Dư âm từ các cuộc thi tìm hiểu pháp luật

Chưa bao giờ các cháu được tham dự hội thi nào mà truyền đạt kiến thức về pháp luật một cách cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ như hội thi lần này.

Thông qua các tiểu phẩm tham dự hội thi, đoàn viên, thanh niên huyện Quảng Xương đã lồng ghép tuyên truyền pháp luật một cách dễ nhớ, dễ hiểu.

Thông qua hội thi, cháu hiểu hơn các quy định pháp luật, như: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Giao thông đường bộ; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống ma túy... Bởi, hội thi được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa, các bạn truyền đạt kiến thức pháp luật qua các tiểu phẩm vừa hài hước, vừa vui nhộn lại rất sâu sắc. Chúng cháu rất thích và mong muốn có nhiều hội thi như thế này để các cháu được tiếp cận với các quy định của pháp luật một cách dễ dàng hơn” – cháu Tô Mai Phương, học sinh lớp 12, Trường THPT Quảng Xương I chia sẻ với chúng tôi trong hội thi tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên do Sở Tư pháp phối hợp với UBND huyện Quảng Xương tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) năm 2020 tại hội trường UBND huyện Quảng Xương.

Hội thi được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa, thu hút sự tham gia của 9 đội thi đến từ các trường THPT: Quảng Xương I, Quảng Xương II, Quảng Xương IV, Đặng Thai Mai và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương... Các đội thi đã đầu tư tập luyện kỹ lưỡng, sinh động, hấp dẫn, truyền tải những thông điệp, nội dung ý nghĩa, thiết thực nhằm định hướng hành vi ứng xử của đoàn viên, thanh niên phù hợp với pháp luật.

Trao đổi về hội thi, ông Phan Văn Đại, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Sở Tư pháp chia sẻ: Đây là một trong những hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật tạo được sức lan tỏa lớn trong lực lượng đoàn viên, thanh niên. Hội thi đã cho tôi nhiều điều bất ngờ và ấn tượng với các màn thi của các đội, bởi lâu nay việc tuyên truyền, PBGDPL thường được coi là khó và khô khan, nhưng thông qua các tiểu phẩm, các em đã làm “mềm hóa” các quy định của pháp luật, nhẹ nhàng đưa các điều luật, các văn bản pháp luật vào từng tình huống, giúp cho các đoàn viên, thanh niên nâng cao được nhận thức pháp luật, qua đó hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật cũng như xây dựng nếp sống văn minh, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội.

Những năm qua, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL với nhiều hình thức, như: hội nghị, cuộc thi/hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép vào các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, biên soạn phát hành tài liệu, qua phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, qua các phiên tòa xét xử lưu động, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, hòa giải cơ sở... mỗi một hình thức tuyên truyền đều có thế mạnh của nó. Tuy nhiên, để pháp luật đi vào cuộc sống cho mọi đối tượng dễ nhớ, dễ hiểu thì việc tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa qua việc tổ chức các cuộc thi/hội thi sẽ tạo được sự lan tỏa trực tiếp, sâu rộng hơn cả. Ví như cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Sở Tư pháp”, có hơn 100 người tham gia; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, Thường Xuân, Vĩnh Lộc... và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp (Hồng Đức; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phân hiệu Đại học Y, Cao đẳng Y Thanh Hóa, Trung cấp Nghề thanh thiếu niên khuyết tật) tổ chức 22 hội thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật phòng, chống tệ nạn xã hội”, thu hút 1.200 người dự thi và hơn 23.000 người tham gia tìm hiểu, cổ động cho cuộc thi.

Riêng năm 2020, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức 168 hội thi/cuộc thi, trong đó có 87 hội thi/cuộc thi tìm hiểu pháp luật do các sở, ngành, đoàn thể tỉnh thực hiện với 49.616 lượt người dự thi. Các cuộc thi/hội thi tìm hiểu pháp luật được tổ chức dưới nhiều hình thức, như: thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật (“Pháp luật với mọi người”, “Pháp luật học đường”, “Giao thông học đường” trên Internet cho học sinh THCS, THPT; “Tìm hiểu pháp luật về y tế năm 2020”) hoặc thi dưới hình thức sân khấu hóa (cuộc thi “Âm vang xứ Thanh”; “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội tại 30 trường THPT”; “Tìm hiểu pháp luật trong thanh, thiếu niên”; “Tìm hiểu 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Thanh Hóa”; “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội”; “Phụ nữ Thanh Hóa với an toàn giao thông”; “Phụ nữ với kiến thức, kỹ năng phòng ngừa kiểm soát trầm cảm... hoặc thi viết Tìm hiểu Bộ luật Lao động 2019...

“Có thể nói rằng, việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật không chỉ giúp truyền tải các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, dễ nhớ, dễ hiểu mà còn là sân chơi bổ ích để tập hợp được đông đảo học sinh, sinh viên, cán bộ, viên chức - lao động và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia, tạo thành diễn đàn trao đổi, học tập những kiến thức pháp luật, hiểu rõ hơn ý nghĩa các quy định pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân sống và thực hiện theo Hiến pháp, pháp luật.

Bài và ảnh: Ngân Hà

To Top