Đôi điều về phong cách ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (Kỳ cuối)

Ông Nguyễn Cơ Thạch không bao giờ áp đặt ý kiến của mình cho người khác. Mọi người đều có thể tranh luận với Bộ trưởng, miễn là có lập luận khoa học, ý kiến xác đáng...

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, TS. Vũ Dương Huân và nghiên cứu viên cao cấp Lưu Đoàn Huynh tham dự Hội thảo khoa học do Viện ASEAN-ISIS Malaysia tổ chức tại Kuala Lumpur ngày 7/1994. (Ảnh: NVCC)

Thứ tư, phong cách làm việc khoa học

Trước đó, công tác nghiên cứu ở Bộ Ngoại giao chưa mang tính tổng hợp, chưa có cái nhìn tổng quan dài về lịch sử, rộng về không gian, chưa đi sâu vào bản chất các sự kiện, hiện tượng, chiều hướng để tìm ra quy luật.

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã vận dụng nhuần nhuyễn phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong nghiên cứu ngoại giao, tạo nền tảng cơ bản cho công tác nghiên cứu của ngành suốt những năm sau đó, cho tới tận ngày nay. Bộ trưởng luôn lưu ý cán bộ nghiên cứu “phải xuất phát từ quan điểm toàn diện, tổng thể”, “quan điểm lịch sử, tìm hiểu lịch sử của vấn đề, tìm hiểu quy luật phát triển của nó”[6].

Đại sứ Trần Huy Chương nhớ lại: “Anh tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ phương pháp luận Mác-xít, nắm phương pháp lịch sử, phương pháp logic, đồng thời, có quan điểm hệ thống, toàn diện, tổng thể và trên cơ sở lợi ích của các bên”[7]. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng rất quan tâm đến việc xây dựng “phương pháp làm việc khoa học và nghiêm túc”[8].

Ông say mê nghiên cứu, đọc rộng, đọc nhiều, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ. Ông nêu phương châm: Muốn đẩy mạnh công tác nghiên cứu thì người đứng đầu phải trực tiếp làm công tác nghiên cứu; nếu cán bộ lãnh đạo ngồi trên bờ, cầm que chỉ xuống ao, bảo anh em ngụp lặn thì chẳng đi tới đâu cả[9].

Năm 1974, ông còn tự mình viết một chuyên đề rất hay, còn nguyên giá trị về phương pháp làm chuyên đề khoa học và trình bày cho cán bộ nghiên cứu[10]. Ông luôn trăn trở về vấn đề phương pháp luận ngoại giao và dành công sức biên soạn chuyên đề “Phương pháp luận ngoại giao” (1986).

Ông còn trực tiếp sửa chữa các đề cương bài giảng (giáo trình) cho các lớp bồi dưỡng kiến thức về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại Việt Nam. Ông để lại 6 công trình khoa học đã xuất bản, đặc biệt là cuốn sách nổi tiếng “Thế giới trong 50 năm qua (1945-1995) và thế giới trong 25 năm tới (1996-2020)”.

Ông còn rất nghiêm khắc, đòi hỏi rất cao với bản thân và cán bộ của mình. Ông là tấm gương lớn cho các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam về say mê nghiên cứu khoa học, làm việc theo tinh thần khoa học, tự học, tự đào tạo. Nội dung của phương pháp làm việc khoa học theo Nguyễn Cơ Thạch là đam mê, độc lập suy nghĩ, sáng tạo, coi trọng phương pháp biện chứng, đào sâu, lật đi lật lại, tìm hiểu ngọn nguồn các vấn đề nghiên cứu, so sánh, đối chiếu, lưu ý các vấn đề lớn, không tràn lan, coi trọng công tác tư liệu và hiệu quả công việc, không câu nệ hình thức, hiệu quả là chính, nói đi đôi với làm….

Ông đặc biệt thích tranh luận. Đại sứ Trần Trọng Toàn viết: năng ghi chép, suy nghĩ, đối chiếu, phân tích, tranh luận... Ông thích bàn thảo, tranh luận vì tranh luận là con đường tiếp cận chân lý, tìm ra các thức tốt nhất giải quyết vấn đề [11].

Thứ năm, phong cách làm việc dân chủ

Ông có phong cách làm việc rất dân chủ, coi trọng tự do tư tưởng, luôn tôn trọng và tranh thủ ý kiến rộng rãi ý kiến của mọi người, dù là cán bộ lớn hay nhỏ, mới hay kỳ cựu. Trong trao đổi nghiên cứu, ông luôn khuyến khích động viên cán bộ trẻ chúng tôi phát biểu ý kiến cá nhân. Là Bộ trưởng song ông không bao giờ áp đặt ý kiến của mình cho người khác. Mọi người đều có thể tranh luận với Bộ trưởng, miễn là anh có lập luận khoa học, ý kiến xác đáng…

Thứ sáu, trả lời phỏng vấn báo chí vừa thông minh vừa sắc sảo thuyết phục và đôi khi dí dỏm, hài hước

Đấu tranh dư luận là một nội dung quan trọng của hoạt động ngoại giao. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có hàng trăm lần trả lời phỏng vấn các báo chí trong nước và quốc tế. Các trả lời báo chí của ông đã góp phần làm rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam liên quan đến các nước láng giềng, nước lớn, phân tích các nhân tố lịch sử, tiên liệu diễn biến tình hình, khẳng định khát vọng sâu sắc của nhân dân Việt Nam về hòa bình, độc lập dân tộc, mong muốn một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, không liên kết; mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, khẳng định tính chính nghĩa của sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, xua tan những thông tin sai lệch về Việt Nam.

Các cuộc họp báo quốc tế, tiếp xúc, trả lời phóng viên, đặc biệt là phóng viên nước ngoài của ông đã tạo nên một phong cách Nguyễn Cơ Thạch, rất thẳng thắn, sắc sảo nhưng cũng rất nhân văn, tình cảm, đôi khi dí dỏm, đi vào lòng người và có tính thuyết phục cao.

Trả lời nhà báo Simons, Trưởng Ban trị sự báo Washington Post ngày 19/12/1980, ông đưa ra lập luận thuyết phục và rất hóm hỉnh: “Chúng tôi đã hy sinh để giành được độc lập và có độc lập là có hạnh phúc. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập. Ông từ Mỹ tới và không hiểu sao nước tôi lại nghèo vậy, tôi muốn kể cho ông một chuyện, khi tới Mỹ đầu tiên năm 1977, có người hỏi tôi là đã thấy sự giàu có của Mỹ chưa? Tôi trả lời là có và người ấy lại hỏi tôi là nếu trước khi đánh Mỹ ông thấy như vậy thì ông có dám đánh Mỹ không. Tôi trả lời là nếu tôi đến Mỹ trước khi đánh Mỹ, thì chúng tôi càng quyết tâm đánh Mỹ hơn vì tôi vừa thấy được sự giàu có của Mỹ mà cũng thấy sự nghèo khổ của nước Mỹ nữa. Nước Việt Nam không có ai giàu như ở Mỹ đồng thời cũng không có ai nghèo khổ quá như ở Mỹ. Đó là chỗ yếu của Mỹ và chỗ mạnh của chúng tôi”.

Một câu chuyện khác: Ngày 2/6/1984, trao đổi với Thomas Bo Pertrsen, nhà báo, nhà ngoại giao Đan Mạch, ông gợi ý nhà báo sang Campuchia để tìm hiểu những điều ông vừa trình bày. “Ông nói rồi lại cất tiếng cười và tiếp lời: Giờ thì mong anh thông cảm, vì tôi phải đi mượn bộ vest từ kho chính phủ - Tôi sắp có cuộc họp với phái đoàn Liên hợp quốc. Chúng tôi phải tằn tiện mọi thứ, kể cả trang phục, vì lệnh cấm vận của phương Tây". [12].

Thứ bảy, tác phong giản dị, nho nhã, điềm đạm, tận tình, chu đáo

Về phong cách sinh hoạt, ông là con người nho nhã, điềm đạm, giản dị, ngăn nắp, nền nềp trong sinh hoạt. Ông cũng là con người tận tình và chu đáo, rất quan tâm đến anh chị em trong đơn vị. Chị Dương Khuê Anh kể lại năm 1947, chị được cử về công tác tại Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch phụ trách. Chị là chiến sỹ nữ duy nhất trong cơ quan, nên đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã cho làm ngay cái buồng tắm kín đáo cho chị. Đồng chí còn đề xuất sáng kiến cải thiện bữa ăn cho mọi người. Một lần đi công tác cùng nhau, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã cõng nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An qua suối vì ông di dép cao su, còn ông An đi giày.

Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên chuyên viên Bộ Tổng tham mưu cũng kể lại câu chuyện (1948) được đồng chí Nguyễn Cơ Thạch cởi áo trấn thủ đắp thêm vì lúc đó ông đang bị thương, chăn thì mỏng còn mình chịu rét cả đêm và lấy thêm củi để sưởi ấm cho mọi người.

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch còn có sáng kiến lấy thêm lá cọ ken vào vách lán và lấy bông lau lót làm đệm để chống rét trong mùa đông.

Các phẩm chất trên lại được củng cố trong con người Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ông luôn chân thành với bạn bè, đồng chí và quan tâm đến cán bộ dưới quyền, đặc biệt là sự tiến bộ của họ.

Trên đây, là vài suy nghĩ sơ bộ về phong cách nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15/5/1921-15/5/2021). Phong cách Nguyễn Cơ Thạch là di sản quý của nền ngoại giao hiện đại Việt Nam.

[6] Nguyễn Cơ Thạch: Các bước nghiên cứu viết chuyên đề, Học viện Ngoại giao: 60 năm lịch sử Học viện Ngoại giao, Nxb. Lao động-Xã hội, Hà Nội- 2019, tr. 206-220.

[7]Trần Huy Chương: Nhớ Anh-nhà ngoại giao tài ba, sáng tạo, Bộ Ngoại giao: Chân dung 5 cố Bộ trưởng Ngoại giao, Sđd, tr. 532-533.

[8] Trần Quang Cơ: Vị ngoại trưởng có nụ cười hấp dẫn, Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phú Bình -chủ biên): Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Sđd, tr. 85.

[9] Đại sứ Vũ Khoan: Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch - người sửa giáo trình, lên lớp dạy cán bộ ngoại giao, vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/bo-truong-nguyen-co-thach-nguoi-sua-giao-trinh-day-can-bo-ngoai-giao-736900.html. Tuy cập ngày 15/5/2021.

[10] Nguyễn Cơ Thạch: Các bước nghiên cứu viết chuyên đề, Học viện Ngoại giao: 60 năm lịch sử Học viện Ngoại giao, Sđd.

[11] Trần Trọng Toàn: Nguyễn Cơ Thạch, một trí tuệ và một sức làm việc không mệt mỏi, Bộ Ngoại giao (Nguyễn Phú Bình - chủ biên): Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Sđd, tr. 220.

[12] Bộ âu phục đi mượn của ông Nguyễn Cơ Thạch & cuộc phỏng vấn sau màn thoát hiểm trước đạn pháo Trung Quốc trong ký ức nhà báo Đan Mạch, http://toquoc.vn/bo-au-phuc-di-muon-cua-ong-nguyen-co-thach-va-cuoc-phong-van-sau-man-thoat-hiem-truoc-dan-phao-trung-quoc-82021155812886.htm.

To Top