'Chùa Hương hay lễ hội khác nên tổ chức ở quy mô nhỏ'

Chuyên gia cho rằng các địa phương có thể cân nhắc mở lại lễ hội, hoạt động thường niên, song quy tắc phòng, chống dịch Covid-19 cần được đặt lên hàng đầu.

Sau thời gian tạm dừng để phòng, chống dịch Covid-19, Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) được mở cửa trở lại từ ngày 13/3 (tức ngày mồng 1/2 năm Tân Sửu).

Trước diễn biến khó lường của Covid-19 cũng như tình hình dịch bệnh tại khu vực lân cận Hà Nội như Hải Dương, nhiều người bày tỏ lo lắng về việc tập trung đông đúc tại lễ hội có thể gây khó khăn cho công tác phòng dịch.

Cân nhắc tổ chức quy mô nhỏ

Chia sẻ với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nhấn mạnh: "Về việc tổ chức lễ hội, tôi cho rằng có thể cân nhắc mở cửa nhưng xem xét quy mô nhỏ, không cần thiết tổ chức rầm rộ, để hạn chế tập trung đông người quá mức. Ở những khu vực kín, có ca nhiễm thì lây lan rất nhanh. Do đó, chúng ta cần hết sức thận trọng".

Ông phân tích người dân đang bắt đầu thời gian thích nghi với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định cuộc sống bình thường mới này không giống như trạng thái trước khi có đại dịch.

Trong thời gian khá lâu không có ca bệnh mới nhưng không đồng nghĩa chúng ta loại hoàn toàn ca nhiễm trong cộng đồng. Ví dụ ở Hải Dương, trước đó không có dấu hiệu xuất hiện ổ dịch. Tuy nhiên, chỉ sau một ca chỉ điểm ở Nhật Bản, dịch bùng phát đến nay chưa chấm dứt.

Chùa Hương thu hút nhiều du khách tập trung đến đây để tham dự các hoạt động sinh hoạt văn hóa. Ảnh: Vietyouth.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cũng bày tỏ lo ngại những ca bệnh ngoài cộng đồng hiện nay có thể là mối nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các địa phương lân cận, trong bối cảnh Hải Dương vẫn ghi nhận thêm bệnh nhân mới.

“Chúng ta cần cảnh giác và xác định có thể vẫn còn người dương tính với SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng và luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động phòng bệnh. Đặc biệt là luôn cảnh giác trong dịp nghỉ lễ vì nguy cơ dịch vẫn còn”, bác sĩ Khanh nói.

Chuyên gia này cho rằng việc đi chơi, du lịch, lễ hội trong thời điểm này là có thể song không nên tụ tập quá đông người.

"Người dân nên cân nhắc đi lễ hội, du lịch theo nhóm nhỏ, đi cùng những người quen biết, đã hiểu rõ tiền sử dịch tễ và sức khỏe của nhau. Các địa điểm tổ chức lễ hội, khu vui chơi cũng nên có biện pháp kiểm soát người ra vào, tổ chức ở quy mô nhỏ tùy tình hình của mỗi địa phương", bác sĩ Khanh nói.

Các chuyên gia nhấn mạnh dù đi đến đâu, người dân cũng phải có biện pháp phòng hộ cá nhân, hạn chế đến nơi tập trung đông người, đeo khẩu trang, mũ che giọt bắn và rửa tay thường xuyên.

Cần trở lại nhịp sống bình thường

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc mở cửa và tổ chức lại các hoạt động thường niên, lễ hội lớn là điều không thể tránh khỏi. Do đó, các địa phương có thể trở lại nhịp sống bình thường, cân nhắc tổ chức lại các hoạt động này tùy tình hình dịch tễ trên địa bàn.

Du khách tham quan, chèo thuyền tại lễ hội chùa Hương tháng 1/2020. Ảnh: Phạm Thắng.

"Nếu đánh giá dịch tễ tại địa phương an toàn, nguy cơ thấp, có khả năng tổ chức và kiểm soát tốt người ra vào thì lễ hội vẫn có thể diễn ra. Tuy nhiên, trách nhiệm trong việc kiểm soát người từ thập phương phụ thuộc lớn vào cơ quan tổ chức", ông nói.

Bác sĩ Khanh nhận định giai đoạn này còn quá sớm để có thể khẳng định nhân loại có thể bắt đầu cuộc sống bình thường mới. Tại nhiều khu vực trên thế giới, số ca mắc và tử vong vẫn tăng cao. Bên cạnh đó, vaccine phòng bệnh cũng chưa được bao phủ.

"Chúng ta chưa được tiêm vaccine rộng rãi trong cộng đồng, do đó, biện pháp phòng dịch cần được áp dụng là khuyến cáo kiểu phân vùng. Đó là theo dõi giám sát nguy cơ dịch quay trở lại của mỗi địa phương, từ đó, cân nhắc quyết định mở hoạt động dịch vụ, lễ hội...", chuyên gia này nêu quan điểm.

Theo UBND huyện Mỹ Đức, để lễ hội Chùa Hương diễn ra an toàn, đơn vị này chỉ đạo triển khai lắp đặt các cụm băng rôn, khẩu hiệu..., quảng bá trực quan phù hợp để du khách có được những thông tin cần thiết về khu di tích thắng cảnh, lễ hội và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cùng với đó, ban tổ chức bố trí người sử dụng loa cầm tay hướng dẫn, nhắc nhở du khách tại các điểm có nguy cơ tập trung đông người như bến xe, đền Trình, chùa Thiên Trù, ga cáp treo và động Hương Tích..., nhằm đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch.

Tại các khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du khách phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, thường xuyên vệ sinh khử khuẩn. Bên cạnh đó, các bàn ăn phải có vách ngăn, bàn ghế ngồi ăn uống đảm bảo giãn cách theo đúng quy định.

Bích Huệ

To Top