Đồng Tháp - 46 năm giải phóng

Với sự lãnh đạo của Đảng, chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, 46 năm trước, cùng với các tỉnh, thành phố khác ở miền Nam, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã hoàn toàn giải phóng. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đồng Tháp bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, viết tiếp trang sử hào hùng, đưa vùng Đất Sen hồng lên tầm cao mới.

KỶ NIỆM 46 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2021)

Quân và dân TX.Cao Lãnh vui mừng khi thị xã được giải phóng (ảnh tư liệu)

Từ ký ức hào hùng

Tháng 8/1974, Trung ương Cục giải thể tỉnh Kiến Phong, thành lập tỉnh Sa Đéc và Long Châu Tiền. Tỉnh Sa Đéc có 7 huyện: Chợ Mới, Cao Lãnh, Kiến Văn, Mỹ An, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và TX.Cao Lãnh, TX.Sa Đéc. Ngày 26/4/1975, Tỉnh ủy Sa Đéc nhận được lệnh hiệp đồng với mặt trận Sài Gòn vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, mặt trận Sài Gòn giành toàn thắng. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng, quân địch ở các nơi hoang mang rệu rã. Tại TX.Cao Lãnh, Tiểu đoàn 3 của tỉnh mới thành lập cùng với lực lượng biệt động, du kích chia làm 3 mũi tiếp cận thị xã từ chiều ngày 30/4. Cùng ngày, Đại tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Minh trốn khỏi Cao Lãnh. Nhiều sĩ quan, binh lính địch cũng bỏ chạy. Cơ sở và lực lượng quần chúng tại chỗ nổi dậy tiếp quản một số cơ quan ngụy quân, ngụy quyền, treo cờ giải phóng. 23 giờ ngày 30/4/1975, quân cách mạng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn TX.Cao Lãnh.

Còn ở TX.Sa Đéc, Tiểu đoàn 502A và Tiểu đoàn 502B được lệnh thần tốc tiến về tham gia giải phóng thị xã. Tối 30/4, 2 Tiểu đoàn này phối hợp cùng lực lượng địa phương, du kích và lực lượng chính trị của quần chúng từ nhiều mũi tiến vào thị xã. Trong nội ô thị xã, quần chúng Nhân dân được phát động nổi dậy áp đảo bọn đầu sỏ. Trong đêm 30/4, cơ sở ta và quần chúng nổi dậy chiếm một số cơ quan địch ở thị xã. 7 giờ sáng ngày 1/5/1975, quân ta từ nhiều hướng tiến vào tiếp quản và làm chủ hoàn toàn TX.Sa Đéc. Ngày 1/5, các huyện Mỹ An, Kiến Văn, Châu Thành, Lấp Vò... được giải phóng. Riêng Chi khu Đức Thành (Lai Vung), ta tiếp quản vào sáng ngày 2/5. Hết ngày 2/5, hầu hết tỉnh Sa Đéc được giải phóng.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những ngày tháng 4 lịch sử vẫn hiện hữu trong trí nhớ của nhiều người. Là một trong những người tham gia giải phóng TX.Sa Đéc, đồng chí Lê Quang Sáu - nguyên Trưởng Ban An ninh, nguyên Chủ tịch UBND TX.Sa Đéc kể: “Để chuẩn bị chiến đấu, giải phóng thị xã, khoảng 10 giờ sáng ngày 30/4, đồng chí Lê Văn Mai - nguyên Bí thư Thị ủy Sa Đéc chỉ đạo tôi đón rồi đưa Tiểu đoàn 502A và 502B đến rạch Cai Dao để đào công sự. Khuya ngày 30/4, tôi cùng với lực lượng An ninh và Thị đội Sa Đéc tấn công, đánh chiếm đồn Sa Nhiên. Sáng sớm ngày 1/5, tôi lân la đi nắm tình hình. Khoảng 7 giờ sáng ngày 1/5, tôi thấy Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tung bay trên nóc tòa nhà Tiểu khu Sa Đéc. Tôi và một đồng chí khác đến Ty Cảnh sát tỉnh Sa Đéc. Tại đây, nhiều cảnh sát ngụy ra trình diện và giao nộp vũ khí”.

Lễ mừng chiến thắng tại TX.Sa Đéc vào năm 1975 (ảnh tư liệu)

Đến vùng Đất Sen hồng trù phú

Sau giải phóng, cùng với những thuận lợi, tỉnh Đồng Tháp cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, tỉnh Đồng Tháp không ngừng phát triển và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả và quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tình hình kinh tế - xã hội có bước phát triển khá toàn diện, xã hội ổn định, chất lượng đời sống Nhân dân từng nước nâng cao.

Qua 46 năm giải phóng tỉnh nhà, chứng kiến những đổi mới của quê hương Đồng Tháp nói chung và TP.Sa Đéc nói riêng, đồng chí Lê Quang Sáu chia sẻ: “Sau giải phóng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ nghèo. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa tình hình kinh tế - xã hội của Sa Đéc khởi sắc vượt bậc. Từ một thị xã nhỏ bé năm xưa, giờ đây, TP.Sa Đéc đã được công nhận là đô thị loại II. Thành phố có nhiều công ty, doanh nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị gắn với phát triển du lịch..., góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Cơ sở hạ tầng, giao thông, các cơ sở giáo dục, cảnh quan đô thị... được đầu tư, nâng cấp.

Đô thị TP.Cao Lãnh ngày càng phát triển. Ảnh: Hoàng Trọng

Sinh ra, lớn lên và công tác tại xã Hòa An, TP.Cao Lãnh, đồng chí Lê Hoàng Vân cảm nhận rõ sự đổi thay của quê hương. “Tôi cảm thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội vì còn sống đến hôm nay để chứng kiến sự phát triển của quê hương, đất nước, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hòa An là một trong số ít các xã của tỉnh sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế xây dựng đầy đủ. Qua theo dõi báo, đài, tôi vui mừng khi nhận thấy TP.Cao Lãnh và tỉnh Đồng Tháp có bước tiến dài trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... Nói chung, cuộc sống bây giờ sung sướng, hiện đại hơn rất nhiều so với thời gian trước” - đồng chí Lê Hoàng Vân cho biết.

Hiện nay, diện mạo quê hương Đất Sen hồng ngày càng thay đổi, chất lượng sống của dân cư được nâng cao. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 78 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ba thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Tháp Mười được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng Tháp thực hiện hiệu quả các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... Đến năm 2020, tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 6,44%; giá trị GRDP ước đạt hơn 87.300 tỷ đồng, tăng gấp 1,53 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện mạnh mẽ, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp luôn đứng ở thứ hạng cao. Đặc biệt, năm 2020, Đồng Tháp tiếp tục có PCI đứng hạng Nhì toàn quốc; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

* Tài liệu tham khảo:

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp - tập II (1954 - 1975)

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp - tập III (1975 - 2000)

Lịch sử Đảng bộ TP.Sa Đéc 85 năm xây dựng và phát triển (1930 - 2015)

Lịch sử truyền thống và cách mạng TX.Cao Lãnh (1930 - 2005)

Q.TRUNG - N.AN

To Top