Cuộc đời thăng trầm của nữ đạo diễn đầu tiên trên thế giới

Alice Guy-Blaché là nữ đạo diễn phim tự sự (narrative film) đầu tiên trên thế giới, trước thời huy hoàng của Hollywood. Thế nhưng, trong một thời gian dài, bà gần như bị lịch sử điện ảnh lãng quên.

Alice Guy Blaché (1873 – 1968).

Làm phim hư cấu đầu tiên

Alice Guy sinh năm 1873 ở Saint – Mandé, Pháp, trong một gia đình có 4 người con, trải qua tuổi thơ ở Chile, rồi sau đó về Paris học hành. Mất bố khi còn rất trẻ, Alice phải ra đời sớm, làm nghề đánh máy tốc ký để mưu sinh.

Năm 1894, Alice Guy nộp đơn xin làm thư ký tại một công ty nghệ thuật nhiếp ảnh. Cô được nhận làm thư ký cho Léon Gaumont, người sau đó tiếp quản doanh nghiệp này khi nó vươn lên thống trị ngành công nghiệp điện ảnh non trẻ.

Vào thời điểm đó, để xem phim, người ta phải nhìn qua lỗ nhỏ trên một chiếc hộp to. Được gọi là Kinetoscope (máy chiếu ảnh động tác hay máy hoạt ảnh), thiết bị này khá cồng kềnh, giới hạn số người xem cùng một lúc và chỉ có thể trình chiếu một đoạn phim nhấp nháy trong vòng 20 giây. Gaumont đã cạnh tranh với các nhà phát minh và doanh nhân khác để vượt qua những hạn chế này.

Năm 1895, tại Paris, Alice Guy cùng Leon Gaumont, tham dự một sự kiện do Auguste và Louis Lumìere tổ chức. Hai anh em này giới thiệu phát minh mới của họ, Cinématographe, một trong những máy chiếu phim đầu tiên.

Nhóm 10 người trong phòng ngạc nhiên và thú vị khi nhìn thấy những người đàn ông và phụ nữ trên màn ảnh rời khỏi xưởng Lumìere trên một chiếc xe ngựa. Lúc đó, Guy đã có một suy nghĩ khác: “Tôi nghĩ tôi có thể làm tốt hơn”.

Khi phát minh của anh em nhà Lumìere trở nên nổi tiếng, Guy đến gặp sếp của cô, rụt rè đề xuất viết một hoặc hai kịch bản ngắn, làm thành phim để giúp bạn bè tiêu khiển.

Vào thời điểm đó, phim ảnh chủ yếu ghi lại những cảnh thật trong cuộc sống hằng ngày: Một chuyến tàu chạy qua, những đợt sóng trên bãi biển... Alice Guy muốn làm khác điều này, hướng máy quay vào một cái gì đó thú vị hơn. Cô đã cùng một vài người bạn làm phim The Cabbage Fairy, với cốt truyện đơn giản. Đây được xem là bộ phim hư cấu đầu tiên của thế giới.

Cabbage Fairy thành công và Guy được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận sản xuất tại Gaumont. Cô tiếp tục thực hiện gần 700 cuốn phim trong thập niên sau đó, bao gồm phim du lịch, phim khiêu vũ, phim hài và các phim chuyển thể từ sách.

Trái với niềm tin của nhiều người, The Jazz Singer năm 1929 không phải là phim đầu tiên có âm thanh đồng bộ. Thực tế, Gaumont và Alice Guy bắt đầu làm phim có âm thanh vào năm 1902, với phát minh được cấp bằng sáng chế của họ, Chronophone.

Để thực hiện phim âm thanh, người ta thu âm giọng ca của các ca sĩ nổi tiếng trên một máy hát. Sau đó, họ được quay phim hát nhép phù hợp với bản thu âm kể trên. Âm thanh và hình ảnh sau đó sẽ được đồng bộ hóa qua Chronophone. Gaumont dành mọi nguồn lực của xưởng phim vào việc tiếp thị phát minh này. Alice Guy cũng đã đạo diễn và sản xuất 150 bộ phim âm thanh để quảng bá Chronophone.

Alice Guy và nhóm làm phim The Life of Christ ở Fontainebleau, Pháp, năm 1906.

Cuối đời cay đắng

Năm 1907, Alice Guy kết hôn với Herbert Blaché, nhà quay phim của Gaumont kém mình 9 tuổi. Cô rời bỏ công việc ở xưởng, cùng chồng đến Cleveland, Ohio, Mỹ, nơi Herbert được cử đi quảng cáo bán Chronophone.

Công việc kinh doanh không thành công, cả hai rút về xưởng phim của Gaumont ở Flushing, New York. Ở đó, họ được biết chính Thomas Edison là nguyên nhân gây ra vấn đề của hãng.

Edison nắm giữ hàng trăm bằng sáng chế về điện ảnh và máy chiếu. Năm 1908, ông thành lập Công ty Motion Picture Patents (MPPC) để kiểm soát việc phân phối, sản xuất và chiếu phim.

MPPC có một danh mục gồm hàng loạt bằng sáng chế những chi tiết mà bất kỳ chiếc máy quay nào cũng phải có và Chronophone cũng không ngoại lệ. Vậy là Gaumont không được phân phối thiết bị này, phim cũng không bán được. Công ty suy sụp dần.

Năm 1910, Alice Guy-Blaché thành lập hãng phim Solax ở New York, bắt đầu sản xuất hai sản phẩm mỗi tuần. Đến nay, Guy là người phụ nữ duy nhất sở hữu một xưởng phim. Bà đã giám sát hơn 300 sản phẩm phim tại Solax và đạo diễn ít nhất một nửa số phim đó. Tuy nhiên, năm 1914, chiến tranh Thế giới thứ Nhất nổ ra, công việc kinh doanh của Solax bị chững lại.

Năm 1918, cuộc hôn nhân Guy-Blaché đổ vỡ lúc bà 45 tuổi và có 2 con. Cũng năm này, khi đang đạo diễn bộ phim cuối cùng của bà, Tarcked Reputations, Alice Guy-Blaché bị bệnh cúm Tây Ban Nha và phải mất hàng tháng mới hồi phục. Kiệt sức và nợ nần, Guy tuyên bố phá sản. Bà bán đấu giá những gì còn lại của Solax Studios và trở về Pháp vào năm 1922.

Sau 5 năm theo đuổi các nhà đầu tư và theo dõi các khách hàng tiềm năng, Guy trở lại Mỹ để lấy bản sao các bộ phim của mình. Bà choáng váng khi thấy tất cả công trình của mình đã biến mất, không thể tìm thấy bản phim nào - ngay cả tại Thư viện Quốc hội, nơi các bộ phim của bà được đăng ký bản quyền.

Trong suốt quãng đời còn lại của mình, Guy đã viết nhiều bài báo, phát biểu tại các viện điện ảnh, phản bác việc các nhà sử học đã ghi công lao của bà cho những người khác - thường là đàn ông.

Năm 1964, Alice Guy-Blaché trở lại Mỹ sống với cô con gái Simone. Bà qua đời ở tuổi 94 vào ngày 24/3/1968 trong một viện dưỡng lão ở New Jersey, Mỹ. Ngay cả khi cuốn hồi ký của bà được xuất bản 7 năm sau khi bà qua đời, Alice Guy vẫn bị lãng quên. Chỉ đến năm 1995, các nghiên cứu về tác phẩm của bà và một số phim tài liệu về bà mới bắt đầu xuất hiện.

Năm 2012, Ủy ban Điện ảnh Fort Lee đã lắp đặt một bia mộ mới cho Blaché, thay cho bia gốc chỉ ghi tên, ngày sinh và ngày mất của bà. Bia mới ghi Alice Guy Blache là “Nữ đạo diễn phim điện ảnh đầu tiên”, “Người phụ nữ đầu tiên đứng đầu hãng phim” và “Chủ tịch của Công ty Solax, Fort Lee, NJ”. Ngoài ra, bia còn được trang trí logo Solax: Hình ảnh mặt trời mọc vào một ngày mới.

To Top