Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng

Đó là một trong những đúc kết nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời khi chia sẻ những kinh nghiệm về nghề báo. Không chỉ là một nhà lãnh đạo, một vị tướng kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn tự nhận mình cũng là một nhà báo.

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết “Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” đăng trên Tạp chí Nhà báo và Công luận số tháng 8-1991. Những tít nhỏ trong bài do Báo Quân đội nhân dân Điện tử đặt.

"Làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng" - đúc kết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Báo Quân đội nhân dân in thành khẩu hiệu treo tại phòng họp của tòa soạn

Viết báo khi còn là học sinh - mối duyên nợ báo chí

Với cách mạng tư sản, báo chí đã trở thành một trong những quyền tự do thiêng liêng của con người, quyền tự do ngôn luận. Ngay dưới chế độ thuộc địa, giai cấp thống trị không phải lúc nào cũng có thể hoàn toàn bóp nghẹt quyền tự do này. Báo chí là một vũ khí sắc bén của mọi phong trào cách mạng. Nó không chỉ truyền bá những tư tưởng tiến bộ mà còn tổ chức, hướng dẫn hành động cho hàng triệu quần chúng. Ở nước ta, báo chí cách mạng xuất hiện đồng thời với phong trào cách mạng chống sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm báo ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng. Ảnh tư liệu.

Năm 1925, tôi mới 14 tuổi, từ một làng quê Quảng Bình vào Huế học ở trường Quốc học. Đây là một cái nôi của phong trào học sinh yêu nước Miền Trung. Học sinh trao tay nhau những bài thơ ca yêu nước. Anh Hải Triều đã đưa tôi đọc Bản Án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, báo Le Paria, báo Việt Nam hồn... Cuộc đấu tranh âm ỉ đã nổi lên nhân phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, nhân đám tang cụ Phan Chu Trinh. Ban giám hiệu người Pháp và các giám thị tăng cường theo dõi, o ép, dẫn tới cuộc bãi khóa lớn của học sinh năm 1927, bắt đầu từ Quốc học. Một số học sinh trong đó có tôi bị đuổi khỏi trường.

Tôi nảy ra ý định viết một bài báo với tiêu đề “Đả đảo tên bạo chúa ở trường Quốc học”. Phải viết bằng tiếng Pháp để gửi cho tờ L’Annam xuất bản ở Sài Gòn, do luật sư Phan Văn Trường làm chủ nhiệm. Đây là tờ báo dám công khai đả kích thực dân Pháp. Bài báo có tiếng vang ở Huế và nhiều nơi. Mối duyên nợ với báo chí bắt đầu từ đây.

Rời trường Quốc học, tôi vẫn lưu luyến với Huế. Anh Nguyễn Chí Diểu đã giới thiệu tôi vào Tân Việt cách mạng Đảng. Tôi được phân công làm công tác tuyên huấn, càng có điều kiện để tiếp xúc với sách báo cách mạng. Nơi tôi ở có một tủ sách bí mật trong đó có nhiều sách báo do các tổ chức của Đảng Cộng sản Pháp gửi cho. Niềm tin ở chủ nghĩa cộng sản ngày càng được củng cố. Một năm sau (1929) tôi cùng anh Nguyễn Chí Diểu tổ chức ra nhóm hạt nhân cộng sản đầu tiên trong Tổng bộ Tân Việt.(1)

Khởi nghiệp với công việc biên tập viên

Hồi đó, ở Huế có báo Tiếng dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút. Đây là tờ báo lớn đầu tiên ở Trung Kỳ có tư tưởng tiến bộ. Tôi được giới thiệu vào làm biên tập ở báo Tiếng dân. Tôi viết nhiều bài với nhiều bút danh như Vân Đình, Hải Thanh - đây là dịp tốt để làm quen với mọi thể loại, từ bình luận tình hình thế giới, nghiên cứu những vấn đề chính trị, xã hội trong nước, tới điều tra, phóng sự. Cụ Huỳnh không tán thành những quan điểm “bôn-sơ-vic”, nhưng vẫn đồng ý để tôi viết một loạt bài giới thiệu chủ nghĩa Mác dưới dạng phổ thông. Những bài viết của tôi lời lẽ phải cân nhắc, nói chung đều được đăng. Nhưng cũng nhiều lần bị kiểm duyệt cắt trắng cả mấy cột báo. Như trường hợp bài “Những công ty có vốn trên một triệu đồng” tố cáo sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản thuộc địa đối với giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.

Một số bài báo của Võ Nguyên Giáp với bút danh Hải Thanh, Vân Đình trên báo "Tiếng Dân" (1929 - 1930).

Sau cuộc khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh, Pháp tăng cường khủng bố. Tôi bị bắt một thời gian. Khi được tha, nhà cầm quyền buộc phải trở về quê quán. Ở Quảng Bình ít lâu, tôi quay lại về Huế, mong tiếp tục làm báo Tiếng dân và liên lạc với cơ sở. Vừa gặp cụ Huỳnh hôm trước thì ngày hôm sau viên công sứ gọi tôi tới nói: “Vị trí của anh ở Huế là trong nhà tù”. Tôi đành trở lại Quảng Bình sau đó ra Vinh tìm việc làm, ở tại nhà anh Đặng Thai Mai, khi gia đình anh chuyển ra Hà Nội, tôi cũng ra.

Những năm đầu thập niên 30, các cơ sở của Đảng ở Hà Nội bị phá vỡ, chưa kịp phục hồi. Chưa bắt được liên lạc với Đảng, tôi vừa tự học, vừa tranh thủ đọc sách, báo tiến bộ để trau dồi kiến thức, theo dõi sát tình hình chính trị trong nước và trên thế giới. Năm 1935, tôi vào dạy học ở Trường tư thục Thăng Long.

Thời đó, ở một góc ngã tư phố Tràng Tiền, có đặt một bảng Thông tin. Hằng ngày, đi dạy học qua đây, tôi đều dừng lại. Một buổi chiều tháng 5 năm 1936, có tin Mặt trận Bình dân, gồm hàng chục tổ chức chính trị, với Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội làm nòng cốt, giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử ở Pháp. Tình hình đang chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi. Tôi nghĩ ngay tới chuyện ra một tờ báo để đón thời cơ.

Mua lại một tờ báo thua lỗ để làm và tuyên truyền cách mạng

Theo luật pháp của chính quyền thực dân, muốn ra báo bằng tiếng Pháp, chỉ cần nộp trước tờ khai tên báo, chủ nhiệm, quản lý, nếu vi phạm pháp luật, những người này sẽ bị đưa ra tòa xét xử. Nhưng muốn xuất bản một tờ báo tiếng Việt thì phải xin phép, thể lệ rất phiền phức và thường phải chờ đợi lâu.

May sao có tờ Hồn trẻ của Hướng đạo sinh, vì thua lỗ phải tạm ngừng xuất bản, chủ nhiệm báo sẵn sàng nhượng lại bản quyền. Tôi bàn với một số giáo sư tiến bộ ở trường Thăng Long cùng nhau góp tiền để làm cho tờ báo sống lại với một nội dung hoàn toàn mới. Chỉ 2 ngày sau khi Léon Blum tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ Pháp, ngày 6-6-1936 tờ Hồn trẻ tập mới ra đời. Có thể nói đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên công khai cổ động đấu tranh cho các khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp và tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhằm phản ánh với phái đoàn điều tra của Chính phủ Bình dân do Goda cầm đầu, sẽ sang Đông Dương. Báo rất được bạn đọc hoan nghênh, in ra không đủ bán. Ra đến số 5 thì nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tác giả của nhiều bài báo trên báo Le Travail.

Không thể sớm có một tờ báo tiếng Việt trong tình hình này. Anh Nguyễn Thế Rục(2) cùng với một số đồng chí trong đó có tôi, hình thành một nhóm chỉ đạo, quyết định chọn ra một tờ báo tiếng Pháp. Ngày 16-9-1936, báo Le Travail (Lao động) ra số đầu tiên. Tôi trở thành biên tập viên chính được phân công viết khá nhiều đề tài: Cổ vũ Đông Dương đại hội, Mặt trận Dân chủ, thời sự quốc tế, đời sống nông dân với các cuộc đấu tranh ruộng đất như Cồn Thoi, những cuộc đấu tranh bãi công của thợ xẻ, thợ giày, thợ mỏ. Thời gian này, tôi làm việc rất hào hứng, có lần đi xe đạp từ Hà Nội về tới Cẩm Phả để viết về cuộc bãi công lớn của công nhân ở đây. Le Travail tồn tại được 7 tháng, với 30 số báo. Ngày 16-4-1937, nhà cầm quyền Pháp ra lệnh đóng cửa.

Vừa dạy học vừa làm báo

Cuối năm 1936, anh Trường Chinh đã thoát khỏi ngục tù trở về Hà Nội. Đảng tổ chức ra Ủy ban hành động bán công khai; anh Trường Chinh phụ trách, tôi là một thành viên. Ủy ban đặc biệt quan tâm đến các hoạt động báo chí của Đảng. Chúng tôi lần lượt cho xuất bản các tờ báo tiếng Pháp: Rassemblement (Tập hợp), En Avent (Tiến lên), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta). Cùng thời gian này, Đảng ta cho ra nhiều tờ báo tiếng Việt xuất bản công khai như các tờ: Thời thế, Hà thành thời báo, Thế giới, Đời nay, Tin tức, Ngày mới - Thanh niên dân chủ có tờ Bạn dân. Riêng tờ Giải phóng xuất bản bí mật, ra được 3 số thì phải ngừng vì cơ quan ấn loát bị địch phát hiện. Tôi viết những tờ báo tiếng Pháp là chính nhưng cũng tranh thủ viết cho những tờ báo tiếng Việt. Xứ ủy Bắc kỳ chủ trương tổ chức Hội nghị báo giới toàn xứ, và thành lập Hội Ái hữu báo giới Bắc kỳ. Tôi được trao nhiệm vụ cùng với các anh Khuất Duy Tiến, Trần Huy Liệu, Đào Duy Kỳ, Phan Tử Nghĩa - tổ chức hội nghị. Hội nghị lần thứ nhất của báo giới Bắc kỳ, họp vào ngày 24-4-1937, cử tôi làm Chủ tịch, anh Trần Huy Liệu làm Phó chủ tịch. Trước đó ngày 27-3-1937, tôi thay mặt báo Rassemblement vào Huế dự hội nghị báo giới toàn xứ Trung kỳ do Xứ ủy Trung kỳ lãnh đạo tổ chức.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: Làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đồ họa: Lê Thành

Suốt những năm đó, nghề chính của tôi là dạy học ở trường Thăng Long, tôi cũng đã nộp đơn học trường luật; nhưng phần lớn thời giờ lại dành cho công việc báo chí. Tôi đã làm hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm, nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung - cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morasse, và không ít khi, cả việc phát hành báo. Có lần, cùng lúc, các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nam đều bận việc đột xuất không kịp viết bài, tôi đã ngồi từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, viết kín một thếp giấy 48 trang, và bố cục, trình bày xong cả một số báo Notre Voix cho kịp đưa xuống nhà in; sau khi ăn điểm tâm, lại tới trường Thăng Long dạy học.

Hồ Chí Minh - người thầy báo chí của Võ Nguyên Giáp

Trong thời gian chúng tôi làm Notre Voix, Bác thường gửi bài về với bút danh P.C.Lin. Chúng tôi cho đăng dưới tiêu đề: Thư từ Trung Quốc với chữ in nghiêng. Bác luôn nhắc phải chủ động xây dựng một mặt trận dân chủ thật rộng rãi, đoàn kết mọi lực lượng có thể đoàn kết, tạo nên sức mạnh mới để giành thắng lợi.

Nghề báo là một nghệ thuật đầy hứng thú. Sau này khi đã chuyển qua công tác quân sự, tôi cảm thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương. Phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị, yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì. Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó. Nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội. Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay. Những bài chính phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như những màu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc. Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc, tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ, vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể. Những kiểu chữ lớn, nhỏ, béo, gầy, đứng hoặc nghiêng – đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới. Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc.

Không chỉ là một nhà lãnh đạo, một vị tướng kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn tự nhận mình cũng là một nhà báo.

Giữa năm 1940, tôi rời Hà Nội sang Vân Nam Trung Quốc, gặp Bác ở Thúy Hồ, và đầu năm 1941, theo Bác trở về nước. Những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa bắt đầu. Tại hang rừng Pác Bó, Bác tổ chức ra báo Việt Nam Độc lập. Báo in đá, giấy mực đều xấu, mỗi số vài trăm bản nhưng tác dụng của nó với quần chúng cách mạng ở vùng Cao Bắc Lạng rất lớn lao. Bác phân công tôi viết một số bài. Yêu cầu của Bác là nội dung súc tích, thiết thực, hình thức ngắn gọn, ai đọc cũng hiểu. Chưa bao giờ tôi thấy viết báo khó như thời gian làm báo Việt Lập.

Tháng Chạp năm 1944, được Bác trao nhiệm vụ tổ chức Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tôi cho ra tờ báo Tiếng súng reo. Báo viết tay, chỉ lưu hành trong nội bộ Đội Tuyên truyền. Giữa năm 1945, các lực lượng vũ trang của Đảng thống nhất thành Giải phóng quân Việt Nam, tôi quyết định ra báo Quân Giải phóng. Tháng 6-1945, thành lập khu Giải phóng ở Việt Bắc, được phân công làm thường trực của Ủy ban Giải phóng, với sự đồng ý của Bác, tôi tổ chức ra báo Nước Nam mới. Báo in li-tô, mới phát hành được 7 số thì Cách mạng Tháng Tám đã bùng nổ. Những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công việc vô cùng bận rộn, tôi vẫn tranh thủ thời gian viết báo, viết bài cho Cờ Giải phóng, Cứu quốc, Sao Vàng

Tôi không bao giờ rời xa công tác báo chí

Hôm nay nhìn lại, có thể nói suốt quá trình trên sáu mươi năm hoạt động cách mạng, tôi không bao giờ xa rời công tác báo chí. Do đó tôi có nhiều suy nghĩ và một số kinh nghiệm về làm báo, không thể trình bày hết trong bài viết ngắn này.

Năm nay, được Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng huy hiệu dành cho những người đã có từ 25 năm làm báo trở lên, tôi đã đón nhận phần thưởng này với ít nhiều tự hào.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 46 Cách mạng Tháng Tám và ngày sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đại hội Đảng lần thứ VII vừa thành công tốt đẹp, qua Tạp chí Nhà báo và Công luận, xin gửi lời chúc các bạn đồng nghiệp xa, gần sức khỏe dồi dào, tiếp tục cống hiến nhiều cho sự nghiệp báo chí vì sự ổn định, và phát triển của đất nước, vì công bằng, tiến bộ xã hội, vì sự phồn vinh của Tổ quốc, vì lý tưởng cao đẹp Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

………………………….

(1). Lúc đầu lấy tên là Việt Nam Cộng sản Liên đoàn, về sau lôi cuốn hầu hết các tổ chức của Đảng Tân Việt trong cả nước trở thành Đông Dương Cộng sản Đảng, một bộ phận hợp thành của Đảng Cộng sản Đông Dương.

(2) Anh Nguyễn Thế Rục, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp tốt nghiệp Đại học phương Đông của Quốc tế cộng sản về nước mắc bệnh phổi rất nặng, nhà cầm quyền cho điều trị tại gia đình.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

To Top