'Động lực mới không thể đảo ngược' trong quan hệ Pháp - Algeria

Tổng thống Pháp Macron và người đồng cấp Algeria Abdelmadjid Tebboune vừa ra tuyên bố chung về 'sự phát triển mới và không thể đảo ngược' trong quan hệ song phương.

Tuyên bố đánh dấu một mốc mới nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Pháp với quốc gia Bắc Phi này sau một loạt căng thẳng gần đây liên quan các vấn đề lịch sử.

Pháp và Algieria thiết lập quan hệ song phương. Ảnh: Le Monde

Tuyên bố chung về sự phát triển mới giữa Pháp và Algeria được hai bên đưa ra nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron tới Algeria trong 3 ngày cuối tuần qua. Kết quả chuyến thăm cho thấy mong muốn của cả 2 nước hướng tới mối quan hệ được xây dựng dựa trên "một tầm nhìn mới trên cơ sở bình đẳng và cân bằng lợi ích".

Kết quả từ chuyến thăm

Chuyến thăm 3 ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Algeria được đánh giá là “thành công xuất sắc” và đánh giá này không chỉ đến từ phía Algeria mà cả từ phía Pháp. Thành công lớn nhất là việc lãnh đạo cấp cao hai nước đã ký được một Tuyên bố chung về một “động lực mới không thể đảo ngược” trong quan hệ giữa Pháp và Algeria.

Cần phải nhấn mạnh rằng việc ký kết Tuyên bố chung này ban đầu hoàn toàn không có trong nghị trình hoạt động của ông Macron nhưng các trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo cấp cao hai bên đã có kết quả rất tích cực, tháo gỡ được các bất đồng và cho ra đời văn bản chính trị có thể coi là quan trọng nhất trong quan hệ song phương Pháp-Algeria từ nhiều thập kỷ qua.

Tinh thần chung của Tuyên bố chung này là Pháp-Algeria giờ đây sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của quá khứ để qua đó hướng đến việc xây dựng một mối quan hệ đối tác ưu tiên, thân cận, dựa trên các động lực mới về kinh tế-an ninh- văn hóa-giáo dục, con người và không chỉ gói gọn trong mối quan hệ song phương. Như giải thích trong Tuyên bố chung, động lực của mối quan hệ mới giữa Pháp và Algeria ra đời như là một đòi hỏi bắt buộc từ việc gia tăng các bất trắc và căng thẳng trong khu vực cũng như trên thế giới.

Pháp và Algeria cho rằng Tuyên bố chung sẽ “cung cấp một khuôn khổ để thiết kế nên một tầm nhìn chung cũng như các hành động được tham vấn chặt chẽ nhằm giúp hai quốc gia đối phó với các thách thức toàn cầu mới như các cuộc khủng hoảng khu vực và thế giới, vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học hay cuộc cách mạng số”. Như đánh giá của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì Tuyên bố chung không chỉ đã chấm dứt nhiều tháng căng thẳng bất đồng trong quan hệ song phương mà còn cho phép Pháp-Algeria đối thoại thường xuyên về tất cả các vấn đề, kể cả các vấn đề vốn là trở ngại lớn trong quan hệ giữa hai nước trong quá khứ, như vấn đề ký ức và hậu quả của thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Algeria.

Về các thành công cụ thể, trước mắt Pháp và Algeria đã ký một bản đối tác mới về thanh niên, qua đó Pháp trao thêm 8.000 học bổng mỗi năm cho sinh viên Algeria sang học tập tại Pháp, nâng tổng số học bổng Pháp trao cho Algeria lên 38.000 suất/năm. Hai bên cũng thống nhất các biện pháp chống làn sóng nhập cư trái phép thông qua việc đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh cho các gia đình hai quốc tịch, các nghệ sỹ, vận động viên thể thao, các doanh nhân hay các nhà hoạt động xã hội có đóng góp cho quan hệ song phương Pháp-Algeria.

Đối với chủ đề gai góc nhất trong quan hệ song phương là lịch sử thời thực dân Pháp, hai nước cũng nhất trí thành lập một Ủy ban chung quy tụ các nhà sử học của cả hai nước để nghiên cứu và công bố công khai tất cả những sự kiện lịch sử đau thương trong 132 năm Pháp đô hộ Algeria, không có bất cứ cấm kị nào. Và cuối cùng, nhưng là một chi tiết cực kỳ quan trọng, đó là lần đầu tiên kể từ khi Algeria độc lập khỏi Pháp vào năm 1962, giới lãnh đạo quân sự cấp cao nhất của hai nước đã có các cuộc gặp để thảo luận tất cả các chủ đề chiến lược về an ninh tại khu vực và trên thế giới.

Đây là một thành công lớn đối với Pháp bởi Pháp từ lâu đã muốn tăng cường quan hệ an ninh với Algeria, đặc biệt trong bối cảnh Pháp vừa buộc phải rút quân khỏi Mali sau 9 năm tiến hành các chiến dịch quân sự chống khủng bố tại đây và đang bế tắc trong việc định hướng chiến lược tại khu vực Sahel. Ngoài ra, việc củng cố được quan hệ an ninh với Algeria cũng là yếu tố rất quan trọng để Pháp cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga tại khu vực này, bởi Algeria là một đồng minh truyền thống quan trọng của Nga tại Bắc Phi.

Dư luận về tuyên bố chung của Pháp và Algeria

Quan hệ Pháp-Algeria có thể nói là mối quan hệ phức tạp nhất của Pháp với một quốc gia trong quá khứ từng là thuộc địa của nước này. Algeria có vai trò đặc biệt trong lịch sử thực dân của Pháp trong thế kỷ 19 và 20 bởi khác với nhiều vùng đất khác, trong 132 năm đô hộ Algeria, Pháp đã sáp nhập Algeria thành 1 tỉnh, có quy chế như một tỉnh trong nước Pháp lục địa. Chính vì thế, ngoài các gắn bó lâu đời về kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ và con người với nước Pháp, đất nước và nhân dân Algeria cũng đã phải trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh đẫm máu để giành được độc lập. Trong quá khứ, các cuộc chiến mà Pháp tiến hành nhằm đàn áp phong trào độc lập của Algeria để lại hậu quả vô cùng tàn khốc.

Do đó, từ khi Algeria độc lập vào năm 1962, quan hệ giữa hai bên luôn trong tình trạng rất phức tạp. Một mặt, hai bên quá gắn bó với nhau về mặt lịch sử, địa lý, văn hóa nên không thể tách rời nhau nhưng mặt khác, trong nhiều thập kỷ, các đời chính phủ Pháp luôn né tránh đề cập đến vấn đề ký ức lịch sử của thời kỳ đô hộ Algeria. Vì thế, mặc dù là quốc gia có số người nói tiếng Pháp nhiều thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Pháp), với khoảng trên 12 triệu người nói tiếng Pháp, nhưng Algeria nhiều năm nay vẫn không gia nhập khối Pháp ngữ mà chỉ giữ vai trò quan sát viên.

Bên cạnh đó, cộng đồng người gốc Algeria cũng là một trong những cộng đồng Bắc Phi lớn nhất tại Pháp với các con số ước tính khoảng trên 2,5 triệu người nhưng một phần không nhỏ trong cộng đồng này không thực sự muốn hòa nhập vào xã hội Pháp, kể cả khi đã mang hai quốc tịch Pháp-Algeria.

Các sự cố lớn như việc quốc ca Pháp bị huýt sáo ngay trên chính sân vận động Stade de France ở Paris khi Đội tuyển bóng đá Pháp đá giao hữu với Đội tuyển Algeria cách đây vài năm hay việc quốc kỳ Algeria áp đảo quốc kỳ Pháp trong các sự kiện ăn mừng chiến thắng thể thao hay bầu cử trên đại lộ Champs-Élyseés hay Quảng trường Bastille, Quảng trường Cộng hòa… đã từng tạo ra rất nhiều tranh cãi trong xã hội Pháp về mối quan hệ phức tạp giữa Pháp và Algeria.

Do đó, việc chính phủ hai nước đang từng bước nhìn thẳng vào tất cả các đau thương trong quá khứ để hướng tới xây dựng một mối quan hệ đối tác thân thiện mới là sự kiện tích cực, được báo chí, giới bình luận chính trị cũng như dư luận Pháp đánh giá cao. Điều quan trọng nhất ở đây, như nhiều nhà sử học Pháp đã nhận định, đó là dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron, Pháp đã giải mật rất nhiều hồ sơ, đã dũng cảm đề cập đến rất nhiều sự kiện lịch sử bi thương trong thời kỳ thuộc địa với Algeria và chỉ bằng cách đó, quan hệ hai nước mới có thể gạt bỏ được các rào cản lịch sử để hướng tới tương lai.

Tất nhiên, chính sách hòa giải quá khứ này của ông Emmanuel Macron cũng bị rất nhiều đối thủ chính trị, đặc biệt là đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” hoặc đảng cánh hữu “Những người Cộng hòa” chỉ trích gay gắt là đã bôi nhọ và phản bội lại lịch sử của nước Pháp.

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Algeria chứng kiến sự đồng thuận lớn giữa hai nước nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, kinh tế và đổi mới sáng tạo. Hai bên đã ký kết 5 thỏa thuận hợp tác và đối tác trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thể thao, thúc đẩy đổi mới, cùng với “Tuyên bố chung Algeria” về mối quan hệ đối tác mới giữa hai nước. Pháp và Algeria đã quyết định mở ra một kỷ nguyên mới, đặt nền tảng cho mối quan hệ đối tác được thể hiện thông qua cách tiếp cận cụ thể, mang tính xây dựng, tập trung vào các dự án tương lai và thế hệ trẻ.

Tổng thống Algeria, Abdelmadjid Tebboune đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Pháp đã thành công xuất sắc và có ích cho mối quan hệ giữa hai nước vì đã giải quyết được nhiều vấn đề. Điều này cho phép hai nước có thể hợp tác cùng nhau trên nhiều lĩnh vực để đưa quan hệ song phương ngày càng tiến xa.

Giới chuyên gia và dư luận khu vực nhìn chung đánh giá cao kết quả của chuyến thăm, qua đó giúp Algeria hưởng lợi từ việc sắp xếp lại các vấn đề với Pháp và những ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời xác định kỷ nguyên quan hệ đối tác dựa trên nguyên tắc tôn trọng và cân bằng.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp thông qua chuyến thăm lần này đã có thể nối lại đối thoại về các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, như những tranh cãi lịch sử, vấn đề cấp thị thực cho người Algeria, hồ sơ nhập cư và vấn đề năng lượng. Pháp cũng muốn tìm kiếm một quân bài mới ở châu Phi, sau khi vị thế của nước này bị suy yếu do sự cạnh tranh của các cường quốc khác như Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, cũng có dư luận bày tỏ sự thất vọng với chuyến thăm lần này. Nhiều người Algeria đã chờ đợi một lời xin lỗi chính thức từ Tổng thống Pháp về những phát ngôn gây tranh cãi trước đây liên quan thời kỳ thuộc địa, nhưng họ đã thất vọng vì cho rằng Tổng thống Macron đã “thiếu can đảm” để thừa nhận những sai lầm của mình.

Tầm quan trọng của việc tan băng trong quan hệ Pháp - Algeria

Hợp tác về năng lượng giữa Pháp và Algeria không quá lớn, lượng khí đốt mà Algeria cung cấp cho Pháp chỉ chiếm khoảng 8% tổng lượng khí đốt mà Pháp nhập khẩu. Tuy nhiên, dầu mỏ và khí đốt của Algeria lại rất quan trọng với nhiều nước khác tại châu Âu, đặc biệt là các nước ven Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Italy.

Trong thời gian qua, sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, châu Âu đã phải gấp rút giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga và đi tìm các nguồn cung thay thế. Việc này đã khiến lượng khí đốt mà Algeria xuất sang châu Âu tăng vọt và Algeria hiện là nước cung cấp khí đốt lớn thứ 3 cho châu Âu, sau Nga và Na Uy, chiếm khoảng 11% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu.

Một số nước như Tây Ban Nha, hay đặc biệt là Italy, đã tăng rất mạnh hợp tác năng lượng với Algeria. Lượng khí đốt mà Algeria cung cấp cho Italy thông qua đường ống dẫn khí Transmed đã tăng 113% từ đầu năm 2022. Tập đoàn năng lượng lớn của Italy là ENI cũng như các tập đoàn lớn khác như Total của Pháp cũng đã ký các hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD để khai thác dầu mỏ và khí đốt của Algeria. Với riêng nước Pháp, Algeria dự kiến sẽ tăng đến 50% lượng xuất khẩu khí đốt cho Pháp trong những tháng tới.

Vì thế, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn biến ngày càng phức tạp tại châu Âu, vai trò và vị thế của Algeria đối với châu Âu được nâng cao rất nhiều. Với vị trí địa lý tiếp giáp châu Âu cùng trữ lượng khí thiên nhiên lên tới 2.400 tỷ m3, Algeria là một cường quốc năng lượng, là nhà xuất khẩu khí thiên nhiên lớn nhất châu Phi và thứ 7 thế giới. Đây là đối tác vô cùng quan trọng với châu Âu vào thời điểm này và việc Pháp-Algeria cải thiện quan hệ cũng là một tin tốt đối với châu Âu.

Lợi ích của Algeria

Theo hãng thông tấn chính thức của Algeria, chuyến thăm của Tổng thống Macron cho thấy, Paris đánh giá cao vai trò quan trọng của Algeria trong khu vực, cũng như sự trở lại mạnh mẽ chính sách ngoại giao của nước này trên trường quốc tế.

Ngoài các nội dung liên quan thúc đẩy quan hệ song phương, lãnh đạo hai nước cũng đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng khác, như tình hình Libya, Mali và khu vực Sahel châu Phi nhằm đạt được sự ổn định trong khu vực.

Theo giới phân tích khu vực, trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động phức tạp, đặc biệt là cuộc chiến Nga-Ukraine và những thay đổi đang diễn ra ở khu vực Sahel châu Phi, chuyến thăm của Tổng thống Pháp đã củng cố vị thế trung tâm chiến lược của Algeria ở Bắc Phi. Nước này có chung đường biên giới dài 1.400 km với Mali (nơi Pháp đã buộc phải rút toàn bộ lực lượng), cũng như biên giới dài hàng trăm km với Libya, quốc gia bị sa lầy trong hỗn loạn kể từ khi chế độ Muammar Gaddafi sụp đổ. Do vậy, Algeria sẽ đóng vai trò cửa ngõ quan trọng để giúp Pháp khôi phục ảnh hưởng tại châu Phi, sau khi uy tín của nước này suy giảm ở một số quốc gia như Mali, Chad, Libya…

Ngoài ra, Algeria còn khẳng định được vị thế quan trọng hàng đầu trong khu vực về xuất khẩu năng lượng, được Pháp và các nước châu Âu khác kỳ vọng sẽ trở thành đối tác cung cấp chính giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga./.

Quang Dũng, Ngọc Thạch, Tuấn Nguyễn/VOV

To Top