Điện ảnh trong mắt ai?

Nếu bạn hỏi rằng cách tốt nhất để tự đâm đầu vào chỗ chết là gì thì Lars Von Trier sẽ vui lòng trả lời bạn rằng: đơn giản thôi, bạn chỉ cần bước vào một rạp chiếu phim, ngồi gần một khán giả có vẻ rất chăm chú, và bắt đầu ba hoa chích chòe về đủ thứ trên đời. Đảm bảo với bạn, chưa đầy năm phút sau bạn sẽ bị anh ta hành hung không chút xót thương.

Đó cũng là nội dung của Những sự chiếm đóng, bộ phim ngắn dài 3 phút của nhà làm phim Đan Mạch Lars Von Trier để tri ân điện ảnh. Vẫn đẫm máu, hung tợn, quá khích và bất chấp đạo lý như những tác phẩm khác của ông mà ta đã quen thuộc từ lâu, Những sự chiếm đóng giống như một lời thề trung thành tuyệt đối của một cận vệ với vị chủ nhân tối thượng, một lời đe dọa với tất cả những kẻ nào định xớ rớ phạm tới điện ảnh và sự thuần khiết của nó sẽ không được yên thân.

Cảnh trong phim ngắn của Trương Nghệ Mưu thuộc chùm phim "Điện ảnh với riêng mỗi người".

Với những người yêu điện ảnh, những ngày qua thật đẹp. Một năm sau khi buộc phải hủy bỏ vì dịch bệnh, Liên hoan phim Cannes trở lại nô nức và dù vẫn chưa thể hoàn toàn khôi phục thời hoàng kim, nó vẫn nhắc ta nhớ đến câu nói của nhà biên kịch John Milius: "Nỗi đau là tạm thời, điện ảnh là vĩnh viễn".

Một dịp như thế thật hoàn hảo để xem lại “To Each His Own Cinema” - Điện ảnh với riêng mỗi người, một dự án nhằm kỷ niệm 60 năm Liên hoan phim Cannes vào năm 2007 và trên hết, để "bày tỏ tình yêu cùng xine", bao gồm 34 bộ phim ngắn được thực hiện bởi 36 đạo diễn đương đại quan trọng bậc nhất đến từ nhiều nền điện ảnh lớn nhỏ trên thế giới.

Nếu như với Lars Von Trier, điện ảnh tựa như vị hoàng đế tối cao thì với đạo diễn Nhật Bản Takeshi Kitano, điện ảnh như một hố đen nuốt chửng thời gian, hố đen ấy nằm hờ hững bên lề đường để ta có thể tạt ngang qua những khi muốn lãng quên mọi thứ. Trong bộ phim ngắn “Một ngày tốt lành của Kitano”, một người đàn ông đạp xe tới một rạp chiếu bóng giữa miền thôn quê khi trời còn rạng, và bất chấp người nhân viên điều chỉnh máy chiếu vụng về khiến những cảnh phim thay đổi liên tục thành một mớ tung xòe, người đàn ông vẫn kiên tâm ngồi đó, và chỉ chịu ra về như một kẻ mất hồn khi vầng dương dần tắt phía xa xa, dù chiếc xe đạp đã không còn ở đó nhưng ông cũng chẳng nhận ra.

Điện ảnh có thể là một thế giới song song nữa chứ. Trong cái rạp chiếu bóng kín bưng kia, dường như có một lịch sử khác vận hành, cô lập, đóng kín, cắt đứt với mọi ràng buộc của hiện thực. Như cách mà những đứa trẻ còi cọc ở Congo trong bộ phim ngắn “Chiến tranh trong hòa bình” của Wim Wenders dán mắt vào chiếc màn chiếu bé tí xíu nơi ngôi nhà lụp xụp muốn sụp xuống tới nơi để xem phim, và đó mới chỉ là một năm sau khi quê hương chúng vừa kết thúc 10 năm nội chiến, 30 năm chế độ độc tài, 100 năm thực dân đô hộ, khiến 5 triệu người bỏ mạng; như cách những công nhân nhếch nhác của một nhà máy ở Phần Lan trong phim ngắn “Xưởng đúc của Aki Kaurismki” ngồi nhồm nhoàm ăn uống và giải lao xem một bộ phim câm của anh em Lumìere trước khi trở lại ca làm vất vả, chẳng cần biết gì về bóc lột hay tư bản hay những phong trào giải phóng con người; hay như cách những người phụ nữ Hồi giáo Iran trong “Romeo của tôi ở đâu”? của cố đạo diễn Abbas Kiarostami rấm rứt khóc cho số phận của đôi tình nhân bất hạnh trên màn bạc mà quên mất số phận của chính họ cũng thật đáng buồn và đáng khóc.

Poster chùm phim "Điện ảnh với riêng mỗi người" cùng tên 36 tác giả tên tuổi của ngành điện ảnh.

Điện ảnh là như vậy đấy, nó cho ta ướm mình vào vai kẻ khác, cho ta vượt ra ngoài giới hạn của cái tôi hẹp hòi và chật chội và trong giây lát thanh lọc linh hồn ta. Hình ảnh cô gái trong “Bóng tối” (bộ phim ngắn của anh em Jean-Pierre và Luc Dardenne) ngồi giữa rạp phim với đôi mắt đẫm lệ, vươn tay ra có lẽ để tìm một cái giấy ăn nhưng lại vô tình chộp được tay kẻ mà cô không hay là tên trộm đang móc túi mình. Không, cô không rú lên hoảng loạn vì tên trộm, cô thậm chí còn chẳng để ý đó là một tên trộm nữa, thay vì thế, cô đưa tay kẻ ấy áp vào má mình - một hình ảnh mang sức mạnh vô kể về điện ảnh - ta bị lút mình trong ánh sáng phả ra từ màn ảnh rộng, ta không còn là chính ta nữa mà ta sống một cuộc đời khác, một cuộc đời đau đớn hơn bội phần mà cũng lộng lẫy hơn bội phần, ta mất cảnh giác với mọi hiểm nguy thực tế nhưng cũng chính giây phút thoát hồn đó khiến ta trở nên bất khả xâm phạm, không một nỗi đau có thật nào hủy hoại được ta.

Dù thế, điện ảnh không chỉ là câu chuyện của những kẻ không quen biết. Điện ảnh là câu chuyện của người xem nó, điện ảnh khơi dậy những phần đời đã mất hay phần khó nói nhất trong khán giả. Một người xem phim có thể coi bộ phim thành như chiếc xe ngựa quá giang đưa ta tới đảo ký ức của riêng mình, như anh chàng trong bộ phim của đạo diễn lừng danh Vương Gia Vệ ngồi trong rạp một mình, ăn một trái quýt chín và dần đắm chìm trong hồi tưởng về những giờ phút say đắm nhất của mối tình xưa. Một người xem phim cũng có thể làm chủ bộ phim, như một tác giả thứ hai, bằng cách diễn giải nó theo cách của mình, như người đàn ông trong “Buổi hẹn hò cuối” của Bille August đã dịch lời thoại tiếng Đan Mạch cho một cô gái ngoại quốc thành những câu yêu thắm thiết.

Điện ảnh là giấc mơ hoang đường thời thơ bé. Với Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca, nhớ điện ảnh là nhớ những ngày chạy theo những chuyến xe chiếu phim lưu động nơi nông thôn nghèo khó. Với Thái Minh Lượng, nhớ điện ảnh là nhớ về bà, người bà vào những đêm trăng dắt ông đi xem phim muộn trong những rạp chiếu cũ mèm xập xệ, nồng nặc mùi khói thuốc và mua cho ông những xâu lê mát rượi... Bà cũng sẽ ăn lê, và chia sẻ miếng lê cho một vị khách không quen ngồi phía sau mình. Đến lúc khi bà không còn nữa, những đêm trăng sáng, cả nhà ông vẫn đi xem phim, vẫn dành một ghế cho chiếc ảnh thờ bà, rồi mặc bản thân trôi trong một thế giới mà không ai xác định nổi là buồn hay vui, là mơ hay thật. Nhưng điện ảnh cũng là gậy chống cho tuổi già để họ dù nhăn nheo đến mấy vẫn có thể sống hết mình như câu chuyện của một phụ nữ luống tuổi do nữ tài tử Jeanne Moreau thủ vai trút hết nỗi lòng với một khán giả trong rạp chiếu phim ở 3 phút của đạo diễn Theo Angelopoulos.

Và đừng nghĩ điện ảnh chỉ là luẩn quẩn trong những cái nhìn. Đúng, điện ảnh là nghệ thuật thị giác, nhưng nó đã vượt xa võng mạc bởi có lẽ những gì thiết yếu nhất thì vô hình với đôi mắt. Trong “Anna” của Alejandro González Íirritu, một phụ nữ mù lòa vẫn vào rạp chiếu, vẫn lặng người đi khi nghe người bạn trai kể cho cái kết của một bộ phim, và khi dõi ánh mắt trống rỗng vào cõi tối om, cô khóc như thể cả bộ phim đã chiếm cứ lấy cô, đã nhập vào cô trọn vẹn.

14 năm đã qua, trong số 36 vị đạo diễn trên kia, đôi người đã chết, đôi người còn hiện diện. Những nhân tình của điện ảnh đến và đi, nhưng điện ảnh thì còn mãi. Và xem lần lượt những thước phim đẹp như những lá thư tình ấy, ta bỗng nhận ra điện ảnh rất giống với tình yêu, và hẳn, giống với cuộc đời. Chúng đều là những danh từ quá lớn lao để tìm được một tính từ nào minh xác có thể sánh vai cùng chúng, bởi chúng có thể cùng một lúc ngọt ngào và cay đắng, chân thật và mơ màng, long lanh và u tối, dịu dàng và dữ dội, nhỏ nhẹ và bao la. Rốt cuộc thật khó nói ta mê man hơn khi xem cô bé Marie ôm chú lừa trong “Au Hasard Balthazar” hay khi xem một nụ hôn "như thể là lần cuối" giữa Ilsa và Rick trong Casablanca, và thật khó để nói trí óc ta được kích thích nhiều hơn khi xem Charlie Chaplin châm biếm thế giới nhốn nháo quanh mình hay xem những nhân vật của Jean-Luc Godard thở ra những câu thoại đầy tính triết học hiện sinh phức tạp.

"Cuộc đời là một hộp chocolate, con chẳng bao giờ biết mình sẽ lấy được vị nào", người mẹ trong Forrest Gump đã nói với cậu con trai như thế. Giả như thay từ "cuộc đời" bằng "điện ảnh" thì mệnh đề ấy vẫn cứ đúng đó thôi.

To Top