Doanh nhân Tạ Quang Huy: 'Tôi chọn phục vụ khách cầm túi 20.000 đô'

Sở hữu bộ sưu tập 17 xe sang, doanh nhân Tạ Quang Huy, luật sư di trú người Việt hàng đầu tại Australia cho biết cá nhân ông cũng chọn phục vụ 5% những người Việt giàu có.

Tiếp phóng viên Zing vào một buổi chiều trong dịp lễ Easter, doanh nhân Tạ Quang Huy, ông chủ công ty di trú hàng đầu của người Việt tại Australia, cho biết đây là khoảng thời gian rảnh hiếm hoi trong lịch trình dày đặc. Cách đó vài ngày, ông vừa có chuyến công tác tại thành phố Sydney, và qua tuần sẽ lên đường qua Adelade.

Vị doanh nhân 45 tuổi này là fellow người Việt duy nhất của Viện Di trú Australia.

Vẻ ngoài của Tạ Quang Huy khiến dễ nhầm lẫn là một ca sĩ nhạc rock, với phong cách trẻ trung và mái tóc nghệ sĩ.

Ngay tại trụ sở của Tạ Quang Huy và cộng sự, bên cạnh những tủ sách lớn, 2 khu làm việc dành cho mảng di trú và hình sự, ông cũng sở hữu một phòng thu âm riêng, phục vụ thú vui âm nhạc lẫn các chương trình postcast về di trú.

- Covid-19 ảnh hưởng ra sao đến hoạt động doanh nghiệp của ông, khi Australia đóng biên 1 năm nay mà khách hàng của công ty đa phần là người Việt?

- Công ty của tôi có chịu tác động bởi Covid-19 nhưng là tốt chứ không xấu. Từ khi Covid-19 xảy ra, hoạt động của công ty đã tăng gấp 3 lần.

Công ty tôi tập trung vào các hồ sơ mang tính phức tạp về di trú: Họ xin hồ sơ với Bộ Di trú và bị từ chối, họ sẽ theo tiếp phần khiếu nại và đó là lúc công ty đồng hành với khách hàng.

Vì Covid-19, một mặt, các thân chủ của công ty ở Việt Nam không thể qua Australia, nhưng mặt khác, những người khách đã và đang sinh sống trong nước lại đối mặt với đổ vỡ hôn nhân nhiều hơn. Đây là lúc chúng tôi được khách đặt niềm tin.

Hơn nữa, công ty tập trung một mảng chính là đoàn tụ gia đình. Trong mảng này, mỗi năm Chính phủ Australia chỉ cho trên dưới 40.000 visa. Riêng năm 2020, Chính phủ Australia tăng 85% con số nhập cư theo diện này, lên 72.300. Đó là một trong những lý do giúp Tạ Quang Huy và cộng sự phát triển gấp 3 lần trong năm qua.

- Khởi nghiệp 20 năm trước, ông thấy thị trường này thay đổi ra sao trong 10 năm?

- Hơn 20 năm trước, cả Australia có chưa đến 10 đầu ngón tay những người Việt làm mảng di trú. Tôi thuộc nhóm thế hệ thứ 2, bắt đầu từ cuối thập niên 1990. Từ năm 2015 trở đi là thế hệ thứ 3.

Lúc mới vào nghề, tôi cũng không nhiều việc để làm, vì chưa có đủ độ vững chắc và tin cậy chưa nhiều. Hơn nữa, tôi tập trung vào lĩnh vực rất chuyên, nên cũng không có nhiều nhu cầu.

Sau 20 năm, sự cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng. Thị trường di trú của Australia, theo tôi, đã bão hòa. Tôi nghĩ ai muốn làm về mảng di trú này thì nên có sự chuyên môn, chỉ tập trung một thứ thay vì cái gì cũng làm. Chỉ những người chuyên sâu vào một lĩnh vực, đảm bảo duy trì một lượng khách lớn, đều đặn, mới tồn tại được.

- Sự khác nhau của 3 thế hệ người Việt làm về di trú tại Australia thế nào, thưa ông?

- Thế hệ đầu tiên đa phần không qua trường lớp về luật hay khóa về di trú. Họ vào ngành di trú bởi có vốn tiếng Anh tốt, sống ở một khu dân cư đông người Việt, ở đó có người chuẩn bị tranh cử. Những nghị viên khi đó nói rằng tôi sẽ ký cho anh bằng di trú để hành nghề. Nói cách khác, thời điểm đó, đây là công cụ để thu gom phiếu bầu cho một chính trị gia. Số ít khác đã tốt nghiệp trường luật, có làm về di trú nhưng không chuyên sâu ngành này.

Thế hệ thứ 2 là thế hệ của tôi. Tôi thiên về nghiên cứu nhiều hơn, bắt đầu bằng sự hứng thú với một ca dẫn độ người Mexico. Tư duy thời điểm đó của tôi là tốt nhất mình hãy làm những gì không ai làm. Tôi chọn cái khó cho mình.

Thế hệ thứ 3 gắn với số lượng lớn du học sinh Việt Nam qua Australia vào những năm 2012-2013. Những người tham gia ngành này thế hệ thứ 3 đều là du học sinh qua đã định cư và họ chọn đây là nghề kiếm cơm.

- Khi hỏi nhiều người Việt tại Australia, câu đầu tiên nhận được khi nói đến Tạ Quang Huy và cộng sự là “đắt lắm”. Thực tế, mức phí dịch vụ của công ty ông gấp 5-10 lần hầu hết doanh nghiệp cùng ngành. Ông nói sao về điều này?

- Chị không phải người đầu tiên nói với Huy về điều này. Tuy nhiên, ai nói Tạ Quang Huy đắt bởi họ chưa từng làm việc với tôi thôi. Mẹ tôi thường có câu “đắt xắt ra miếng”. Nếu đắt mà được việc thì thực ra là nó rẻ. Giá thấp mà không được việc mới là rất đắt đấy chứ.

Chúng tôi là công ty cung cấp dịch vụ mà lựa chọn dịch vụ thì mỗi người có một phân khúc riêng. Có thể nói, chúng tôi cung cấp dịch vụ cho những người nằm trong nhóm 5% giàu có nhất. Những khách hàng đó cực kỳ khó tính, luôn đòi hỏi: Kết quả, kết quả và kết quả. Với tôi, kết quả cũng là tất cả.

Khách hàng có quyền lựa chọn dịch vụ thông thường hay dịch vụ VIP. Tương tự như việc một người có 20.000 AUD, họ có thể chọn mua chiếc túi trị giá 200 AUD và giữ 19.800 AUD còn lại trong chiếc túi 200 AUD, nhưng cũng có khách hàng sẵn sàng bỏ 20.000 AUD cho chiếc túi xa xỉ và không còn xu nào trong túi cả. Đó là lựa chọn theo sở thích và mục đích sống của mỗi người.

- Vị khách nào mà ông chọn để phục vụ, người đeo túi 20.000 AUD không có tiền hay vị khách cầm túi 200 AUD và có 19.800 AUD trong ví?

- (Cười) Tất nhiên tôi chọn khách cầm túi 20.000 AUD. Khách tới văn phòng của chúng tôi, họ xác định chắc chắn phí đắt, nhưng điều đó phù hợp với lựa chọn của họ: Muốn được chúng tôi chăm sóc, và an tâm rằng kết quả sẽ tốt hơn nhiều. Các dịch vụ ngoài kia vẫn đang làm tốt, nhưng họ không có những thứ mà chúng tôi làm.

Đương nhiên, nhóm khách hàng này chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ 5%. Tuy nhiên, tôi tự hào về lựa chọn hướng đi riêng này, dù có mạo hiểm.

Chúng tôi đồng hành với khách hàng hơn là một giao dịch. Khách đến với chúng tôi, tôi không chỉ nhìn vào nhu cầu ở một thời điểm đó mà còn nhìn xa hơn, về nhu cầu tương lai. Có chữ tín rồi, khách hàng mới quay lại hỏi mình, kể từ việc nhỏ nhất.

Đơn cử, một khách hàng của chúng tôi mới mua một nông trại hơn 200 ha, họ liên lạc nhờ tư vấn chọn trường học phù hợp cho cô con gái 14 tuổi. Đây không phải lĩnh vực chuyên môn nhưng là một người cha của cô con gái 15 tuổi, tôi chia sẻ trải nghiệm cá nhân với khách. Khi đó, chúng tôi không chỉ là người cố vấn và khách hàng, mà trở thành bạn bè, người đồng hành. Tôi tin chữ tín đó đẻ ra nhiều thứ.

- Chọn phục vụ 5% những người giàu có trong xã hội có phải lý do khiến ông luôn xuất hiện trên mạng xã hội với hình ảnh sang chảnh, xe sang và hàng hiệu?

- Không phải vậy đâu. Vốn dĩ Huy là người rất thích thời trang, đồng hồ, và mê xe.

Trong cuộc sống, mình cần có những khoảnh khắc cho riêng mình. Đồng nghiệp của Huy có người có tiền thích mua nhà, hay kiếm tiền rồi đi đỏ đen, còn tôi lại không. Huy chỉ mê xe, thời trang, đồng hồ và dắt vợ con đi du lịch. Tôi xem đó là những thứ phù hợp với bản thân nhất.

- Ông tiết lộ một chút về bộ sưu tập xe và thú chơi xe của mình?

- Khi 13-14 tuổi, tôi là một tay đua chuyên nghiệp, nhưng là đua xe máy. Huy thường trốn bố mẹ đi đua. Tôi thích đua xe chứ không hẳn thích tốc độ.

Sau đó thì Huy chuyển qua đua ôtô, off-road, trên những cung đường khác nhau: sa mạc, rừng, núi… Tôi cũng thích ngắm nhìn những chiếc xe.

Tuy nhiên, thời xưa, gia đình cũng không quá khá giả, không đủ tiền để mua siêu xe. Niềm đam mê của Huy được thỏa mãn ban đầu với bộ sưu tập những chiếc xe mô hình nho nhỏ. Tôi hứa với bản thân một ngày nào đó, khi mình có đủ khả năng, sẽ mua đúng 5 chiếc xe mô hình đó. Giờ tôi có thể khoe với bạn tôi đã làm được, biến ước mơ thuở bé thành hiện thực.

- 5 chiếc xe đó là dòng nào vậy, thưa ông?

Một trong 5 chiếc đó là xe Porsche 993. Có người thắc mắc sao tôi lại giữ chiếc xe này lâu như vậy. Thực ra nó gắn giá trị kỷ niệm. Có người cũng gợi ý bán, nhưng tôi thì nghĩ bán rồi, tôi cầm một cục tiền nhưng để làm gì? Tôi sẽ hối hận, vì nó là giấc mơ thuở xưa.

Đó cũng là lý do vì sao nhà của Huy có nhiều xe. Tôi mua để sưu tầm, để chơi, thỏa niềm đam mê, chứ không phải để bán.

- Lần đầu tiên ông hiện thực hóa giấc mơ biến ôtô đồ chơi thuở bé thành đồ xịn là lúc ông bao nhiêu tuổi?

Đó là năm 2004, khi tôi 27 tuổi. Lúc đó tôi mừng lắm, vì thực hiện được điều mình ước ao bao nhiêu năm. Suốt 2 ngày, tôi hầu như ngủ trong xe vì xúc động.

Đây cũng là điều tôi thường chia sẻ với các con: Trong cuộc sống, mình phải có mục tiêu và phấn đấu cho mục tiêu đó. Chẳng có gì từ trên trời rơi xuống hoặc ai đó mang lại cho bạn cả. Tôi tin vào việc mình làm được thì cũng phải chơi được.

- Hiện tại ông sở hữu bao nhiêu xe?

(cười) 17 chiếc.

- Rồi chỗ nào để ông giữ xe?

- Thực ra là không đủ chỗ đâu. Garage của Huy hiện tại chỉ chứa được 5 chiếc, còn xe khác thì Huy mang gửi, ở nhà mẹ, gửi kho và đậu ngoài đường. Cũng xót lắm, nhưng cũng sớm thôi, Huy đang trong quá trình để thực hiện ước mơ xây ngôi nhà chứa được 24 chiếc ôtô và Huy cũng sẽ ngưng tại con số 24 chiếc này.

- Vì sao lại là con số 24?

- Vì năm 24 tuổi gắn với dấu mốc cuộc đời Huy. Thời điểm đó, từ đỉnh thành công, Huy đã rớt xuống dốc và suýt phá sản.

- Ông có thể chia sẻ thêm về trải nghiệm “suýt phá sản” này?

- Thời điểm đó, tôi cũng đã vào nghề được vài năm. Trong kinh doanh luôn có mạo hiểm. Tôi đã mạo hiểm đầu tư rất nhiều tiền vào xây dựng hệ thống, nhưng sau đó nó sụp đổ. Điều này đã đẩy tôi vào thế chuẩn bị phá sản. Tiền tài mất hết, và tôi phải làm lại từ đầu.

Cũng năm này, tôi hiểu rằng những thứ mình xây dựng và bị mất rồi vẫn có thể làm lại được khi mình đủ bản lĩnh. Tôi đã mất gần 1 năm không làm gì, dành thời gian suy nghĩ để tính toán con đường tương lai, bắt đầu lại từ đầu. Hiện công ty có hơn 10 chi nhánh ở Australia và Việt Nam.

Tôi từng thành công, vấp ngã và không cho phép mình ngã thêm một lần nữa.

- Vấp ngã ở tuổi trẻ cũng là một lợi thế phải không, thưa ông?

- Có lẽ vậy. Thời điểm đó, có thể mình ngông. Nhưng trong kinh doanh, nếu không ngông thì không phải là mình rồi. Nhưng nhờ trải nghiệm đó, mình bản lĩnh hơn.

- Trong cuộc đời làm về định cư, hẳn ông cũng từng gặp nhiều khách hàng từng vấp ngã, thậm chí là rơi vào vòng lao lý?

- Đúng vậy. Tôi thường nói với họ, trong kinh doanh, không có con đường trải thảm đỏ cho bạn. Ngay cả khi bạn đang đi trên con đường được trải thảm đỏ, bạn không bao giờ được quên đó chỉ là khởi đầu, bạn phải luôn không ngừng cố gắng.

Kiếm được một thứ trong tay rất dễ nhưng giữ được nó lại rất khó - tôi luôn nhắc mình và nói các bạn trẻ như vậy.

Đam mê chưa đủ, cần có chí hướng rõ ràng và cả vốn nữa. Ngay cả khi không may bạn mất vốn rồi, thì có vực dậy lại được hay không tất cả là nhờ chữ tín. Còn chữ tín, mình sẽ dần làm lại được, còn đã mất chữ tín thì bạn không còn giá trị nữa.

- Trở lại niềm đam mê xe, chiếc ôtô nào ông yêu thích nhất?

- Vậy để xem chiếc nào Huy ngồi trên đó nhiều nhất. Hiện tại có lẽ là chiếc Rolls Royce Cullinan, gắn bó với Huy hơn một năm. Chiếc xe ngồi thoải mái, mình dùng chạy xuyên tiểu bang nhiều lần.

Ban đầu, chiếc xe không phải mua cho Huy mà cho bà xã sau khi sinh em bé thứ 4. Chiếc xe này Huy đặt riêng từ hãng, nhập từ London, nên phải đợi khá lâu. Về đến nhà, vợ Huy bảo chiếc xe này sợ khó đậu vì kích thước lớn.

Chiếc xe này Huy đặt có khắc tên mình từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, không thể trả cho hãng. Tôi suy nghĩ mãi, quyết định chạy. Tính ra là cũng bị “ép duyên” đó (cười).

- Tôi để ý không chỉ xe mà rất nhiều vật dụng tại văn phòng làm việc đều được khắc tên ông. Ông có vẻ ý thức rất cao về cái tôi của mình?

- Kể ra cái tôi của Tạ Quang Huy khá lớn đấy, nhưng không phải cái tôi ngông cuồng. Tôi muốn giáo dục cho các bạn trong công ty rằng doanh nghiệp này được xây dựng dựa trên thương hiệu cá nhân.

- Vậy thương hiệu cá nhân Tạ Quang Huy gắn với điều gì?

- Tôi tốt tính và muốn hướng thiện. Tôi tin khi cuộc sống xuất phát từ thiện, mọi thứ xung quanh là lành. Còn khi bạn lúc nào cũng muốn nhanh, thì dễ tham và dễ thành thâm. Khi đó, rất khó để quay trở lại, hoặc đi lâu dài.

Trong kinh doanh, đã tốt thiện thì sẽ đi được đường dài. Còn nếu bạn chỉ muốn kiếm tiền nhanh, tìm mọi cách để kéo đồng tiền đến cho mình, bạn không đi được đường xa dù có thể thành công trước mắt.

- Bên cạnh mảng hôn nhân và đoàn tụ gia đình, tôi thấy ông cũng làm nhiều về mảng đầu tư, nhắm tới những người giàu Việt tại Australia. Ông có thể chia sẻ một chút về xu hướng này?

- Công ty xuất phát từ tầm nhìn của Huy là tập trung các hồ sơ về đoàn tụ gia đình. Mảng này chiếm 80-85%.

Mảng đầu tư tôi mới mở thêm thời gian ngắn gần đây, khi các doanh nhân muốn có chỗ nào đó VIP thực sự phục vụ họ.

Từ 2013, tôi đã bắt đầu làm nhiều với những cá nhân người Việt quan tâm đầu tư tại thị trường này. Họ đều có tài sản lớn. Những nhà đầu tư đó đi nhiều nơi tìm kiếm cơ hội và đến tuổi nhất định, họ muốn gửi gắm con cái sang các quốc gia khác học tập, sinh sống, và dễ thăm nom.

Xu hướng này đang tăng nhanh, đỉnh điểm là một năm trở lại đây, dù Covid-19. Nhu cầu của người Việt muốn định cư Australia theo diện đầu tư tăng mạnh. Một điểm khác biệt là các doanh nhân này tuổi còn rất trẻ, các doanh nhân thế hệ 7X, 8X rất đông.

- Kênh đầu tư nào được người giàu Việt chọn khi qua Australia đầu tư, thưa ông?

- Khách hàng của chúng tôi thường xuyên đầu tư vào các sân golf. Các nhà đầu tư trung bình thì thường chọn mua các lô đất, sau đó phân lô, xây dựng nhà cửa…

Các Việt kiều định cư 30-40 năm trước có phát triển nhưng không nhanh và mạnh như thế hệ sau này.

- Lượng nhà hàng Việt Nam hoặc thuộc chủ sở hữu của người Việt đang tăng nhanh có phải là hệ quả của làn sóng đầu tư này, thưa ông?

- Đó cũng là một trong những hình thức đầu tư của người Việt Nam. Cũng nhiều chủ doanh nghiệp từ Việt Nam đầu tư vào các nhà hàng, các lò bánh mì. Lĩnh vực ẩm thực của người Việt tại Australia hiện cũng phát triển mạnh.

Vài tuần gần đây, tôi chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam qua Australia đầu tư, mua bất động sản và chuyển đổi, ví dụ như xây trung tâm giữ trẻ. Công ty chúng tôi cũng cố vấn cho một số bạn đang triển khai dự án đó.

Đó là một mô hình hay. Bất động sản không chỉ giới hạn là nhà xưởng, kho, mà có thể là xây nhà trẻ cho thuê, hoặc bạn mua, san bằng để xây cây xăng và cho một công ty dầu khí thuê.

- Chúng ta nói nhiều về những người muốn sống và đang sống hợp pháp trên đất Australia. Tuy nhiên, tôi được biết rất nhiều khách hàng của ông là những người sống ở Australia và vi phạm pháp luật tại đây?

- Như tôi chia sẻ, tôi đến với nghề này xuất phát từ một vụ án liên quan dẫn độ tội phạm. Hồi đó, tôi thường xuyên ra tòa, nghe các vụ án hình sự. Tôi nghĩ hẳn ở Australia cũng có nhiều người có thể bị trục xuất. Nhưng thời điểm đó, người Việt mới đến cũng không nhiều, nói gì là trục xuất.

Ngày 6/9/2009, cuộc sống của Huy khá giả lên nhiều bởi Chính phủ Australia cho những người sống bất hợp pháp tại quốc gia này có thể hợp pháp hóa tình trạng sống của họ, có cơ hội định cư.

Với chính sách mới, nhiều người “chui” từ chỗ nào đó ra, cho biết họ sống bất hợp pháp, từng có án…

9-10 năm trước đó, tôi đã nghiên cứu về chống trục xuất tội phạm, xử lý vài trường hợp, nhưng khi Chính phủ Australia công bố chính sách mới, chỉ trong 3 tháng, tôi đã xử lý trên 100 trường hợp.

Năm 2012-2013, nhiều người Việt sang Australia, nhất là các sinh viên. Tới 2014, 2015, nhiều trong số này không còn khả năng tiếp tục đi học, đẩy họ vào góc bế tắc, chọn làm việc như trồng cần sa chẳng hạn. Vì thế, chúng tôi mở thêm nhánh mới, phát triển mạnh hơn. Hiện mảng chống trục xuất tội phạm người Việt tại Australia, Huy đã làm vài trăm đến 1.000 trường hợp, nhiều nhất trong các doanh nghiệp.

Việc này một mặt kiếm rất nhiều tiền cho công ty, nhưng mặt khác, nhiều người cũng chất vấn sao lại biện hộ, làm việc cho các tội phạm như vậy.

Tuy nhiên, luật pháp bên cạnh những điều khoản khô khan thì cũng có điều khoản nhân đạo. Khách hàng của Huy đều thừa nhận họ sai, nhưng họ sai một lần và Australia là quốc gia nhân đạo cao, cho họ cơ hội để sửa sai. Nhiều khách hàng cũ giờ đã có cuộc sống ổn định, có công việc thậm chí đầu tư nhiều và thành công.

- Cuộc sống của những "người rơm" mà ông tiếp xúc ra sao?

- Những người ở lậu đa phần qua Australia vào những năm 2012-2013. Không có giấy tờ, họ thường làm các công việc như bồi bàn (giờ giảm nhiều vì thi thoảng có các cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng), ngành nail, các ổ mại dâm, buôn bán trồng cần sa. Họ không còn gì để mất nên làm liều, kiếm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Đó thực sự là điều đáng buồn, nhưng họ không có nhiều lựa chọn mưu sinh.

- Còn c uộc sống cá nhân của Tạ Quang Huy thì sao? Ông cân bằng ra sao giữa vai trò doanh nhân bận rộn di chuyển liên tục với việc làm chồng và cha của 4 đứa con?

- Một ngày Huy làm việc 15 tiếng. Tuy nhiên, Huy luôn cố gắng dành nhiều thời gian cho con, và đứa con thứ 4 được Huy dành nhiều thời gian nhất. Khi 3 con đầu còn nhỏ, thời gian của Huy chủ yếu là những chuyến bay giữa các bang, Huy không thể ở một chỗ quá 10 ngày. Vì thế, thời gian dành cho con khó hơn.

Nhưng mình đã tạo thành nếp, suốt 20 năm qua, tối thứ 2 là dắt vợ đi xem phim. Các buổi tối, cả gia đình ăn cơm cùng nhau.

Thứ 7, mình dành thời gian cho con gái, lái xe hàng trăm km cho con đi học polo, trên đường cha con chia sẻ về cuộc sống tuần qua. Chủ nhật thì mình dành cho các cậu con trai.

Ai nói bận rộn không có thời gian cho vợ con chỉ là lý do thôi.

Phương Loan - Phượng Nguyễn

Ảnh - video: Hưng Đào

To Top