Cụ bà 92 tuổi ở Hà Tĩnh tâm huyết với gìn giữ nghệ thuật ca trù

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về ca trù nên cụ Hà Thị Lý - trú tại thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là 'kho tư liệu sống' để các thế hệ nghệ nhân ca trù ở địa phương tìm đến.

Cụ Hà Thị Lý năm nay 92 tuổi, là con gái út của nghệ nhân ca trù nổi danh Hà Văn Đước. Cụ Đước có 7 người con, trong đó, nhiều người đam mê và theo nghiệp ca hát.

Cụ Hà Thị Lý - người tâm huyết với việc gìn giữ ca trù.

Trong ký ức của cụ Lý, tuổi thơ với những buổi theo cha mẹ, anh chị và các ca nương, kép đàn tập hát đã trở thành kỷ niệm đẹp đẽ, không thể quên.

Cụ Lý kể: “Từ xa xưa, không riêng gì ở Cổ Đạm mới có ca trù, nhưng ca trù Cổ Đạm có những nét đặc trưng về cách đệm đàn, đánh trống, phách, nhả chữ... so với vùng khác. Cha tôi thường cùng các thành viên trong đoàn tập hát ở sân nhà, đình làng. Tuổi thơ của mấy chị em tôi đắm chìm trong những tiếng đàn, nhịp phách, lời ca đó và cứ thế, ca trù như ngấm vào máu thịt chúng tôi một cách tự nhiên”.

Những kỷ vật của gia đình được cụ Lý nâng niu.

Đoàn ca trù của cụ Đước thường xuyên đi biểu diễn ở các địa phương của Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, thậm chí cụ Đước và một người con gái là nghệ nhân Hà Thị Bình (chị gái của cụ Hà Thị Lý) còn nhiều lần được vào kinh thành Huế biểu diễn.

Cụ Lý nhớ lại: “Một vài lần, tôi được theo cha và chị vào kinh thành Huế khi họ đi biểu diễn. Dù ngày đó, tôi chỉ biết bập bõm về ca trù nhưng được đi theo như thế đã là một niềm hạnh phúc lớn lao”.

Từ những lần “tháp tùng” cha, hiểu biết và tình yêu với ca trù của cụ Lý càng được nuôi dưỡng. Lớn lên, cụ Lý cũng tham gia đoàn hát, truyền dạy ca trù cho nhiều thế hệ người dân Cổ Đạm.

Dù không thể nhấn nhá, ngâm nga đúng nhịp phách như xưa nhưng cụ Lý vẫn thường hát cho các cháu nghe.

Trong số các “học trò” của cụ, có người đã được công nhận nghệ nhân dân gian; nhiều người theo học các trường chuyên về văn hóa nghệ thuật, đạt giải trong các cuộc thi diễn xướng...

Dù tuổi đã cao nhưng ở cụ Lý vẫn còn in dấu những đường nét thanh thoát, thần thái nhẹ nhàng của một ca nương xưa. Không thể ngâm nga, nhấn nhá nhịp phách theo những câu hát như ngày còn trẻ, nhưng với tinh thần minh mẫn, cụ vẫn còn nhớ được nhiều lời hát cổ như: hát huềnh, hát mượu, hát mở, Tì bà hành...

Nghệ nhân dân gian Phan Đình Anh chép lại những lời bài hát cổ từ cụ Lý.

Cụ Lý chia sẻ: “Già rồi, không còn hát được đúng nhịp, đúng phách nữa nhưng tôi vẫn tha thiết với ca trù lắm! Những năm gần đây, thấy nhiều người trẻ yêu thích ca trù, tôi rất mừng!”.

Nghệ nhân dân gian Phan Đình Anh (SN 1959 - thôn Phú Vinh - xã Cổ Đạm) cho biết: “Tôi vẫn thường xuyên ghé qua nhà cụ Lý để nhờ cụ hát những lời hát cổ rồi ghi chép lại làm tư liệu về sau. Thế hệ những người như cụ Lý, còn am hiểu, thuộc lời hát cổ giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”.

Tuổi già vui vầy cùng cháu con, cụ Lý vẫn luôn mong muốn ca trù được gìn giữ, phát huy.

Được xem là một loại hình nghệ thuật bác học nhưng ca trù lại bén rễ ở vùng đất nghèo Cổ Đạm và “bầu bạn” với những người dân chân lấm tay bùn từ bao đời nay. Việc gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này là tâm nguyện không chỉ của riêng những người đam mê, am hiểu như cụ Lý hay các nghệ nhân mà của hầu hết người dân địa phương.

Ông Hoàng Văn Lâm - công chức văn hóa xã Cổ Đạm cho biết: “Cụ Lý là một trong những người có đóng góp trong việc lưu giữ, truyền dạy ca trù ở địa phương. Nay đã già, cụ vẫn rất tâm huyết với ca trù nên chúng tôi thường động viên, khuyến khích cụ cùng những nghệ nhân dân gian truyền dạy cho thế hệ trẻ".

Minh Khánh

To Top