Đổi gió với 9 điểm đến du lịch ở Châu Đốc

Nếu như trước đây đa số du khách biết đến Châu Đốc vì có Miếu Bà Chúa Xứ là điểm hành hương linh thiêng, thì ngày nay, Châu Đốc còn được biết đến với nhiều điều tuyệt vời khác. Nằm trên ngã ba sông thơ mộng, Châu Đốc mang địa hình đặc trưng của vùng sông nước, đồng thời là sự giao thoa về văn hóa của nhiều nhóm dân cư.

Bạn hãy thử đổi gió đến với những địa điểm du lịch Châu Đốc dưới đây.

Rừng tràm Trà Sư: Cách Châu Đốc khoảng 30 km, rừng là điểm du lịch sinh thái tuyệt vời với nhiều loài động vật quý hiếm. Du khách tới đây tham quan sẽ cảm thấy choáng ngợp trước những hàng cây tràm hai bên đường. Không những thế, bạn còn được ngắm nhìn những cánh đồng lúa trải rộng thẳng cánh cò bay xen lẫn những hàng cây thốt nốt cao ngút ngàn.

Khung cảnh bình yên, thơ mộng

Làng nổi Châu Đốc: Nếu đã trót yêu mến vẻ đẹp dung dị của miền Tây sông nước, bạn nhất định phải một lần ghé thăm làng nổi Châu Đốc. Ở đây, người dân xây những ngôi nhà bè bằng gỗ để sinh sống. Người dân chủ yếu sử dụng ghe, tàu để phục vụ việc đi lại và hoạt động nuôi cá của mình.

Tới đây, du khách được ngồi trên tàu tham quan, tìm hiểu về cuộc sống lênh đênh trên sông nước, và thưởng thức những món ăn ngon ngay trên bè.

Làng nổi độc đáo ở Châu Đốc. Ảnh: Phu Tan.

Làng Chăm Châu Giang: Một trong những làng Chăm nổi tiếng ở An Giang, Châu Giang nổi bậc với nét sinh hoạt cũng như tín ngưỡng Hồi giáo trong đời sống văn hóa. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ phong tục, tập quán truyền thống theo kiểu nhà sàn tại miền sông nước.

Trong không gian vùng quê yên tĩnh, du khách được trải nghiệm hoạt động chèo xuồng, dệt vải, tìm hiểu văn hóa qua những nếp nhà sàn trăm tuổi và các thánh đường Hồi giáo uy nghiêm.

Những tòa thánh đường tuyệt đẹp ở làng Chăm. Ảnh: Hoai Thu Pham.

Núi Cấm: Đây là ngọn núi cao nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. Cách Châu Đốc khoảng 37 km, Núi Cấm thu hút du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, không khí thoáng mát cùng nhiều công trình kiến trúc đặc sắc như điện Bồ Hong, tượng phật Di Lặc…

Phong cảnh hoang sơ và không gian yên tĩnh ở núi Cấm thu hút du khách. Ảnh: Nhà của mây.

Núi Sam: Ngọn núi nổi tiếng bậc nhất miền Tây. Có diện tích khoảng 280 ha, cao 241 m, núi Sam được bao phủ bởi cây xanh bóng mát quanh năm, mùa hè lại điểm thêm màu đỏ rực của phượng vĩ, nép mình bên những kênh rạch uốn lượn xung quanh.

Núi Sam có hệ thống đền, chùa, hang động vô cùng phong phú, tạo nên một phong cảnh đẹp giữa vùng đồng bằng trù phú.

Ngoài hệ thống các đền chùa, núi Sam còn thu hút bởi nét đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Ảnh: Hải Triều.

Tượng đài cá basa:

Vào thành phố, du khách sẽ gặp tượng đài cá basa cao 12m biểu tượng của thành phố Châu Đốc của nhà điêu khắc Trần Thanh Phong được dựng lên ở công viên bờ sông Châu Đốc. Đây là loài đã gắn bó với người An Giang gần 100 năm, giúp hàng vạn hộ dân An Giang trở nên giàu có. Tượng đài không chỉ mang hàm nghĩa “nhớ ơn” loài cá này, mà còn tôn vinh người làm nghề nuôi cá.

Chùa Tây An: Chùa Tây An là một trong những ngôi chùa đẹp, rất xứng đáng có mặt trong chuyến hành trình của bạn. Các bạn có thể tham quan lối kiến trúc đặc biệt của ngôi chùa theo lối chữ “tam”, mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ và nghệ thuật Hồi giáo, kết hợp với kiến trúc chùa cổ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, chùa Tây An cũng được mệnh danh là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất tại An Giang, vì vậy các bạn có thể đến nơi đây để cầu bình an, may mắn. Nếu đi vào những ngày rằm hay mùng 1 đầu năm thường có các hoạt động cúng bái và lễ hội diễn ra sôi nổi hơn so với những ngày thường.

Cáp treo Núi Sam:

Khu Du lịch Cáp treo Núi Sam tọa lạc tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đến đây du khách có dịp đi cáp treo lên đỉnh núi Sam để tham quam thưởng ngoạn, trong đó nổi bật là tượng phật ngọc được chế tác bằng ngọc nguyên khối, đền Quan âm nghìn mắt nghìn tay, quảng trường lớn ngắm toàn cảnh TP.Châu Đốc từ trên cao.

Chùa Bà An Giang:

Về đến núi Sam là về đến miếu Bà Chúa Xứ, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Tây tọa lạc ngay dưới chân núi Sam, mỗi năm đón khoảng 2 triệu lượt khách hành hương. Du khách thập phương thường về với miếu vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch để cầu bình an, xin lộc đầu năm.

Ngôi chùa có kiến trúc đặc biệt với khuôn viên rộng rãi, ngoài ra nơi đây có những góc sống ảo khá đẹp với lầu cao có thể bao quát được khung cảnh núi non của An Giang.

To Top