Để không gian văn hóa cồng chiêng trường tồn với thời gian

Tỉnh Kon Tum đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trước những tác động của đời sống xã hội hiện đại.

Nhiều thách thức hiện hữu

Di sản văn hóa Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005, đến năm 2008 được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sau 15 năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh, nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã được các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền và cộng đồng thực hiện khá hiệu quả. Tỉnh Kon Tum là một trong những địa phương rất tích cực triển khai hoạt động này.

Theo tư liệu khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, đến tháng 10/2020, toàn tỉnh còn lưu giữ, bảo tồn trên 2.100 bộ cồng chiêng. Sau 5 năm thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 làng đồng bào dân tộc thiểu số có cồng chiêng. Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức được hơn 100 lớp truyền dạy diễn tấu và kỹ năng chỉnh chiêng, phục dựng 15 nghi lễ, lễ hội truyền thống, qua đó, góp phần bảo tồn hiệu quả không gian diễn xướng cho cồng chiêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và tại tỉnh Kon Tum nói riêng vẫn còn khá nhiều thách thức. Chẳng hạn như: Điều kiện môi trường tự nhiên và xã hội, quá trình giao lưu hội nhập, phát triển kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian trình diễn, diễn xướng văn hóa cồng chiêng; Số nghệ nhân biết thực hành di sản ngày càng giảm nhiều, chưa kịp trao truyền di sản cho thế hệ kế nghiệp đã mất đi do tuổi cao sức yếu; Công tác quản lý, phối hợp bảo vệ cồng chiêng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, nên tình trạng trộm cắp, hủy hoại cồng chiêng vẫn còn diễn ra ở một vài địa phương; Vẫn chưa có một nghệ nhân nào biết đúc chiêng, chưa có một cơ sở đúc chiêng nào...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Với mong muốn bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, để không gian văn hóa độc đáo này trường tồn với thời gian, cuối tháng 7/2021, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025”.

Một số mục tiêu cụ thể đã được lãnh đạo tỉnh mạnh dạn đặt ra. Đáng chú ý là đến năm 2025, phấn đấu 100% làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn toàn tỉnh có cồng chiêng; 50% làng đồng bào dân tộc thiểu số khác có sinh hoạt văn hóa cồng chiêng được hỗ trợ cồng chiêng nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc; Thành lập các câu lạc bộ về văn hóa dân gian, phấn đấu đến năm 2025, 10/10 huyện, thành phố có ít nhất 2 câu lạc bộ.

Để hiện thực hóa những mục tiêu và mong muốn, nhiều giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Đặc biệt, về công tác bảo tồn di sản không gian văn hóa cồng chiêng, địa phương này sẽ tổ chức truyền dạy về kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa (xoang) và các bài chiêng truyền thống cho các làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ; các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn tỉnh Kon Tum có sinh hoạt văn hóa cồng chiêng; các cấp trường học có con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đang theo học nhằm đẩy mạnh công tác kế thừa về sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, nhất là lớp trẻ.

Tỉnh cũng sẽ triển khai chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với các nghệ nhân cồng chiêng, khuyến khích các gia đình, cộng đồng có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.

Ngoài ra, sẽ sưu tầm, nghiên cứu và khôi phục các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống liên quan đến văn hóa cồng chiêng để tạo môi trường diễn xướng cho cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng. Thúc đẩy sinh hoạt văn hóa cộng đồng, duy trì các lễ hội truyền thống tốt đẹp có sử dụng cồng chiêng.

Lam Anh

To Top