'Cường quốc văn hóa' Hàn Quốc và bài học nào cho Việt Nam?

Sau năm 2000, văn hóa Hàn Quốc đổ bộ khắp châu Á với đầy đủ mọi loại hình, từ âm nhạc, thời trang cho đến ẩm thực, biến đất nước này thành một cường quốc văn hóa.

Hàn Quốc đã đặt mục tiêu trở thành cường quốc văn hóa từ những năm đầu thập niên 1990. Với chiến lược và quyết tâm đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, tính đến thời điểm này, Hàn Quốc đã thực sự thành công. Văn hóa Hàn Quốc không chỉ có ảnh hưởng tới các quốc gia trong khu vực mà còn tác động và phủ sóng mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới.

Ông Park Noh-wan - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam.

Thời điểm này, khắp châu Á, giới trẻ ngập trong những bộ phim tâm lý xã hội hay chính luận khô khan của Hồng Kông, Đài Loan, Singapore…

Lúc đó, ngay ở Hàn Quốc, sức ảnh hưởng từ các nền văn hóa láng giềng cũng rất lớn. Lãnh đạo Hàn Quốc nhận ra rằng, nếu không xây dựng một nền văn hóa phát triển song song với kinh tế, sẽ có sự đứt gãy liên kết giữa hai thành tố tạo nên sức mạnh của một cường quốc châu Á trong tương lai. Từ đây, nhiều khái niệm mới bắt đầu hình thành và phổ biến. Đặc biệt, Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc văn hóa.

Những chiến lược dài hạn

Để làm được điều này, Hàn Quốc đưa ra các chiến lược phát huy sức mạnh mềm của đất nước, mà trước hết là xây dựng chiến lược tái thiết, phát triển kinh tế và thương hiệu quốc gia. Tiếp đó, phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nhất là văn hóa giải trí, gắn với các yếu tố quốc tế, tức là các sản phẩm văn hóa không chỉ tiêu thụ ở trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu, đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc về công nghiệp giải trí.

Đặc biệt, Hàn Quốc kiên trì tạo ra một hệ sinh thái để nhiều tác giả và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa có thể thỏa sức mở ra các hoạt động nghệ thuật sáng tạo với những suy nghĩ bay bổng tự do.

Từ năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc mở cửa toàn diện đối với nội dung văn hóa nước ngoài, bao gồm văn hóa đại chúng Nhật Bản, loại bỏ mọi chướng ngại vật có thể giới hạn sức sáng tạo của người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, trong đó có việc không ngừng cải thiện các chính sách thẩm định cứng nhắc. Chính phủ Hàn Quốc đã và đang nỗ lực cải thiện nền tảng luật pháp và thể chế để sự cạnh tranh được diễn ra một cách tự do.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng liên tục mở rộng hỗ trợ như hỗ trợ tài chính, thiết lập quỹ chính sách, cung cấp không gian khởi nghiệp để các doanh nghiệp và những người trẻ tuổi hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa có thể dũng cảm đối mặt với thách thức trên trường quốc tế.

Sau năm 2000, văn hóa Hàn Quốc đổ bộ khắp châu Á với đầy đủ mọi loại hình, từ âm nhạc, thời trang cho đến ẩm thực.

Với chiến lược và quyết tâm đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, tính đến thời điểm này, Hàn Quốc đã thực sự thành công. Văn hóa Hàn Quốc không chỉ có ảnh hưởng tới các quốc gia trong khu vực mà còn tác động và phủ sóng mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới. Ngoài điện ảnh, trào lưu “Hallyu” (hay còn gọi là Hàn lưu) còn phủ sóng lĩnh vực âm nhạc, thời trang, mĩ phẩm…, đưa đất nước Hàn Quốc trở thành trung tâm mua sắm, nghe nhìn của cả châu lục.

Nghệ sĩ Hàn Quốc - Những sứ giả văn hóa tích cực

Các ngôi sao Hàn Quốc khi đi biểu diễn tại nước ngoài luôn cố gắng giới thiệu các nét đặc trưng của đất nước. Đó chính là yếu tố con người trong chiến lược đưa Hàn Quốc thành cường quốc văn hóa.

Nhóm nhạc BTS - những người tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc khi biểu diễn ở nước ngoài.

Nỗ lực của những nghệ sĩ này được thể hiện thông qua việc tham gia biểu diễn tại các sự kiện nước ngoài, hoặc hợp tác giữa Đại sứ quán nước sở tại với các cơ quan hữu quan (đặc biệt là Trung tâm văn hóa Hàn Quốc). Hiện nay, nhóm nhạc dẫn đầu làn sóng Hallyu BTS đã sản xuất video múa quạt, cùng với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở Trung Quốc để quảng bá văn hóa Hàn.

Có không ít các trường hợp quảng bá văn hóa Hàn Quốc một cách tự nhiên thông qua tác phẩm của các nghệ sĩ. Nhóm nhạc BTS quảng bá vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc ra toàn thế giới qua các bài hát sử dụng quốc nhạc. Nhóm nhạc đang làm mưa làm gió ở thị trường châu Á - Blackpink gần đây cũng quảng bá vẻ đẹp của trang phục truyền thống Hàn Quốc hanbok một cách tự nhiên bằng cách sử dụng các trang phục hanbok cách tân.

Đồng thời, khi tới các nước khác biểu diễn, họ cố gắng hòa nhập với văn hóa bản xứ để giúp chuyển tải những thông điệp kết nối giữa Hàn Quốc với quốc gia đó mượt mà hơn, gần gũi hơn. Dàn nghệ sỹ tới Việt Nam quay Running Man đã mặc áo dài, đội nón lá trong chương trình của mình. Hay một số ca sỹ trẻ Hàn Quốc cũng hát các bài hát Việt Nam để giao lưu với người hâm mộ Việt Nam ở Hàn Quốc.

Rất nhiều quốc gia, trong đó có cả cường quốc về văn hóa truyền thống, đã coi chiến lược quảng bá hình ảnh đất nước của Hàn Quốc là con đường mẫu mực.

Việt Nam định hình phong cách quốc gia

Tại Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc cũng đã thực hiện nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa Hàn tới sâu rộng những người quan tâm. Năm 2019, Đại sứ quán tổ chức lễ hội liên các trường đại học ở Việt Nam, tạo cơ hội cho sinh viên Việt Nam có thể trải nghiệm ẩm thực và các trò chơi truyền thống của Hàn Quốc. Đại sứ quán cũng nỗ lực quảng bá văn hóa và ẩm thực Hàn Quốc một cách rộng rãi và có hệ thống thông qua sự kiện Ngày văn hóa Hàn Quốc với sự tham gia của hàng trăm nghìn người.

Tổng thống Hàn Quốc giao lưu với đội tuyển bóng đá Việt Nam

Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Đại sứ quán gặp khó khăn trong việc tổ chức các sự kiện đông người nên chủ yếu tập trung chia sẻ thông qua mạng xã hội có nhiều người sử dụng như Facebook. Các chương trình tiêu biểu của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc giai đoạn này như: Lớp học Ẩm thực trực tuyến, giảng dạy K-Beauty trực tuyến, sản xuất các đoạn clip giới thiệu về sách Hàn Quốc…để người dân Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận với văn hóa Hàn Quốc thông qua internet.

Người Việt Nam có sự yêu thích đặc biệt đối với văn hóa Hàn Quốc vì nhiều lý do. Trước hết là sự tương đồng về văn hóa. Hai nước đã xây dựng được mối quan hệ rất gần gũi và mật thiết. Giao lưu nhân dân giữa hai nước đang diễn ra hết sức sôi nổi. Hiện nay, tại Việt Nam có gần 170.000 người Hàn Quốc sinh sống và khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư. Trước khi có dịch COVID-19, năm 2019, giao lưu nhân dân giữa hai nước đã lên tới 4,85 triệu lượt người (4,3 triệu lượt người Hàn Quốc thăm Việt Nam, 550 nghìn lượt người Việt Nam thăm Hàn Quốc).

Nếu có thể nhìn nhận đúng cách thức mà Hàn Quốc đã sử dụng để phát triển nền văn hóa ra toàn thế giới, Việt Nam sẽ có thể rút được nhiều kinh nghiệm và áp dụng tốt hơn nữa cho chiến lược quảng bá văn hóa đất nước trong tương lai. Vốn là một quốc gia có nền văn hóa truyền thống lâu đời và quý báu, đồng thời lại đang trong quá trình định hình phong cách quốc gia, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mục tiêu không chỉ tuyên truyền văn hóa trong phạm vi quốc gia, mà cần coi đó là một thị trường đầy tiềm năng để quảng bá, tiếp thị ra quốc tế. Về lâu dài, “sức mạnh mềm” có thể giúp Việt Nam phát huy tầm ảnh hưởng của mình trên khu vực cũng như toàn thế giới – như cách mà Hàn Quốc đã thành công trong việc trở thành cường quốc văn hóa.

Park Noh-wan (Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam)

To Top