Dọn cây ngã đổ do bão tàn phá rồi chặt luôn cây lâu năm ở rừng phòng hộ đem bán

Khi thu gom cây ngã đổ do bão tàn phá, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn 'chặt nhầm' cây lâu năm trong rừng phòng hộ đem bán.

Thời gian gần đây, người dân xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự bức xúc trước việc Ban Quản lý Di sản văn hóa (BQLDSVH) Mỹ Sơn chặt hạ nhiều cây lâu năm trong rừng phòng hộ đem bán.

Nhiều cây lâu năm bị cưa hạ đem bán.

Theo phản ánh của các hộ dân thôn Mỹ Sơn (xã Duy Phú), cách đây 20 năm, người trong thôn trồng số lượng lớn xà cừ và keo ở khu vực gần đường dẫn vào khu di tích thánh địa Mỹ Sơn. Sau này, toàn bộ diện tích trồng cây này của bà con được quy hoạch trở thành rừng phòng hộ do nhà nước quản lý.

"Từ đó, người dân không được phép khai thác đối với cây do mình vun trồng. Thời gian qua, trong khi chờ nhà nước đền bù, chúng tôi chỉ cắt tỉa hoặc dọn dẹp cành ngã đổ sau các cơn bão.

Tuy nhiên, sau đợt bão số 9 năm ngoái, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn lại tự ý đốn hạ cây ở rừng phòng hộ và đem bán. Điều này khiến chúng tôi rất đỗi khó hiểu", một người dân thôn Mỹ Sơn bức xúc giãi bày.

Theo tìm hiểu của PV VTC News, đầu tháng 11/2020, Ban Chấp hành Công đoàn BQLDSVH Mỹ Sơn có kế hoạch dọn dẹp cây ngã đổ, thanh lý cây có nguy cơ ngã đổ do bão số 9 (Molave) và cắt tỉa trồng cây thay thế dần cây bản địa dọc 2 bên đường vào khu di tích Mỹ Sơn.

Ban Chấp hành Công đoàn BQLDSVH Mỹ Sơn khẳng định việc cắt tỉa không làm ảnh hưởng, hư hại đến các công trình cơ sở hạ tầng và cây trồng tại rừng.

Việc cây lâu năm thuộc rừng phòng hộ bị đốn hạ khiến người dân rất bức xúc.

Trả lời VTC News về sự việc đang khiến người dân bức xúc, một lãnh đạo BQLDSVH Mỹ Sơn thừa nhận, đơn vị đã để xảy ra sai sót trong lúc xử lý cây ngã đổ sau bão số 9.

Theo vị này, bão số 9 khiến khoảng 130 cây lớn nhỏ ở hai bên đường dẫn vào khu di tích Mỹ Sơn bị ngã đổ, trong đó nhiều cây có tuổi đời lên tới 20 năm.

"Trong quá trình dọn dẹp cây ngã đổ, nhóm công nhân đã chặt nhầm một số cây thuộc rừng phòng hộ. Toàn bộ số tiền bán cây, chúng tôi dùng để chi trả thù lao cho công nhân thu gom và phục vụ cho việc trồng cây bản địa", lãnh đạo BQLDSVH Mỹ Sơn nói và thông tin thêm, sau khi vấp phải sự phản ứng của người dân, BQLDSVH Mỹ Sơn đã làm báo cáo gửi UBND huyện.

THANH BA

To Top