Điện ảnh về đề tài gia đình: Cảm hứng và thách thức

Dù không phải là đề tài mới, nhưng thời gian gần đây, các bộ phim về gia đình liên tục gây chú ý trong đời sống điện ảnh Việt. Một phần bởi chúng gần gũi, dễ lay động, một phần do dịch Covid-19 ảnh hưởng, khán giả muốn tìm đến những câu chuyện về sự gắn kết, chia sẻ trong gia đình. Song, làm sao để tạo cảm hứng, đổi mới ở đề tài muôn thuở này là thách thức không nhỏ đối với người sáng tạo.

Một cảnh trong phim “Trở về giữa yêu thương” khai thác tâm tư, tình cảm của người cao tuổi trong gia đình ở thời hiện đại.

Đa sắc màu, dồi dào chất liệu

Tạo được đột phá lớn nhất trong thời gian gần đây, đó là phim truyện điện ảnh “Bố già” do nghệ sĩ Trấn Thành viết kịch bản, đồng đạo diễn và là diễn viên chính. Phim cán mốc 400 tỷ đồng sau 1 tháng chiếu rạp (ra mắt đầu tháng 3-2021) và trở thành phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Bộ phim về đề tài gia đình rất đời thường, với bối cảnh một xóm lao động bình dân, xoay quanh cuộc sống gia đình của ông Ba Sang với những mâu thuẫn cha con, anh chị em...

Nghệ sĩ Trấn Thành tâm sự: "Phim “Bố già” lấy tư liệu từ cuộc sống hằng ngày, những ký ức tuổi thơ trong gia đình của mình nên dung dị, gần gũi…”. Hiện nay, phim “Bố già” đang chiếu tại các rạp ở Malaysia, Singapore và cũng tạo nên những suất chiếu “cháy vé”.

Tuy không thắng lớn như “Bố già”, song một số phim điện ảnh khai thác đề tài gia đình cũng tạo được sức “nóng” trong thời gian gần đây. Có thể kể đến phim “Gái già lắm chiêu V”, phản ánh những mâu thuẫn trong gia đình có 3 chị em gái; hay phim “Lật mặt 5: 48h” là cuộc đương đầu gay cấn để bảo vệ gia đình của nhân vật chính. Trước đó, phim “Nắng 3: Lời hứa của cha”, “Hạnh phúc của mẹ”… cũng giúp người xem cảm nhận sự ấm áp của gia đình.

Song, tạo nên những “cơn sốt” liên tiếp với đề tài này là các phim truyền hình: “Về nhà đi con”, “Đừng bắt em phải quên”, “Hướng dương ngược nắng”, “Trở về giữa yêu thương”… và mới nhất là “Hãy nói lời yêu”, “Hương vị tình thân”. Mỗi phim khai thác một sắc thái khác nhau, như “Trở về giữa yêu thương” nhấn vào tâm tư, tình cảm của những người cao tuổi trong gia đình, “Đừng bắt em phải quên” hé mở cuộc sống gia đình bề ngoài tưởng hạnh phúc nhưng lại chứa đựng những rạn nứt bên trong…

Vừa lên sóng tuần qua, bộ phim truyền hình dài hơn 100 tập “Hương vị tình thân” đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt về hành trình đi tìm tình thân của một cô gái trẻ. Với cách khai thác nhân vật rất đời, đi vào chiều sâu tâm lý, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Danh Dũng - người từng làm nên “cơn sốt” “Về nhà đi con”, tiếp tục hứa hẹn tạo nên một bộ phim truyền hình “bom tấn” cho điện ảnh Việt về đề tài gia đình.

Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) Lê Mạnh nhận xét, mảng đề tài về gia đình luôn tạo cảm hứng cho người làm phim bởi chất liệu dồi dào, góc nhìn đa dạng, nhiều đối tượng khán giả quan tâm.

Là người yêu thích điện ảnh Việt, chị Lương Thu Hà (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Những bộ phim về đề tài gia đình gần đây nhiều màu sắc, hấp dẫn, khiến khán giả Việt quay trở về với phim nội. Bản thân tôi cũng có thêm những trải nghiệm, bài học về đời sống gia đình thời hiện đại”.

Một cảnh trong phim “Bố già” khai thác khía cạnh đời sống của gia đình lao động bình dân.

Thách thức đổi mới sáng tạo

Tuy mảng đề tài gia đình chưa bao giờ hết “nóng”, nhưng để tiếp tục làm ra bộ phim hay, chinh phục và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả, không hề đơn giản. Điều này đòi hỏi những người liên quan phải luôn nuôi dưỡng cảm hứng và hướng đến sự đổi mới sáng tạo. Theo Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Danh Dũng, phim về đề tài gia đình có lợi thế là đối tượng khán giả đa dạng, song đây cũng là thách thức, đòi hỏi các nhà làm phim phải chú ý khai thác chân thực, giản dị, gần gũi từng nhân vật ứng với độ tuổi, hoàn cảnh của họ và quan trọng là tạo ra sự ấm áp trong từng phân cảnh.

Tham gia diễn xuất trong các phim “Đừng bắt em phải quên”, “Hương vị tình thân”, Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh cho biết, diễn viên cũng cần thử thách mình, chọn những vai diễn mang màu sắc mới để sáng tạo, phát huy tài năng diễn xuất, gây ấn tượng với khán giả. Như trong phim “Hương vị tình thân”, Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh gây bất ngờ với hình ảnh bà mẹ chồng đáo để, sắc sảo, ham muốn kiểm soát gia đình, sẵn sàng mắng mỏ, chì chiết con dâu… Để thể hiện tròn vai, nữ diễn viên gạo cội đã phải quan sát, tích lũy nhiều từ cuộc sống.

Ở góc nhìn rộng hơn, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng, phim về tình thân gia đình ngày nay đòi hỏi người làm phim phải chịu dấn thân, đào sâu, kết tinh nhân vật từ “muối” của đời sống thì mới tạo ra một tác phẩm đậm bản sắc Việt, chạm tới trái tim khán giả. Nền điện ảnh có nhiều phim thuần Việt, khai thác thấu đáo, kỹ lưỡng những giá trị văn hóa bản địa mới có thể phát triển và bước ra thế giới.

Còn Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Điện ảnh Hà Nội nhận định, khán giả ngày nay rất tinh tường và yêu cầu cao. Phim về đề tài này không nên bó hẹp trong chuyện mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, bố mẹ - con cái, chồng - vợ..., mà phải mở rộng, gắn gia đình với những vấn đề thời sự đang được quan tâm, đặc biệt là truyền đi những thông điệp nhân văn về giá trị của tình thân, gia đình. Hội Điện ảnh Hà Nội luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các tác giả sáng tác kịch bản phim về đề tài gia đình đáp ứng nhu cầu điện ảnh hiện nay; đồng thời giới thiệu, kết nối với các đơn vị sản xuất để đưa những kịch bản chất lượng lên màn ảnh.

Thụy Du

To Top