Cuộc sống của các nạn nhân 5 năm sau vụ khủng bố Brussels

Sáng 22/3/2016, ba vụ nổ liên tiếp diễn ra tại sân bay quốc tế Brussels và ga tàu điện ngầm Maelbeek, gần trụ sở Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ đã cướp đi sinh mạng của trên 30 người và khiến hàng trăm người khác bị thương. Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, 5 năm sau vụ khủng bố nói trên, cuộc sống của các nạn nhân đã có nhiều thay đổi.

Ba vụ nổ liên tiếp diễn ra tại sân bay quốc tế Brussels và ga tàu điện ngầm Maelbeek (Bỉ) đã cướp đi sinh mạng của trên 30 người và khiến hàng trăm người khác bị thương. Ảnh tư liệu: Dailymail

Với chị Khánh Hồng, cán bộ kỹ thuật thuộc Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), ngày 22/3 năm đó sẽ mãi là một ký ức buồn. Khi ấy, chị Hồng là cán bộ của Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, đi họp tại trụ sở WCO nằm trong khu vực trụ sở của EU và trực tiếp có mặt trên chuyến tàu điện ngầm định mệnh ở nhà ga Maelbeek.

Mặc dù bom không nổ ở toa chị ngồi nhưng sức công phá của quả bom khiến chị bị tức ngực, cháy xém tóc, lấm lem mặt mũi. Tuy không bị thương nhưng chị Hồng bị sang chấn tâm lý, vẫn gặp ác mộng, giật mình sợ hãi nhiều tháng sau vụ việc. Nhờ sự động viên của gia đình, sự chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp và nỗ lực của bản thân, chị Hồng đã tìm được sự cân bằng và trở về trạng thái bình thường.

Trong khi đó, anh Ernest Djidjou, một doanh nhân người Cameroon chuyên buôn bán máy móc công nghiệp ngành mộc, lại không được may mắn như vậy. Tuy sống sót sau vụ đánh bom tàu điện ngầm Maelbeek, song vụ nổ để lại trong cơ thể anh (đầu, tay, lưng) vô số hạt sắt, khiến anh phải nằm viện vài tháng và phải trải qua hàng chục ca phẫu thuật.

Còn chị Karen Northshield, một người Mỹ gốc Bỉ, đã sống sót thần kỳ sau khi bom phát nổ tại sân bay quốc tế Brussels khiến chị bị thương nặng, mất một phần hông và một bên chân, mất dạ dày. Cuộc sống sau đó chỉ gắn liền với băng ca bệnh viện và bàn mổ đã đẩy chị vào trạng thái trầm cảm, phải thường xuyên dùng thuốc ngủ và luôn bị những cơn đau hành hạ. Từng là nhà vô địch bơi lội và huấn luyện viên thể hình, giờ phải di chuyển trên đôi nạng sắt thực sự là một sự thay đổi không dễ dàng chấp nhận với Karen Northshield.

Đã một nửa thập kỷ trôi qua sau vụ khủng bố kinh hoàng, Karen vẫn phải chịu những di chứng trên cơ thể nhưng chị không từ bỏ niềm tin vào cuộc sống. Mới đây, Karen đã cho ra mắt cuốn tự truyện "Trong hơi thở của bom" kể về hành trình sinh tồn của mình. Cuốn tự truyện là nơi mà Karen gói ghém những ký ức cũ và kể về những trải ghiệm mới trên hành trình "cố gắng hiểu rõ tất cả để tìm ra một định nghĩa mới về cuộc sống", cùng thông điệp "không được từ bỏ hy vọng".

Cũng là nạn nhân trong vụ nổ tại sân bay Brussels, chị Beátrice Lavalette, mất cả hai chân khi ở độ tuổi 17 tuổi, tràn đầy những hoài bão của tuổi trẻ. Với Beátrice Lavalette, mỗi vết thương luôn nhắc cô nhớ về ký ức kinh hoàng sáng 22/3/2016 nhưng điều đó không ngăn cản cô "kiên trì mỗi ngày, chiến đấu để sống”. Cô gái trẻ hiện đang sinh sống ở Mỹ và luyện tập thể thao chăm chỉ mỗi ngày cùng chú ngựa của mình với mục đích được tham dự bộ môn cưỡi ngựa tại Thế vận hội Olympic dành cho người khuyết tật (Paralympic) sẽ diễn ra vào tháng 7/2021 tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản).

Đó là những câu chuyện còn lại mãi với thời gian dù 5 hay 10 năm sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Bỉ. Những ký ức buồn dù vẫn còn nhưng mỗi người đều cố gắng vượt qua để tiếp tục cuộc sống theo một cách khác. Với mục tiêu cải thiện an ninh và bảo vệ mạng sống của người dân, giới chức Bỉ cũng đã có những hành động quyết liệt trong suốt 5 năm qua, giúp giảm đáng kể mối đe dọa khủng bố ở quốc gia này. Cùng với đó, giới chức cũng nỗ lực đảm bảo giám sát khoảng 500 công dân nước này trở về sau thời gian tham gia thánh chiến ở nước ngoài đồng thời giúp đỡ họ từ bỏ tư tưởng cực đoan và tái hòa nhập tích cực.

Ngày 22/3/2016 đã trở thành "ngày đen tối" không chỉ với Bỉ mà với cả châu Âu, khiến cả thế giới bàng hoàng và phẫn nộ trước sự tàn bạo của khủng bố. Lễ tưởng niệm 5 năm xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Brussels sẽ được tổ chức trong ngày 22/3 với sự hợp tác của hai hiệp hội nạn nhân Life4Brussel và V-Europe, cũng như Sân bay Brussels Zaventem và Công ty vận tải công cộng của Brussels (STIB), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Hương Giang (TTXVN)

To Top