Đền bù nghệ thuật

Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã chấp nhận đền bù tác phẩm bị thất lạc của họa sĩ có tranh dự triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020.

Ảnh minh họa/INT

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 đã trở thành triển lãm ghi nhận nhiều tác giả rút tranh, mất tranh, xước tranh nhất từ trước tới nay. Nhiều bức tranh bị vấy bẩn, trầy xước, gãy khung với các cấp độ khác nhau.

Có bức bị cào xước ở vị trí trung tâm, bức khác gạch ngang trước khuôn mặt nhân vật, sơn trắng của tường vấy bẩn bề mặt tranh, rồi tác phẩm điêu khắc vỡ vụn…

Chúng tôi từng nêu quan điểm về sự vụ này, và gọi đó là hành vi “bạo hành nghệ thuật”. Những tác phẩm nghệ thuật bị bỏ rơi, bị bạo hành đến biến dạng bởi sự quăng quật, cào xước… từ những thái độ khinh nhờn, vô cảm trước công sức sáng tạo của nghệ sĩ.

Trong suốt thời gian này, họa sĩ Hùng Anh và nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thành đã đấu tranh mạnh mẽ yêu cầu ban tổ chức đền bù tác phẩm bị mất, hoặc bị hư hỏng. Các họa sĩ khác, người đồng ý với chi phí vẽ lại tác phẩm, người không yêu cầu đền bù gì.

Và mới đây, Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã chấp nhận đền bù tác phẩm bị thất lạc của hai nghệ sĩ nói trên. Mức giá đền bù không được tiết lộ, nhưng lại “lộ” cách hành xử rất kém văn hóa của một số người công tác trong lĩnh vực văn hóa.

Trong khi nghệ sĩ chờ giải quyết, nhà triển lãm đề nghị lập hội đồng thẩm định để xem xét giá trị tác phẩm. Hội đồng quyết định thế nào thì nghệ sĩ phải nghe theo, nghệ sĩ phải chịu một nửa chi phí thành lập hội đồng.

Cách ứng xử đó khiến nghệ sĩ bị “sốc”, họ không hiểu tác phẩm đã mất thì thẩm định cái gì? Và tại sao, nạn nhân bị mất tranh lại phải mất thêm phí thẩm định? Thậm chí, thay vì đền bù thì đơn vị làm mất tranh đề nghị chi tiền mua họa phẩm để họa sĩ… vẽ lại tác phẩm đã mất.

Đề nghị đó khiến nghệ sĩ tổn thương nghiêm trọng. Nó nói nên hai vấn đề, thứ nhất là ứng xử kém văn hóa, thứ hai làm lộ ra trình độ “mù tịt” nghệ thuật của những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Nếu nghệ sĩ nhận lời, chẳng hóa ra họ tự đạo nhái tác phẩm của mình.

Ở nhiều quốc gia phát triển, nếu nhà triển lãm chẳng may làm mất hoặc làm xước tác phẩm thì lời xin lỗi chân thành, khẩn thiết đứng đầu. Tiếp sau đó là sự thỏa thuận để làm sao nghệ sĩ hài lòng nhất.

Cách ứng xử đó không chỉ khẳng định tầm văn hóa, mà còn thể hiện sự trân trọng đối với công sức sáng tạo của nghệ sĩ, đồng thời đề cao giá trị nghệ thuật đối với xã hội.

Nhìn người lại nghĩ đến ta, nếu cứ làm mất hoặc làm hỏng tranh rồi loằng ngoằng trong cách ứng xử, khiên cưỡng khi đền bù thì chẳng khác nào ví hành động đó là “vô pháp, vô thiên”.

Sẽ chẳng có nghệ sĩ nào dám gửi tác phẩm đến triển lãm vì sợ bị mất, bị hỏng rồi phiền hà như tiền lệ đã có. “Bông hoa” nghệ thuật sẽ không dám hé nở trong một môi trường đầy rẫy côn trùng phá hoại.

To Top