điều chỉnh cơ chế, chính sách để bố trí một phần ngân sách nhà nước trả nợ gốc, qua đó giảm gánh nặng nợ. Tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động đối với danh mục nợ trong nước nhằm giảm đỉnh nghĩa vụ trả nợ đến hạn các năm 2021, 2024 và 2025. Cân nhắc thực hiện đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ như hoán đổi, mua lại công cụ nợ trước hạn... Đối với các khoản vay mới, Bộ Tài chính sẽ tính toán sử dụng công cụ nợ với kỳ hạn phù hợp để giãn lịch trả nợ gốc đều qua các năm...", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 1,343 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng thu nội địa chiếm 84,4%, thu dầu thô chiếm 1,7% và thu cân đối xuất nhập khẩu chiếm 13,3%. Chi ngân sách năm 2021 là 1,687 triệu tỷ đồng. Trong đó, số chi đầu tư phát triển là 477.300 tỷ, chiếm 28,3% tổng chi; chi trả nợ lãi, viện trợ, dự trữ quốc gia là 112.900 tỷ, chiếm 6,7%; chi thường xuyên là 1,036 triệu tỷ, chiếm 61,4% tổng chi... Như vậy, bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 là 343.670 tỷ đồng, tăng 108.870 tỷ đồng so với dự toán năm 2020, bằng khoảng 4% GDP. Tổng nhu cầu huy động của Chính phủ, chưa bao gồm vay về cho vay lại khoảng 580.000 tỷ đồng.

Lâm Phong

To Top