Du lịch nội địa tái khởi động

Sau đợt khống chế thành công dịch Covid-19 lần 3, các DN du lịch đang tìm cách tái khởi động lại nhiều hoạt động, đồng thời ra mắt sản phẩm mới phù hợp yêu cầu phòng, chống dịch.

Khách du lịch tại Văn Miếu dịp Tết Dương lịch 2021. Ảnh: Lê Nam

Doanh nghiệp bung tour đón đầu mùa cao điểm
Từ cuối tháng 2/2021, Công ty Du lịch VietSense bên cạnh việc mở lại các tour truyền thống còn tung ra những gói sản phẩm hướng tới kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, trong đó tập trung hướng khách du lịch tới những địa danh an toàn trong phòng, chống Covid-19 như Côn Đảo, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng. Tương tự, trong tháng 3, Công ty Lữ hành Hanoitourist cùng các thành viên của Câu lạc bộ VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) đã lên chương trình caravan “Tây Bắc - Mùa hoa ban”, qua đó tạo cơ hội cho du khách có những trải nghiệm thú vị vùng đất Tây Bắc.
Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST (TST Tourist) Nguyễn Minh Mẫn cho biết, trong tháng 3 và 4/2021, TST Tourist sẽ liên tục tổ chức nhiều đoàn khách với số lượng đăng ký 800 người đến điểm du lịch Phan Thiết, Đà Nẵng, Phú Quốc, Huế, Đà Lạt... Trong khi đó, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà thông tin, từ cuối tháng 2 đến nay, nhiều du khách đến Công ty hỏi mua tour cho kỳ nghỉ 30/4 sắp tới, chủ yếu do giá tour ở thời điểm hiện tại rẻ hơn so với thời điểm chưa có dịch...
Trên thực tế, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 song để kích cầu du lịch, nhiều DN đã xây dựng sản phẩm theo hướng dành riêng cho khách lẻ, đảm bảo sự tự do, thoải mái của loại hình du lịch tự túc. Vừa qua, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Dấu Ấn Vàng Hà Nội đã đưa ra tour trải nghiệm du lịch mới “Bay ngắm toàn cảnh Hạ Long bằng thủy phi cơ” với chi phí chỉ 700.000 đồng/khách. Được biết, nhiều địa phương cũng đưa ra gói kích cầu riêng bằng các chương trình khuyến mại, giảm giá vé tham quan các danh thắng, di tích.
Kích cầu du lịch tại chỗ
Theo các chuyên gia, để kích cầu du lịch hậu Covid-19, bên cạnh việc xây dựng tour mới, các tỉnh thành cũng cần đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch từng địa phương.
Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội (HUTC) Trương Quốc Hùng nêu rõ, các địa phương cần đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù để khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng, đồng thời tìm ra xu hướng du lịch mới phù hợp sở thích khách du lịch.
Thực tế cho thấy, TP Hà Nội là nơi tập trung nguồn khách cũng như trung chuyển khách tới mọi địa phương trên cả nước nên đang được các cơ quan quản lý khai thác nhiều thế mạnh. Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì Chu Ngọc Quân cho biết, với thế mạnh thiên nhiên, Vườn Quốc gia Ba Vì đã xây dựng các sản phẩm du lịch mạo hiểm như: Bay khinh khí cầu ngắm hoa dã quỳ; Trải nghiệm đi xuyên rừng khám phá thiên nhiên bằng thiết bị định vị cho học sinh, sinh viên. “Hoạt động này đã được thanh niên, thiếu niên quan tâm, bước đầu đáp ứng mục tiêu du lịch và giáo dục môi trường” - ông Quân chia sẻ.
Tương tự, Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Đăng Thạo thông tin, từ ngày 9/3, di tích làng cổ Đường Lâm mở cửa đón khách trở lại. Để thu hút du khách, làng cổ Đường Lâm đang chuẩn bị nhiều sản phẩm du lịch như tham quan nhà cổ, tìm hiểu di sản văn hóa và các nghề truyền thống tại địa phương như làm bánh kẹo, chè lam, các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, OCOP… Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, trong năm 2021, Sở Du lịch Hà Nội sẽ xây dựng các nhóm sản phẩm để kích cầu du lịch nội địa như: Nhóm sản phẩm du lịch di sản, tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống; nhóm sản phẩm ẩm thực đặc trưng Hà Nội và chuỗi sự kiện du lịch như Lễ hội kích cầu du lịch nội địa, Lễ hội du lịch làng nghề phố nghề Hà Nội, Lễ hội hoa anh đào...
Nhằm vực dậy ngành du lịch, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai thực hiện "hộ chiếu vaccine” - một dạng thẻ chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã miễn dịch với Covid-19 để được tự do đi lại và xem đây là một loại giấy thông hành để “phá băng” ngành du lịch. Không nằm ngoài xu thế đó, hiện, Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 và phấn đấu đạt tỷ lệ đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch trong thời gian sớm nhất. Đây có thể coi là "cánh cửa" cho ngành du lịch mở rộng, vươn lên và bứt phá.

Gần đây, nhiều quốc gia bắt đầu mở cửa cho khách du lịch quốc tế đã có "hộ chiếu vaccine". Chẳng hạn, Singapore đã cho phép du khách có "hộ chiếu vaccine" được nhập cảnh mà không phải cách ly. Tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tiêm vaccine cho các đối tượng mà nghị quyết Chính phủ đã quy định. Vì vậy, đề nghị ngành du lịch cũng nên học tập cách làm này của thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ

Lê Nam

To Top