Đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên

Đánh giá về vai trò, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm quý của Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, dù tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Vai trò to lớn…

Sự ra đời, hoạt động của Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam cách đây 60 năm đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong việc linh hoạt, kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam. Thiếu tướng có thể cho biết rõ hơn quá trình hình thành, vai trò và tầm quan trọng của sự kiện này?

- Nghiên cứu, tổng kết lịch sử kháng chiến của dân tộc nói chung, lịch sử đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc giai đoạn 1945-1975 có thể khẳng định, sự ra đời, hoạt động của Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Qua đó, khẳng định sự linh hoạt, kịp thời của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam, đặc biệt là lãnh đạo lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (QGPMNVN) hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Điểm lại lịch sử cho thấy, vào tháng 11-1959, Xứ ủy Nam bộ tổ chức hội nghị Trung ương lần thứ 15. Hội nghị đã ra nhiệm vụ trước mắt của Nam bộ nói chung, Đông Nam bộ nói riêng là: “Giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, lấy đấu tranh cách mạng của quần chúng làm chính, đồng thời kết hợp với hoạt động vũ trang tuyên truyền để chống chính sách khủng bố tàn bạo, chính sách bóc lột, vơ vét của Mỹ - Diệm”.

Trong bối cảnh của cách mạng miền Nam thời kỳ đó, Nghị quyết Trung ương 15 giống như bó đuốc sáng soi đường cho sự phát triển của cách mạng miền Nam. Phong trào Đồng Khởi nổ ra ở Mỏ Cày (Bến Tre) tháng 1-1960 đã lan rộng toàn miền Nam và Đông Nam bộ nói chung. Sự thắng lợi của chiến thắng Tua Hai đêm 25 rạng ngày 26-1-1960 được coi như “phát súng lệnh” của Đồng Khởi khu vực Đông Nam bộ. Qua đó, đánh dấu sự phát triển nhảy vọt về trình độ tổ chức chỉ đạo, chỉ huy hoạt động tác chiến của các lực lượng vũ trang (LLVT) Đông Nam bộ.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên làm việc với tỉnh Đồng Nai nhân hội thảo quốc gia chủ đề về Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh: N.HÀ

Cùng thời gian này, Liên Tỉnh ủy Đông Nam bộ thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ nối thông đường chiến lược từ Đông Nam bộ với đường mòn Hồ Chí Minh trên dải Trường Sơn. Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, cùng với đó con đường chiến lược từ Trung ương vào miền Đông Nam bộ qua dải Trường Sơn đã được nối thông. Từ đây, miền Đông Nam bộ nhận được sự chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc.

Trong điều kiện đó, ngày 23-1-1961, Bộ Chính trị quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay Xứ ủy Nam bộ, đặt căn cứ tại Chiến khu Đ. Tháng 2-1961, tại Suối Linh (Chiến khu Đ), khu ủy miền Đông Nam bộ chính thức được thành lập do đồng chí Mai Chí Thọ làm Bí thư Khu ủy, kiêm Chính ủy Quân khu. Đồng thời, ngày 15-2-1961, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chỉ thị của Tổng Quân ủy, Trung ương Cục miền Nam tuyên bố thành lập QGPMNVN - một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng: Quét sạch quân xâm lược, để Nam - Bắc thống nhất một nhà, non sông thu về một dải.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn:

Tiếp tục phát huy truyền thống miền Đông gian lao mà anh dũng

Từ sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường của vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng; cùng nhau đoàn kết, chủ động sáng tạo và không ngừng đổi mới, tranh thủ mọi thời cơ khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh, huy động mọi nguồn lực để xây dựng miền Đông ngày càng phát triển giàu mạnh.

Để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, cách mạng, giáo dục, bồi đắp những truyền thống tốt đẹp của quê hương, ngành GD-ĐT cần thường xuyên đưa học sinh, sinh viên về nguồn, tham quan và tìm hiểu di tích. Qua đó, góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Cùng nhau đoàn kết, chung sức, chung lòng ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI đã đề ra.

Ly Na (ghi)

Ngày 25-10-1967, Trung ương Cục quyết định giải thể Khu ủy miền Đông và Quân khu Sài Gòn - Gia Định, thành lập Khu trọng điểm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới. Đến tháng 6-1972, Khu ủy miền Đông Nam bộ được tái lập, đứng chân ở Krachê (Campuchia) và sau đó chuyển về lại Chiến khu Đ. Đến tháng 1-1973, Khu ủy cùng các ban Đảng về xây dựng căn cứ dọc theo suối Ràng, suối Sa Mách (Chiến khu Đ) tiếp tục lãnh đạo cách mạng ở miền Đông Nam bộ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Như vậy, Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn, thể hiện tầm chiến lược của Đảng ta trong sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh cách mạng, về xây dựng LLVT, về sử dụng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Nhờ vậy, Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những thắng lợi mang tính dấu ấn mà Khu ủy miền Đông, Trung ương Cục miền Nam đã lãnh đạo trong giai đoạn này là gì, thưa thiếu tướng?

- Sau khi được thành lập, Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã lãnh đạo QGPMNVN và toàn dân làm nên nhiều thắng lợi vĩ đại, tạo tiền đề đưa cả nước tiến lên tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng trong mùa Xuân năm 1975.

Có thể kể đến những thắng lợi lớn như Chiến thắng Ấp Bắc tháng 1-1963. Sau chiến thắng này, toàn miền Nam dấy lên phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, tạo hiệu ứng với nhiều chiến thắng Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia và làm phá sản hoàn toàn chiến lược Chiến tranh Đặc biệt 1961-1965 của đế quốc Mỹ. Đó còn là chiến thắng Vạn Tường (tháng 8-1965); chiến thắng trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, làm thất bại chiến lược Chiến tranh Cục bộ, tạo tiền đề để Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dâng hương tại Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ngày 5-2-2021. Ảnh:H. Anh

Thực hiện các chủ trương của Khu ủy miền Đông và Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, QGPMNVN còn đồng loạt tiến công, giáng cho địch nhiều đòn choáng váng, tạo bước ngoặt lớn đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh và Đông Dương hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán. Đặc biệt trước sự ngoan cố của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, quân dân miền Nam cùng cả nước lập nên nhiều thắng lợi to lớn, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một dải…

Những bài học vô giá

Trong những đóng góp to lớn của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông có đóng góp xuất sắc của lực lượng QGPMNVN. Thiếu tướng đánh giá rõ hơn về lực lượng này?

- Mới đây, tại Đồng Nai - nơi hình thành Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục và thành lập QGPMNVN, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Tỉnh ủy tổ chức thành công hội thảo khoa học QGPMNVN - Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử. Đây là lần đầu tiên sau 60 năm Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục thành lập, một hội thảo cấp quốc gia được tổ chức tại nơi ra đời, hình thành, phát triển và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử.

Trước hết phải khẳng định, QGPMNVN là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh lãnh đạo mà trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy Miền, Bộ Tư lệnh Miền.

Thế hệ trẻ về nguồn tham quan các di tích lịch sử Chiến khu Đ

Nhiệm vụ của lực lượng này được thể hiện rõ ràng trên tên gọi QGPMNVN. Với tên gọi này, chúng ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ từ các lực lượng hòa bình, độc lập, dân chủ tiến bộ trên thế giới. Qua đó, tăng thêm sức mạnh từ hậu phương quốc tế để tiến hành chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đồng thời, với tên gọi QGPMNVN, chúng ta còn tập hợp các LLVT trên chiến trường miền Nam, nhanh chóng phát triển về quy mô, tổ chức, chỉ huy thống nhất, tạo nên sức mạnh để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị, góp phần thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tạo nên nét đặc sắc về sử dụng LLVT trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

Quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu giành chiến thắng, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của QGPMNVN càng khẳng định sự sáng tạo tài tình của Đảng. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng để QGPMNVN lập nên những chiến công chói lọi làm nên thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Qua đó, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp vẻ vang của Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Hội thảo cũng là điểm nhấn, nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông, Trung ương Cục miền Nam và các ngày lễ lớn năm 2021…

Sau 60 năm nhìn lại, bài học to lớn nhất mà Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục và QGPMNVN để lại cho cách mạng hôm nay là gì, thưa thiếu tướng?

Kỷ niệm 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, sáng nay 26-2, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức lễ dâng hương tại Khu ủy miền Đông và Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Lễ dâng hương thể hiện sự tri ân, lòng thành kính và biết ơn của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, của cha ông cho sự trường tồn của dân tộc.

- Những thắng lợi vẻ vang của dân tộc, của quân dân miền Đông và Nam bộ nói riêng, cách mạng Việt Nam nói chung cùng nhiều nguồn tài liệu nghiên cứu cho thấy, 60 năm qua, Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và QGPMNVN đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong đó, có nhiều bài học quý được đặt ra, nhưng dưới góc độ của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, có thể rút ra một số bài học lớn sau đây:

Thứ nhất, sự thành lập Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông và QGPMNVN khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong việc vận dụng sáng tạo nguyên lý chủ nghĩa Mác- Lênin về xây dựng căn cứ địa cách mạng, về địa bàn chiến lược của cách mạng và LLVT của Đảng. Đây là nét đặc sắc của nghệ thuật sử dụng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng của Đảng ta thời kỳ này.

Thứ hai, tiếp tục làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền - nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh, làm nên chiến thắng vẻ vang của quân và dân miền Nam “anh dũng thành đồng” nói chung, của Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục và QGPMNVN nói riêng.

Thứ ba, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục, Bộ Chỉ huy Miền, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò và ý nghĩa cùng những thắng lợi của QGPMNVN đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Có thể khẳng định, từ quá trình xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành của Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, QGPMNVN có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới…

Xin cảm ơn thiếu tướng!

Nguyệt Hà (thực hiện)

ThS Trần Quang Toại, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai:

Xây dựng niềm tin cho nhân dân

Khu ủy miền Đông đứng chân ở Chiến khu Đ đã làm được nhiệm vụ quan trọng đó là mở hành lang đường bộ, đường Hồ Chí Minh trên bộ, xây dựng đường Hồ Chí Minh trên biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu ủy đã giúp cho Trung ương Cục đứng chân ở đây khi thành lập, chỉ đạo hết sức quyết liệt trong mở rộng và xây dựng căn cứ.

Mặc dù trong điều kiện bị địch đánh phá rất ác liệt, phải di chuyển nhiều lần nhưng Khu ủy miền Đông Nam bộ vẫn được nhân dân bảo vệ, tạo điều kiện hoạt động. Xây dựng niềm tin cho nhân dân, cho cán bộ, chiến sĩ được xem là bài học lớn nhất góp phần quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

TS Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc phụ trách Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai:

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Nhằm phát huy giá trị của di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ, thời gian qua Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Khu bảo tồn cũng chú trọng đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo, sửa chữa, chống xuống cấp các di tích ở Chiến khu Đ (Khu ủy miền Đông, Trung ương Cục, địa đạo Suối Linh). Đến nay, phần lớn các di tích được trùng tu, tôn tạo theo đúng hồ sơ, thiết kế kỹ thuật cơ bản đã hoàn thành. Những di tích trên đã và đang trở thành những “sản phẩm” văn hóa phục vụ đời sống tinh thần, hấp dẫn du khách thập phương.

Trong thời gian tới, khu bảo tồn sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thêm nhiều hoạt động tham quan, về nguồn… góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước.

Đại tá Trương Quang Sinh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 2:

Kinh nghiệm quý để xây dựng sư đoàn vững mạnh toàn diện

Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, QGPMNVN được thành lập tại vùng đất Chiến khu Đ anh hùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từng là một bộ phận của QGPMNVN, kế thừa truyền thống 60 năm anh hùng, cán bộ chiến sĩ sư đoàn luôn tự hào mỗi khi nhắc nhớ về vùng đất Chiến khu Đ nói chung và các sự kiện Khu ủy miền Đông, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, QGPMNVN. Những bài học kinh nghiệm quý, những giá trị lịch sử to lớn đã và đang là tiền đề để Đảng ủy, Ban Chỉ huy sư đoàn giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Đoàn viên Nguyễn Thị Yến,Trung tâm Bồi dưỡng chính trị TP.Biên Hòa:

Lịch sử hào hùng thôi thúc chúng tôi rèn luyện, học tập

Trong suốt thời gian làm việc ở TP.Biên Hòa, tôi có nhiều chuyến tham quan, về nguồn tại Chiến khu Đ, đến các di tích Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông. Đây là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, gắn liền những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tôi rất tự hào, xúc động và cảm thấy rất linh thiêng khi được dâng hương các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Trung ương Cục với hàng chục ngôi mộ gió, không tên, không tuổi nằm cạnh nhau theo từng hàng.

Chính lịch sử hào hùng ấy thôi thúc tôi cố gắng học tập, phấn đấu và rèn luyện không ngừng để góp sức dựng xây quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

My Ny (ghi)

To Top