Để thị trấn Giang Tiên phát triển xứng tầm

Năm 1977, Giang Tiên là thị trấn đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Phú Lương. Trước đây, Giang Tiên là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế của huyện. Tuy nhiên, hơn 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn ngày càng có xu hướng bị 'chững' lại, chưa phát huy được những lợi thế sẵn có.

Các cơ sở kinh doanh thương mại – dịch vụ ở thị trấn Giang Tiên chủ yếu chỉ tập trung ở khu vực chợ trung tâm, còn lại thưa thớt ở những khu vực khác.

Thị trấn Giang Tiên nằm ở phía Nam của huyện Phú Lương với 7 tổ dân phố và trên 4.000 nhân khẩu. Với tổng diện tích tự nhiên trên 376,84ha, trong đó, phần lớn nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 3, đây là lợi thế để địa phương phát triển các hoạt động thương mại - dịch vụ. Bên cạnh đó, trên địa bàn thị trấn còn có 1 di tích lịch sử cấp Quốc gia là Địa điểm xưởng quân giới - nơi chế tạo thành công súng Bazoka; 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là đền Trình và đền Quan núi Đá Xô. Đây chính là tiềm năng để địa phương phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh.

Ông Tống Duy Kiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Giang Tiên cho biết: Trên cơ sở phân tích những tiềm năng, lợi thế, thị trấn luôn xác định lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương là thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của thị trấn chỉ diễn ra nhộn nhịp và sôi động vào thời điểm trước năm 2010. Những năm sau đó, tốc độ phát triển của thị trấn có xu hướng chậm dần và “chững” lại từ khoảng 5 năm trở lại đây.

Theo số liệu thống kê, thị trấn Giang Tiên hiện có 118 hộ sản xuất, kinh doanh (giảm 49 hộ so với năm 2014); 12 doanh nghiệp (tăng 1 doanh nghiệp so với năm 2015). Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh chủ yếu hoạt động mang tính tự phát, quy mô nhỏ với nhiều ngành nghề khác nhau; chưa có loại hình kinh doanh chủ lực. Năm 2020, tổng thu ngân sách của thị trấn là trên 790 triệu đồng (giảm hơn 350 triệu đồng so với năm 2016). Giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại trong giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân hàng năm 17,2% (thấp hơn 3,8% so với giai đoạn 2010-2015).

Theo chia sẻ của lãnh đạo địa phương, tốc độ phát triển kinh tế của thị trấn Giang Tiên chưa xứng tầm là do gặp một số khó khăn, trong đó, rào cản lớn nhất là thiếu quỹ đất. Tổng diện tích đất tự nhiên của Giang Tiên nhỏ nhất trong số 15 xã, thị trấn của huyện Phú Lương. Điều này đã khiến công tác thu hút đầu tư gặp nhiều vướng mắc do không có đủ quỹ đất đảm bảo theo yêu cầu của chủ đầu tư. Một nguyên nhân nữa là trước đây, với nguồn tài nguyên than lớn, địa phương đã thu hút được nhiều công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó đơn vị có quy mô lớn nhất là mỏ than Phấn Mễ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên). Hoạt động của các công ty, doanh nghiệp này đã góp phần rất lớn trong tăng trưởng các loại hình kinh doanh dịch vụ - thương mại như: Vận tải, dịch vụ ăn uống, lưu trú, sửa chữa cơ khí, kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng. Do vậy, nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ giảm nhanh, việc kinh doanh, buôn bán của các hộ cũng gặp khó khăn, nhiều nhà hàng đã phải đóng cửa vì vắng khách.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan kể trên, theo ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương: Hiện nay, huyện đang phải ưu tiên nguồn lực phát triển các xã khó khăn hơn vì vậy, việc triển khai các giải pháp phát triển thị trấn Giang Tiên đang gặp khó khăn. Ngoài ra, về phía chính quyền địa phương cũng chưa mạnh dạn tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển mang tính đột phá để huyện xem xét, bố trí nguồn lực hợp lý.

Theo chức năng đô thị, thị trấn là địa phương có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một huyện hoặc một vùng của huyện. Tuy nhiên, những rào cản đang tồn tại khiến thị trấn Giang Tiên từ một đô thị sầm uất trở thành địa phương có tốc độ phát triển không tương xứng với tiềm năng. Trao đổi với chúng tôi về giải pháp để thị trấn phát triển xứng tầm, ông Tống Duy Kiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho hay: Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất UBND huyện xem xét, có phương án mở rộng địa giới hành chính của thị trấn; quan tâm hỗ trợ địa phương xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương tập trung xây dựng các giải pháp để phát triển du lịch tâm linh; thương mại - dịch vụ…

Phan Trang

To Top