Có một NSND Hoàng Dũng rất khác ở 'Tướng về hưu'

Trước những vai diễn để đời như Phan Quân trong 'Người phán xử' hay ông Luật của 'Về nhà đi con', NSND Hoàng Dũng từng để lại dấu ấn qua vai điện ảnh hiếm hoi ở 'Tướng về hưu'.

Tướng về hưu là tác phẩm điện ảnh hiếm hoi trong sự nghiệp của NSND Hoàng Dũng. Trong phim, ông thể hiện nhân vật Khổng - một vai phụ, nhưng để lại nhiều ấn tượng.

Khổng không phải là nhân vật chính trong Tướng về hưu - bộ phim tâm lý - xã hội đen trắng phát hành năm 1988 của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi. Chuyện phim kể về ông Thuấn (Mạnh Linh) - một vị tướng vừa rời quân ngũ để trở về bên gia đình. Kịch bản được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nếu như trong nguyên tác, Khổng chỉ được nhà văn miêu tả loáng thoáng qua vài dòng (đặc biệt ở chương X), thì trên phim, nhân vật hiện lên đầy sống động qua diễn xuất của NSND Hoàng Dũng.

Gã nhà thơ mơ mộng và si tình

Trong phim, Khổng xuất hiện đúng bốn lần, rải đều trong thời lượng 87 phút.

Cảnh đầu tiên là khi ông Thuấn đã về làng, khách khứa có mặt đông đủ ở nhà ông để ăn mừng. Mấy đứa con nít không giấu nổi sự tò mò, đứng tập trung thành từng đám trước cổng. Có đứa thậm chí còn trèo cổng để xem thử chuyện gì đang diễn ra bên trong.

Lần xuất hiện đầu tiên của NSND Hoàng Dũng trong Tướng về hưu.

Giữa bầu không khí nô nức, khi ông Bổng (Văn Toản) - em trai của ông Thuấn - còn đang thắc mắc không biết tay thợ chụp ảnh đâu rồi, thì Khổng xuất hiện. Gã thanh niên đeo kính râm, mặc áo hoa, chân đi dép xỏ ngón, hớt ha hớt hải vì đến muộn. Sau đó, anh ta leo lên cành cây, kêu gọi mọi người chú ý để trổ tài phó nháy.

Phân đoạn dài chưa đến một phút, nhưng đủ để cho thấy cái tính nghệ sĩ của Khổng - người mà theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là “làm ở xí nghiệp nước mắm nhưng lại thích thơ, làm thơ gửi báo Văn nghệ”.

Ở cảnh thứ hai, Khổng vẫn đeo kính râm, sang nhà ông Thuấn với lý do biếu ông tờ báo và tặng nước chấm cho cô Thủy (NSND Hoàng Cúc) - con dâu ông Thuấn. Vào nhà, Khổng tìm ngay đến phòng Thủy, rồi thập thò lẻn vào trong lúc cô đang may đồ, nhưng cũng không quên đóng cửa để tránh sự chú ý.

“Làm người ta hết cả hồn”, Thủy nũng nịu khi Khổng khẽ hôn vào cổ và choàng tay ôm lấy cô. Lúc này, người xem mới nhận ra ý nghĩa của đôi ria mép trong tạo hình của NSND Hoàng Dũng. Nó không chỉ thể hiện tâm hồn của gã trai trẻ thích làm thơ, mà còn là gã đàn ông si tình, sẵn sàng “chết vì gái”.

“Bà Chúa của anh đã muốn, thì dù việc khó đến mấy anh cũng làm cho bằng được”, đây chắc chắn là lời thoại đáng nhớ nhất của Khổng.

Để minh chứng cho lời nói của bản thân, gã trai quỳ gục xuống chân của người tình và đọc bài thơ anh ta vừa sáng tác:

“Ôi, nếu anh là vua, anh sẽ làm gì? / Anh sẽ đóng ngai vàng, cho em ngồi trên đó / Dưới chân em tôi nằm, mất trị vì vương quốc / Tôi gả chồng cho em, một người chồng xứng đáng / Tôi chia nửa vương quốc, cho em làm hồi môn / Rồi tôi sẽ gây chiến, đánh nhau với chồng em / Bắt em làm nô lệ, ôi cô gái diệu huyền”.

Hay là kẻ thứ ba trơ trẽn đáng ghét?

Dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Quang Thiệp, mối quan hệ giữa Khổng và Thủy hiện lên không rõ ràng, mà chỉ úp mở để người đọc tự hình dung. Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã có quyết định táo bạo khi tìm cách tô đậm sự ngang trái của hai con người ấy.

Cuộc gặp gỡ lén lút của Khổng và Thủy đóng vai trò quan trọng trong phim. Ông Bổng phát hiện được sự việc qua khung cửa sổ và lấy đó làm cái cớ để tống tiền cô Thủy.

Nhân vật Khổng trở nên sinh động và rõ nét hơn trên màn ảnh nếu so với nguyên tác văn học.

Ông rút chiếc khăn tay mà Khổng đánh rơi trong phòng cô làm bằng chứng, dọa sẽ báo cho chồng cô - anh Hòa (Đoàn Anh Thắng). Lúc này, ông Thuấn vô tình nghe được đoạn hội thoại khi đang đứng ngoài hành lang.

Ở lần xuất hiện thứ ba, sự trơ trẽn giữa Khổng và Thủy đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Cả hai cùng nhau ân ái trên chiếc giường bất chấp sự phát giác của bà Thuấn - một người phụ nữ bị tâm thần sau chiến tranh.

“Chấp gì cái bà điên này”, Thủy nói với người tình, còn Khổng thì lấy áo quăng về phía bà Thuấn để xua đuổi. Đôi nam nữ tiếp tục chìm trong những cái ôm hôn thắm thiết, để mặc người mẹ già uất ức tìm cách gieo mình xuống ao.

Sự trơ trẽn giữa Khổng và Thủy lên đến đỉnh điểm ở giữa phim.

Khổng là nhân vật duy nhất không ở trong nhà ông Thuấn, nhưng lại là ngòi nổ phá vỡ sự kết nối giữa các thành viên gia đình ông. Sau cảnh tượng ấy, anh Hòa đi làm về nhà, phát hiện tờ báo văn nghệ của Khổng nằm ngay trên giường mình.

Giác quan của một người đàn ông cho anh hay có điều gì đó không ổn đang diễn ra trong gia đình. Anh ráo riết chạy đi tìm vợ, nhưng chỉ thấy mẹ nằm mệt nhoài trên giường, tức tưởi mà không nói được với con thành lời.

Ở lần xuất hiện cuối cùng, Khổng lại đến nhà ông Thuấn, vẫn với lý do là có thơ đăng báo muốn biếu. Song, mọi người đều không nói với anh câu gì. Ai cũng trao cho Khổng những cái nhìn hậm hực, ghét bỏ.

Đó là đám tang của bà Thuấn. Mọi người ngồi quây quần ở phòng khách, đầu vẫn đang đội khăn tang. Khổng không kịp để ý, mà chỉ vội vã vào chào như một thói quen.

Phân đoạn kết thúc bằng nụ cười gượng gạo và câu nói xin lỗi của Khổng. Sau đó, nhân vật này không bao giờ xuất hiện trở lại.

Vai diễn điện ảnh để đời

Vai cô con dâu Thủy đã giúp NSND Hoàng Cúc giành giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 1990. Nhưng có lẽ vai diễn ấy sẽ mất đi một phần hấp dẫn nếu thiếu tính cộng hưởng từ vai Khổng của cố NSND Hoàng Dũng.

Sự ăn khớp trong diễn xuất của NSND Hoàng Dũng và NSND Hoàng Cúc giúp cho những trường đoạn tình tứ của hai nhân vật Khổng - Thủy trở thành cảnh “đinh” của cả bộ phim. Thậm chí, đến tận sau này, người đời vẫn gọi hai nghệ sĩ một cách thân mật là “ông Hoàng Cúc” và “bà Hoàng Dũng”.

NSND Hoàng Dũng và NSND Hoàng Cúc diễn xuất ăn ý trong phim.

NSND Hoàng Dũng tên thật là Hoàng Tiến Dũng. Khi đóng vai Khổng, ông mới bước sang tuổi 32, nghĩa là đi được một nửa cuộc đời (ông mất lúc 65 tuổi). Sự nghiệp của ông gắn với sân khấu và truyền hình nhiều hơn là điện ảnh. Trong đó, Khổng là một trong những vai điện ảnh đếm trên đầu ngón tay của ông.

Nếu giai đoạn sau này, cố nghệ sĩ biến hóa đa dạng ở hàng loạt vai diễn khác nhau, từ phản diện cho đến chính diện, thì vai Khổng trong Tướng về hưu gây ấn tượng bằng sự đơn giản, dung dị, hệt như nước màu đen trắng của bộ phim.

Với nét diễn mộc mạc, cố NSND Hoàng Dũng đã hóa thân thành chàng Khổng yêu thơ và si tình, ngay cả khi mối tình ấy thật ngang trái. Dù chỉ xuất hiện trong vài phân đoạn, nhân vật cũng đủ khiến khán giả thương tiếc vì sự tài hoa của một người nghệ sĩ tài năng. Nếu như không cống hiến cả cuộc đời cho sân khấu và truyền hình, biết đâu điện ảnh Việt Nam đã có một ngôi sao?

Người nghệ sĩ không cô đơn

“Tôi cứ mơ hồ thấy những nghệ sĩ trác tuyệt là những con người cô đơn khủng khiếp”, dòng chữ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong nguyên tác như một “lời bào chữa” dành riêng cho nhân vật Khổng. Có lẽ, ông không muốn xây dựng một nhân vật hoàn toàn xấu, mà đâu đó vẫn để lại chút thương cảm ở phía người đọc.

Trong phim, nhân vật ấy không hề có một giây phút để kịp cô đơn. Song, phần thể hiện của cố NSND Hoàng Dũng đã phần nào gỡ gạc lại hình ảnh cho nhân vật.

Số lượng vai điện ảnh của cố NSND Hoàng Dũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lần nào Khổng đến nhà của ông Thuấn, anh cũng háo hức như một đứa trẻ bước vào khu vui chơi. Khổng rời khỏi nhà ông lần cuối cùng thì bẽn lẽn không khác gì đứa trẻ. Có lẽ, nghệ sĩ cũng không muốn Khổng của mình là một người xấu trong mắt khán giả. Bởi sau cùng, Khổng cũng chỉ là một con người, cũng có lúc mắc phải sai lầm.

Khổng cô đơn, còn NSND Hoàng Dũng liệu có cô đơn không?

Những người nghệ sĩ cống hiến hết mình trên sân khấu, ai mà chẳng có lúc phải cô đơn. Nhưng khi cố NSND Hoàng Dũng đột ngột từ giã cõi trần ngày 14/2, chúng ta biết rằng ông không hề cô đơn.

Không khí vui vẻ, náo nức của ngày Tết như mất đi một phần gì đó, khi báo chí đưa tin ông trút hơi thở cuối cùng sau cơn bạo bệnh. Người ta cứ thế loan đi rằng ông Phan Quân của Người phán xử đã mất rồi, ông Luật của Về nhà đi con không còn nữa…

NSND Hoàng Dũng đã vội vàng ra đi mà chia chưa kịp nói lời tạm biệt, nhưng Khổng thì sẽ sống mãi trong lòng khán giả, cũng như những vai diễn khác của ông.

Sơn Phước

To Top