Chuyện làm OCOP ở TP Sầm Sơn

Phát huy tiềm năng, lợi thế, từng bước khắc phục, vượt qua khó khăn, TP Sầm Sơn nỗ lực thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)' gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hướng đến phát triển du lịch bốn mùa - bền vững.

Trong những năm qua, sản phẩm nước mắm Vích Phương (TP Sầm Sơn) được du khách, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, từng bước khẳng định thương hiệu.

Trong những năm qua, trên cơ sở nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP, TP Sầm Sơn luôn xác định rõ: Phát huy các tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương, sự sáng tạo và trí tuệ, năng lực, trách nhiệm cộng đồng, từ đó xây dựng các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế, mang đậm văn hóa vùng miền, hội tụ sự sáng tạo, năng lực, trí tuệ, trách nhiệm của cả cộng đồng, tạo động lực phát triển liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao năng lực sản xuất và phát triển bền vững các sản phẩm hàng hóa.

TP Sầm Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các sản phẩm có lợi thế, tạo tiền đề đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình OCOP. Với vị trí địa lý khá thuận lợi, đường bờ biển dài, nguồn lợi hải sản khá phong phú, TP Sầm Sơn có nguồn tài nguyên du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nhân văn phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thương mại – dịch vụ, khai thác, chế biến thủy, hải sản phát triển. Hàng năm, TP Sầm Sơn đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển. Ngoài nhu cầu thưởng ngoạn, du khách còn có nhu cầu thưởng thức món ăn ngon và mua sắm đặc sản địa phương làm quà tặng cho người thân.

Nước mắm, mực khô, mực một nắng là một trong những sản phẩm đặc trưng của vùng ven biển TP Sầm Sơn. Nghề làm nước mắm, mực khô ở Sầm Sơn đã hình thành cách đây hàng trăm năm. Nước mắm và mực khô, mực một nắng Sầm Sơn được người dân sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày hoặc chế biến thành nhiều món ăn có hương vị thơm ngon. Không chỉ giới hạn trong tỉnh, hương vị thơm ngon của nước mắm, mực khô, Sầm Sơn hấp dẫn đông đảo du khách thập phương, trong và ngoài nước.

Với nguồn nguyên liệu tươi, ngon, được chọn lọc kỹ càng, trải qua quy trình sản xuất, chế biến riêng, cư dân ven biển Sầm Sơn đã chế biến, sản xuất ra loại nước mắm thơm ngon đặc trưng, giàu giá trị dinh dưỡng, mang hương vị rất riêng. Từ các làng chài ven biển thuộc các phường: Quảng Cư, Quảng Tiến, Trung Sơn, Trường Sơn... nghề làm nước mắm truyền thống ở TP Sầm Sơn trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng như không “trụ vững”. Tuy nhiên, đến nay, nghề làm nước mắm ở Sầm Sơn đã và đang phát triển mạnh, với hơn 66 cơ sở lớn nhỏ và hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh, đưa ra thị trường trên 4 triệu lít sản phẩm mỗi năm. Một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nước mắm, mực một nắng của TP Sầm Sơn đã trở nên thân thuộc với người dân và du khách gần xa như: Tân Hưng, Vích Phương, nước mắm Nét Việt...

Cũng như nước mắm, mực ở Sầm Sơn mình dày hơn, hương vị đậm đà nên đông đảo du khách, người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm chế biến từ mực ở Sầm Sơn rất đa dạng như: mực tươi, mực khô, mực một nắng... được các ngư dân lựa chọn kỹ càng, trải qua các bước sơ chế và phơi ngay trên tàu sau khi đánh bắt nên luôn giữ được hương vị tươi ngon.

Mặc dù sản phẩm nước mắm và mực khô, mực một nắng Sầm Sơn được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, song vấn đề quản lý và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các sản phẩm đưa ra thị trường chưa được kiểm soát về chất lượng, hình ảnh, mẫu mã... Do đó, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm: nước mắm Sầm Sơn và mực khô, mực một nắng Sầm Sơn gắn với phát triển du lịch Sầm Sơn là hết sức cần thiết, để nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa nói chung và TP Sầm Sơn nói riêng đang triển khai nhiều chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm, tạo động lực thực hiện Chương trình OCOP. Xuất phát từ thực tế trên, địa phương đã xây dựng và triển khai dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “nước mắm Sầm Sơn”, “mực khô Sầm Sơn”. Mục tiêu của dự án là: Xác lập được quyền sở hữu trí tuệ đối với 2 nhãn hiệu tập thể “nước mắm Sầm Sơn”, “mực khô Sầm Sơn”; xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác có hiệu quả hệ thống quản lý của 2 nhãn hiệu tập thể này trên các phương diện: mô hình quản lý, điều kiện, phương tiện quản lý, phương án khai thác, quy trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn, bao bì đóng gói... Từ các mục tiêu cụ thể ấy, qua dự án, TP Sầm Sơn hướng đến mục tiêu chung là: thiết lập được cơ chế bảo hộ, quản lý và phát triển đối với 2 nhãn hiệu tập thể “nước mắm Sầm Sơn”, “mực khô Sầm Sơn” nhằm nâng cao mẫu mã, chất lượng, vị thế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước mắm và mực khô trên địa bàn TP Sầm Sơn.

Mặc dù nỗ lực, quyết tâm như thế, tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình OCOP ở Sầm Sơn cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Sản xuất nông nghiệp hạn chế, chưa có quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhỏ, ngày càng giảm dần (do chuyển đổi mục đích sử dụng đất) với tốc độ nhanh. Trình độ lao động chưa cao, nguồn lực tài chính của người lao động chưa đáp ứng khả năng đầu tư sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao nên việc cá nhân sản xuất, HTX tham gia đầu tư còn hạn chế. TP Sầm Sơn có hơn 70% lao động hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch. Các cơ sở sản xuất chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ, theo hộ gia đình, sản xuất thời vụ, “ăn theo” mùa du lịch. Đặc biệt, thời gian vừa qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế của thành phố từ năm 2020 đến nay, du lịch của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều cơ sở sản xuất đóng cửa, không hoạt động... Điều này đã trở thành “lực cản”, ảnh hưởng đến quá trình triển khai, thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn.

“Là thành phố biển năng động, phát triển với nhiều tiềm năng, lợi thế, Sầm Sơn phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa đẩy nhanh quá trình thực hiện Chương trình OCOP. Tuy nhiên, thành phố cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng, nhanh phải song hành với chất lượng, hiệu quả. Mục tiêu cao nhất là xây dựng được những sản phẩm chất lượng, vừa mang lại giá trị kinh tế cho chủ thể vừa mang đậm sắc thái văn hóa địa phương, lan tỏa câu chuyện đẹp về đất và người Sầm Sơn” – ông Vũ Đình Chinh, Trưởng Phòng Kinh tế TP Sầm Sơn cho biết.

Được biết, TP Sầm Sơn đã xây dựng lộ trình cụ thể đối với việc thực hiện Chương trình OCOP. Trong năm 2021, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, TP Sầm Sơn tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 và nỗ lực phát triển ít nhất 2 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, sản phẩm nước mắm Nét Việt đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và dự kiến trình hội đồng tư vấn đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh xem xét vào thời gian tới. Tháng 6-2021, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã nghiệm thu, đánh giá đạt yêu cầu đối với dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “nước mắm Sầm Sơn”, “mực khô Sầm Sơn”. Đây là tiền đề quan trọng để TP Sầm Sơn lựa chọn một số cơ sở đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP và đẩy mạnh đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, sản xuất từ nguyên liệu nước mắm, mực khô của địa phương. Giai đoạn 2022–2025, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã cho sản phẩm mực khô và nước nắm, TP Sầm Sơn tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm lợi thế khác, phấn đấu xây dựng thành công một sản phẩm du lịch đạt OCOP...

Bài và ảnh: Hương Thảo

To Top