Đề chuyên Văn 'Nếu phải ở trong nước sôi' gây tranh cãi

Một số giáo viên cho rằng câu lệnh của câu hỏi trong đề Ngữ văn vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) khiến người đọc thấy phản cảm.

Sau khi học sinh dự thi vào trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) hoàn thành môn Ngữ văn, câu 1 trong đề thu hút sự chú ý của dư luận bởi cách đặt vấn đề.

Đề Ngữ văn gây tranh cãi.

Cụ thể, câu nghị luận xã hội 4 điểm này sử dụng ngữ liệu là ý kiến của Lu-Mannup trong cuốn sách Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng: Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng". Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu.

Câu lệnh định hướng vấn đề nghị luận là: "Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên”.

TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội, nêu quan điểm ngay từ bản thân câu ngạn ngữ, cô đã không thực sự đồng tình. Theo cô, "nước sôi" không phải lúc nào cũng là “hoàn cảnh” theo nghĩa "nghịch cảnh” như cách chúng ta đọc câu ngạn ngữ.

Cô Tuyết phân tích ý kiến của Lu-Mannup cho rằng "nước sôi” là hoàn cảnh khắc nghiệt, đáng sợ nhưng theo cô, “nước sôi” lại là điều kiện lý tưởng cho một ấm trà để tỏa hương và trọn vị.

"Tất nhiên, đó chỉ là quan niệm chủ quan, cá nhân. Đây vẫn là câu ngạn ngữ quen thuộc mà nhiều người thường sử dụng", cô Tuyết nói thêm.

Tuy nhiên, TS Trịnh Thu Tuyết khẳng định câu lệnh có vấn đề. Thông điệp đề bài định hướng cho học sinh là bàn luận về bản lĩnh nội tại trước nghịch cảnh cuộc sống.

Vấn đề đặt ra tốt, hữu ích, nhất là trong cuộc sống thời hiện đại vốn luôn quá nhiều thử thách. Song cách diễn đạt ý giả định trong câu lệnh “nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?” khiến người đọc thấy phản cảm.

Nữ giáo viên cho rằng không ai thấy thoải mái khi hình dung mình ở trong “nước sôi” và loay hoay chọn lựa cách làm “củ khoai tây hay quả trứng”.

"Những liên tưởng va chạm với tầng nghĩa đen khiến bất kỳ ai cũng thấy không ổn", cô Tuyết nêu quan điểm.

Cô gợi ý đề văn sẽ giản dị, minh triết hơn nếu thay bằng câu lệnh: “Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về thông điệp em nhận được từ quan niệm trên”.

Trong khi đó, thầy Vũ Thanh Hòa, giáo viên trường THPT Thăng Long (Hà Nội), cho rằng văn chương luôn có những lớp nghĩa ẩn dụ và lớp nghĩa thực. Nếu chỉ soi theo lớp nghĩa thực, người đọc sẽ thấy có vấn đề.

Trong khi đó, "nước sôi" trong đề trên có thể hiểu là hoàn cảnh thử thách, như cách mọi người vẫn dùng để hiểu câu "bảy nổi ba chìm với nước non".

Thầy Hòa đánh giá thêm vấn đề nghị luận xã hội trong đề chuyên môn Văn của tỉnh Khánh Hòa không quá mới nhưng cách kiến giải quan điểm khá độc đáo, giúp học sinh có “đất” thể hiện quan điểm lập luận và sự sáng tạo cá nhân.

Theo thầy, với câu này, mặt lý giải và chọn lựa phương án sẽ không có cái đúng hẳn hoặc cái sai hẳn, quan trọng là cách lựa chọn và kiến giải linh hoạt của học sinh, từ đó thấy được sự nhìn nhận học sinh về “bản lĩnh nội tại” của mình là gì, từ đâu, do đâu, và làm cách nào để bản lĩnh phá bỏ giới hạn vốn có.

Nguyễn Sương

To Top