Cư dân TP.HCM bán túi hiệu mua máy thở, khẩu trang cho bệnh viện

Chị Như rao bán túi hiệu để mua máy thở hỗ trợ các bệnh nhân, anh N. chạy đôn chạy đáo tìm nguồn mua khẩu trang N95, đồ bảo hộ cho y bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến.

Đọc tin tức về hành trình giành sự sống cho bệnh nhân mắc Covid-19 của đội ngũ y tế, chị Quỳnh Như (27 tuổi, cư dân New City, TP Thủ Đức) cảm thấy cần phải làm điều gì đó góp sức. Thế là chị quyết định rao bán 2 túi hiệu để quyên góp mua máy thở.

“Còn cái túi Chanel với Gucci định mai này cho con dâu, ai hốt giúp lúc này em xin góp 10 triệu để mua máy thở giúp các bệnh viện”, chị Như đăng lời kêu gọi trên trang cá nhân.

Góp tiền mua máy thở

Chung cư chị Quỳnh Như đang ở chỉ cách bệnh viện dã chiến đặt tại khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) chừng vài trăm mét. Cứ vài phút trong ngày, chị lại nghe tiếng xe cấp cứu hú còi inh ỏi.

Hai chiếc túi hiệu chị Quỳnh Như đăng bán để quyên góp mua máy thở. Ảnh: NVCC.

Công việc bị ngưng trệ bởi dịch Covid-19, lại còn phải chăm sóc con nhỏ nên chị Như khá chật vật giai đoạn này. Nhưng chị biết đội ngũ y bác sĩ còn vất vả hơn khi họ không được ôm con, được ở bên gia đình vì đặc thù công việc.

Những lần trực tiếp tiếp tế sữa, nước, trái cây,… vào khu cách ly, chị Như cảm nhận được TP.HCM đang “bị thương” nặng. Do đó, bà mẹ bỉm sữa này quyết định tiếp tục chung tay góp sức với khả năng của mình.

Sau một ngày đăng tải thông tin bán túi, điện thoại chị Như "ting ting" liên tục, báo có người chuyển khoản. Bạn bè, khách hàng, người thân đã chuyển cho chị gần 30 triệu đồng để góp tiền mua máy thở. Số tiền này ngoài sức tưởng tượng của chị Như.

"Tuy túi thì bị 'ế' không ai mua nhưng rất nhiều người đã chung tay để có được một số tiền lớn. Tôi sẽ chuyển số tiền này cho một đơn vị từ thiện uy tín để họ mua máy thở, chắc chắn sẽ giúp ích được rất nhiều lúc này", mẹ bỉm sữa vui mừng cho biết.

Tìm mua khẩu trang, đồ bảo hộ

Là hàng xóm của chị Quỳnh Như, anh N. cùng nhóm bạn những ngày này cũng tất bật để vận chuyển khẩu trang N95, nhiệt kế và máy SPO2 (máy đo nồng độ oxy trong máu) vào bệnh viện dã chiến.

Những vật dụng y tế liên tục được nhóm hỗ trợ các bệnh viện trong 10 ngày qua, xen kẽ với các suất cơm và nhu yếu phẩm khác. Kinh phí từ đóng góp hiện kim và hiện vật của cư dân New City cùng một số đồng nghiệp, bạn bè của cư dân.

Theo anh N., máy SPO2 lúc này hơi khó tìm tại TP.HCM nên mọi người phải tận dụng các mối quan hệ để đặt hàng ở Hà Nội gửi vào. Khẩu trang và đồ bảo hộ y tế đúng chuẩn cho khu cách ly thì đặt mua từ một người quen.

Trong nhóm, một người sẽ làm nhiệm vụ kết nối bộ phận hậu cần của các bệnh viện dã chiến và tổng hợp những vật dụng họ cần. Sau đó, mọi người ai quen biết chỗ bán giá tốt, có nguồn hàng chất lượng thì hỗ trợ đặt mua.

Cư dân chung cư New City vận chuyển nhu yếu phẩm và một số trang thiết bị y tế hỗ trợ bệnh viện dã chiến. Ảnh: N.M.

"Việc này phải cần tập thể hợp sức chứ một cá nhân thì có tiền cũng chưa chắc mua được hàng. Mỗi người giúp sức một ít, hy vọng dịch bệnh sớm qua đi", anh N. nói.

Tại chung cư Lexington Residence (TP Thủ Đức), mọi người cũng kêu gọi nhau tìm nguồn khẩu trang, đồ bảo hộ hỗ trợ các bệnh viện.

Một cư dân Lexington Residence cho biết mọi người phải hỏi giá các nơi rồi hỏi bác sỹ xem đồ bảo hộ và khẩu trang có phù hợp trong khu cách ly hay không để đặt mua.

"Điều chúng tôi lo lắng nhất chính là nhân viên y tế xuống tinh thần, khi điều kiện thiếu thốn mà không nhận được sự thấu hiểu. Lực lượng này phải được bảo vệ an toàn và động viên nhiều nhất thì mới mong dập được dịch", người này nói.

Trao đổi với Zing, một điều dưỡng tại Bệnh viện dã chiến số 3 (TP Thủ Đức) cho hay từ khi bệnh viện thành lập đến nay, đơn vị đã nhận được 1.400 đồ bảo hộ và 240 khẩu trang y tế từ nhiều tấm lòng.

Việc này giúp 150 y bác sĩ có thêm động lực hàng ngày cấp cứu, điều trị khoảng 2.000 bệnh nhân. Tuy số đồ bảo hộ nhận được có thể dùng trong 10 ngày nhưng khẩu trang chỉ đủ cho 2 hôm nữa.

"Rất mong các đơn vị hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế để có thêm trang bị cứu chữa bệnh nhân", người này nói với Zing.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail [email protected].

Anh Nhàn

To Top