Cúng dường qua ví Momo: Thương mại hóa tâm linh hay cách làm hợp lý khi dịch bệnh?

Chủ trương thí điểm hình thức cúng dường online qua ví điện tử Momo tại 12 chùa như Yên Tử, Phúc Khánh, Phật Tích, Đại Tuệ… của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tạo nên những quan điểm khác nhau.

Một số ý kiến cho rằng việc cúng dường online có thể sẽ khiến các chùa mang tiếng "chạy theo thị trường", việc nhận tiền qua ví điện tử tạo cảm giác thương mại hóa tâm linh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng trong hoàn cảnh dịch bệnh, đây cũng là cách làm hợp lý.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thí điểm cúng dường online do nhiều chùa đóng cửa vì dịch Covid-19

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ cho hay trước đây các Phật tử cũng đã thực hiện cúng dường qua online, và thực hiện các phương thức thanh toán qua đó. Nhiều người do không có điều kiện về chùa đã gửi cho chùa một khoản kinh phí để công đức…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng chủ trương của nhà Giáo hội gặp phải một số ý kiến phản ứng bởi vì cùng lúc đưa ra 2 hình thức cúng online và nhận phát tâm qua ví điện tử.

"Trong khi nhiều người vẫn nghĩ đến chùa làm lễ mới thiêng, thì nay vì điều kiện dịch bệnh nên tổ chức cúng online đã khiến nhiều phật tử băn khoăn có giảm tính thiêng. Sự phát triển của tín ngưỡng hay tôn giáo nó luôn luôn đi cùng và nương tựa vào sự phát triển của thực tế, đặc biệt của khoa học kỹ thuật. Không phải cúng online thì sẽ xóa bỏ hành lễ và cúng dường trực tiếp. Khi có điều kiện, cuộc sống trở lại bình thường thì tín ngưỡng này nên thực hành tại các chùa" – ông Nguyễn Hùng Vỹ nói.

PGS-TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, cho rằngviệc cúng online và nhận phát tâm qua ví điện tử là hợp lý.

"Việc người ta đóng tiền giọt dầu, công đức bằng hình thức trực tiếp mang đến hay gửi qua tài khoản không ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo và tín ngưỡng. Phật tử công đức tiền ở các cơ sở thờ tự, các chùa là để thỏa mãn niềm tin. Bây giờ không đến được chùa công đức online cũng tốt" - PGS-TS Chu Văn Tuấn nói. Ông cũng cho rằng sinh hoạt tín ngưỡng online trong lúc này thỏa mãn cả nhà chùa và phật tử. Bởi vì, đối với nhiều phật tử công đức là việc quan trọng, thường xuyên thực hành. Nhưng nay vì điều kiện dịch bệnh nên không thể đến chùa, không thể đóng góp thì việc phát tâm qua kênh online cũng là một hình thức hợp lý, phù hợp với thời đại số hóa.

TS Bùi Hoài Sơn, Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh chúng ta đang sống trong bối cảnh xã hội số, chúng ta đang là những công dân số, và chúng ta cũng đang thực hành văn hóa số.

"Thực hành tôn giáo hay bất cứ một thực hành xã hội nào khác cũng không thể tách mình ra khỏi bối cảnh xã hội này. Chính vì vậy, việc cúng dường online, không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ xuất hiện. Dịch bệnh Covid-19 chỉ khiến cho hoạt động này đến sớm hơn"- TS Sơn nêu quan điểm.

Yến Anh

To Top