Điểm mới của QCVN 06:2021/BXD: Tích hợp quy định an toàn cháy cho nhà chung cư

Bộ Xây dựng vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2021/BXD, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2021 thay thế QCVN 06:2020/BXD. Nhân dịp này, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với vấn ông Hoàng Anh Giang – Phó Giám đốc Viện chuyên ngành Kết cấu công trình xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng, về những điểm mới của quy chuẩn này.

Ông Hoàng Anh Giang – Phó Giám đốc Viện chuyên ngành Kết cấu công trình xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng.

PV: Xin ông cho biết kết quả đánh giá thực tiễn việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD?

Ông Hoàng Anh Giang: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình được Bộ Xây dựng ban hành lần đầu tiên vào năm 2010 với mã số QCVN 06:2010/BXD. Ngay sau khi được ban hành, quy chuẩn này đã được áp dụng vào thực tế và đã có những đóng góp nhất định trong việc đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình trong thời gian qua.

Bên cạnh đó cũng còn có một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu khắc phục, cụ thể như: các quy định của quy chuẩn QCVN 06:2010/BXD mới chỉ áp dụng cho nhà có chiều cao phòng cháy chữa cháy đến 75m (khoảng 25 tầng), có không quá 1 tầng hầm; hay những vướng mắc liên quan đến quy định sử dụng buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1, các vấn đề liên quan đến thuật ngữ…

Từ thực tế đó, Bộ Xây dựng đã có chỉ đạo triển khai soát xét QCVN 06:2010/BXD. Nhiệm vụ này đã hoàn thành với việc ban hành QCVN 06:2020/BXD kèm theo thông tư số 01/2020/TT-BXD ngày 6/4/2020 thay thế cho QCVN 06:2010/BXD. QCVN 06:2020/BXD đã bổ sung một số quy định mới nhằm tháo gỡ những vướng mắc gặp phải trong việc áp dụng QCVN 06:2010/BXD, ví dụ giải pháp chống nhiễm khói cho cầu thang bộ, quy mô nhà và những điều kiện kỹ thuật để cho phép nhà có một lối ra thoát nạn, cấp nước chữa cháy, quy định kỹ thuật đối với thang máy chữa cháy… và đặc biệt là đã bổ sung các quy định về an toàn cháy đối với nhà cao trên 50 m đến 150 m hoặc nhà có 2 đến 3 tầng hầm.

Sau khi được ban hành và chính thức có hiệu lực, QCVN 06:2020/BXD đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan quản lý về PCCC, về xây dựng, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà sản xuất cung cấp sản phẩm có yêu cầu đảm bảo an toàn cháy… Bộ Xây dựng, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, giới thiêu, tập huấn về nội dung của quy chuẩn này ở cả 3 miền, bản thân một số đơn vị tư vấn, chủ đầu tư cũng đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn riêng cho đội ngũ kỹ sư của mình để nắm bắt và áp dụng các quy định của quy chuẩn.

Điều này cho thấy việc phổ biến, tiếp nhận và áp dụng quy chuẩn đã được thực hiện một cách hết sức nghiêm túc. Qua công tác tập huấn, phổ biến QCVN 06:2020/BXD đã ghi nhận nhiều thắc mắc đề nghị giải thích hoặc ý kiến phản ánh về những điểm còn tồn tại cũng như khó khăn khi áp dụng quy chuẩn, đa số các ý kiến xuất phát từ việc chưa hiểu rõ các thuật ngữ, khái niệm hoặc quy định kỹ thuật trong quy chuẩn.

PV: Xin ông cho biết cụ thể những điểm mới của các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN06:2021/BXD là gì?

Ông Hoàng Anh Giang: Qua việc ghi nhận các ý kiến phản hồi từ thực tế, nội dung QCVN 06:2020/BXD đã được rà soát để hoàn thiện hơn và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, ngoài những hiệu đính về lỗi chế bản, thì một số điểm mới quan trọng của QCVN 06:2020/BXD gồm: làm rõ một số thuật ngữ như “nhà hỗn hợp”, “chiều cao phòng cháy chữa cháy”; tích hợp các quy định về an toàn cháy của nhà chung cư từ QCVN 04:2019/BXD; diễn đạt lại một số điều cho rõ ràng, dễ hiểu và đúng theo quy định trình bày văn bản pháp quy như tên gọi của một số loại nhà, công trình, quy định kỹ thuật đối với các đường ống dẫn không khí và đoạn ống góp của hệ thống bảo vệ chống khói hay các đường dây điện và cáp điện trong nhà cao tầng; điều chỉnh quy định về giới hạn chịu lửa đối với các bộ phận của nhà cao trên 50 m đến 150 m; bổ sung các chú thích trong Phụ lục F về giới hạn chịu lửa danh định của một số cấu kiện, bộ phận nhà để làm rõ hơn nguyên tắc cũng như phạm vi áp dụng của phụ lục này; làm rõ phạm vi bố trí các phòng lưu bệnh nhân trong nhà hỗn hợp của bệnh viện và điều kiện kỹ thuật để được phép bố trí các gian phòng cho bệnh nhân là trẻ em dưới 7 tuổi ở các tầng cao hơn (theo kiến nghị của Bộ Y tế).

Những bổ sung, điều chỉnh nêu trên cũng xuất phát từ mong muốn có được sự thống nhất về thuật ngữ, quy định giữa các văn bản pháp quy khác có liên quan, ví dụ QCVN 04:2021/BXD về nhà chung cư, các Nghị định của Chính phủ mới ban hành như Nghị định số 136/2020/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng thi công và bảo trì công trình.

PV: Vậy, ông có lưu ý, khuyến nghị gì cho các đối tượng khi áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này?

Ông Hoàng Anh Giang: Nội dung quy chuẩn liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề đảm bảo an toàn cháy (kiến trúc, vật liệu, kết cấu, thông gió thoát khói, trang thiết bị… kể cả vấn đề về tổ chức). Tuy nhiên, do tính chất là một tài liệu quy chuẩn nên chủ yếu chỉ đưa ra các quy định kỹ thuật chứ không đi sâu vào những nội dung mang tính hướng dẫn hoặc giải pháp kỹ thuật. Điều này đòi hỏi người sử dụng nghiên cứu kỹ các nội dung của quy chuẩn, đồng thời cần có sự linh động và chủ động tìm hiểu, tham khảo thêm các tiêu chuẩn thiết kế, tài liệu hướng dẫn thiết kế liên quan đến từng khía cạnh chuyên môn để đề xuất các giải pháp kỹ thuật vào hồ sơ thiết kế nhằm vừa đáp ứng được quy định của quy chuẩn nhưng cũng phù hợp với các điều kiện kinh tế, kỹ thuật cụ thể của mỗi dự án.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Nga

To Top