Để không tắt lửa nghề...

Dù khó khăn bủa vây trong mùa Covid-19, nhiều nghệ sĩ vẫn có những hoạt động tích cực, sống lạc quan nhằm vượt qua những ngày vất vả

Gia nhập lớp học nghề diễn viên do đạo diễn Vũ Xuân Trang tổ chức vào buổi tối (3 buổi/tuần) mới thấy sự háo hức của các học viên khi thầy và trò cùng hòa vào chương trình học qua hình thức trực tuyến.

Thử thách sự kiên trì

Đạo diễn Vũ Xuân Trang cho biết dạy nghề diễn viên ngoài việc hướng dẫn lý thuyết, giáo viên cần phải thị phạm hoặc chỉnh sửa trực tiếp ở những động tác trong kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo hoặc các giao lưu, phán đoán..., nhất là những vai diễn cổ trang.

Đạo diễn Vũ Xuân Trang hướng dẫn học viên trong lớp học diễn qua hình thức trực tuyến .Ảnh: HOÀNG THY

"Học trực tuyến bị hạn chế khi thị phạm cho học viên. Tương tác trực tiếp giữa các học viên với nhau cũng bị hạn chế. Một bài tập cho dù là tiểu phẩm, trích đoạn, kịch ngắn... đều cần trải qua một quá trình tập luyện có sự tương tác trực tiếp để tìm ra hành động thích hợp nhưng do dịch Covid-19 nên phải thông qua học online để giữ lửa nghề cho các diễn viên trẻ" - đạo diễn Vũ Xuân Trang chia sẻ.

Đạo diễn Thái Kim Tùng (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM) cũng cho biết khi dạy online thì người dạy phải soạn giáo án khác, tìm tòi cách truyền đạt mới với những nội dung phù hợp trong việc dạy và học trực tuyến. Nhưng dù có biến hóa bao nhiêu cũng không thể thay thế được cách dạy trực tiếp. "Trong tình hình hiện nay thì dạy học online là cách để quá trình học nghề diễn viên không bị gián đoạn, vì nếu nghỉ quá lâu e rằng các diễn viên trẻ sẽ quên mất bài. Ban đầu học viên có vẻ hoang mang và có phần lơ là nhưng sau khi được hướng dẫn cụ thể hơn thì các diễn viên trẻ đã quen dần và hiện tại đang thích ứng rất tốt" - đạo diễn Thái Kim Tùng cho hay.

Để khắc phục những hạn chế của học online, đạo diễn Vũ Xuân Trang khoe: "Kích thích sự sáng tạo của học viên, tôi đã ghi hình lại việc thị phạm rồi gửi cho các bạn xem; trao đổi, phân tích tìm ra yếu tố thiếu và thừa... Qua ứng dụng dạy và học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19, tôi thấy bên cạnh việc giúp các bạn trẻ giữ lửa nghề, ôn lại kiến thức nghề thì đây cũng là thời gian thử thách sự kiên trì và nhìn rõ hơn năng khiếu của mỗi học viên, qua đó giúp các bạn chọn hướng đi phù hợp về sau".

Vơi đi nỗi nhớ nghề

Trong điểm này, hơn 90% các chương trình biểu diễn đã lên khung đều phải hủy hoặc lùi không thời hạn tổ chức. Các show diễn "tắt sóng", các sàn diễn "tắt đèn"..., đời sống của hầu hết nghệ sĩ rơi vào tình trạng lao đao. Để tạo thu nhập, các nghệ sĩ tích cực làm thêm các "nghề" như bán hàng online, chuyển phát nhanh, bán bảo hiểm, chế tác mũ mão - trang phục - đạo cụ... Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết: "Hiện tôi chuyển sang bán online gồm nhu yếu phẩm, vật dụng gia đình. Tôi tự đi chọn lựa hàng, sau đó livestream giới thiệu, chốt đơn với người mua".

NSƯT Kim Tử Long chia sẻ đợt dịch thứ tư này khiến các nghệ sĩ bán hàng online khó khăn hơn do phải tìm mặt hàng hữu ích, vừa túi tiền và bảo đảm chất lượng, nhất là mặt hàng dinh dưỡng, vì dễ dãi sẽ ảnh hưởng uy tín.

Nghệ sĩ Thanh Ngọc cũng lạc quan: "Nghề gì cũng không nề hà, miễn sao vượt qua đợt dịch bệnh này". Còn nghệ sĩ Thanh Hằng thì chế biến các món đặc sản miền Tây, được khán giả ủng hộ nồng nhiệt. "Mỗi ngày tôi bán hơn 100 phần, khi livestream giới thiệu, tôi ca vọng cổ theo yêu cầu của khán giả, nên bán được lắm" - nghệ sĩ Thanh Hằng kể.

Hai chị em nghệ sĩ Thoại Miêu và Thoại Mỹ cũng tương tác với khán giả mỗi tối trước màn ảnh để giới thiệu sản phẩm và hát tặng người tiêu dùng nhằm giúp vơi đi nỗi nhớ nghề.

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng hiện nay mỗi nghệ sĩ đều có những khó khăn riêng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lần này nhưng bằng chính nỗ lực của mình, với tinh thần lạc quan, thái độ tích cực, dù trong khó khăn, họ vẫn cố gắng giữ lửa nghề, truyền nghề, giữ hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ trong lòng công chúng.

THANH HIỆP

To Top