Du lịch tình nguyện và câu chuyện phát triển bền vững

Tiếp cận theo quan điểm 'Cho cái cần chứ không cho con cá', Volunteer For Education (V.E.O) đem đến cho tình nguyện viên phương thức tình nguyện mới, đồng thời, mở rộng tư duy đón nhận sự giúp đỡ của người dân địa phương.

Làm tình nguyện ngay trên hành trình du lịch

Ra đời từ tháng 6-2013, V.E.O viết tắt của Volunteer for Education Organization là một tổ chức phi chính phủ, kết nối các tình nguyện viên trên toàn thế giới, nhằm chung tay giúp đỡ những đối tượng khó khăn thông qua các chương trình giáo dục, với các dự án chính là: "Du lịch tình nguyện", "Trại hè tình nguyện" cùng các dự án vệ tinh gồm "Tủ sách trong veo", "Khoảng trời trong veo"...

V.E.O với sắc tím đặc trưng (Ảnh: Volunteer for Education)

Khác với các tour "Du lịch trải nghiệm" hay "Du lịch nghỉ dưỡng", chương trình của V.E.O hướng đến du lịch sinh thái và cộng đồng người Việt ở vùng sâu vùng xa, với mục tiêu giúp người dân địa phương, đặc biệt là những gia đình khó khăn có thể phát triển sự nghiệp ngay tại quê hương qua việc xây dựng "homestay", dịch vụ trải nghiệm văn hóa vùng miền…

Đến nay, V.E.O mở rộng được 15 điểm dự án từ Bắc vào Nam, trong đó có 11 điểm ở phía bắc gồm Mai Châu (Hòa Bình), Bản Cỏi (Phú Thọ), Thác Bà (Yên Bái), Tả Van (Sapa), Na Hang (Tuyên Quang), Bắc Sơn (Lạng Sơn), Bản Giốc (Cao Bằng), Lô Lô Chải (Hà Giang), Tuần Giáo (Điện Biên), Mù Cang Chải (Yên Bái), Hạ Thành (Hà Giang) và 4 điểm ở miền Nam gồm Đất Mũi (Cà Mau), Di Linh (Lâm Đồng), Châu Thành (Trà Vinh) và Đa Phước (An Giang). Tại mỗi điểm dự án, V.E.O sẽ có lịch trình cũng như mục tiêu phát triển riêng sao cho phù hợp với môi trường và điều kiện phát triển của địa phương.

Từ việc xây dựng lộ trình phù hợp, người tham gia vừa có thể trải nghiệm, khám phá được thiên nhiên, lại vừa có thể góp sức cho các hoạt động có ích cho xã hội.

Trải nghiệm thực tế từ chuyến tình nguyện tới Na Hang (Tuyên Quang), bạn Vương Đức Minh Bí thư lớp CTH01.5A Trường Cao Đẳng Công Thương Việt Nam chia sẻ: "Em rất bất ngờ vì những trải nghiệm mà V.E.O mang lại. Thật khó tin vì đây là lần đầu tiên em có cảm giác mình thực sự giúp đỡ được người khác. Em dạy các em nhỏ học tiếng Anh và các em ấy cũng đã rất vui khi nhìn thấy em và đoàn xuất hiện. Đến lúc đoàn ra về các em còn nhắn nhủ: "Lần sau các anh chị lại đến nha!" nên em nghĩ em sẽ sắp xếp thời gian để quay lại cùng V.E.O thêm lần nữa".

Vương Đức Minh trong hoạt động dạy học (Ảnh: Thùy Linh)

Các em nhỏ vui vẻ chụp ảnh cùng anh chị TNV (Ảnh: Thùy Linh)

Hoạt động tình nguyện trong chuyến đi được chia thành 4 nhóm: Nhóm Dạy học - tổ chức các lớp học cộng đồng, giúp các em có cơ hội tiếp xúc và thực hành với tiếng Anh, đồng thời giúp các em xây dựng thói quen thích đọc sách, ham học hỏi; nhóm cơ sở - hỗ trợ người dân địa phương sơn sửa homestay hoặc đóng góp phát triển sản phẩm du lịch; nhóm chương trình - tổ chức đêm giao lưu văn hóa giữa địa phương và tình nguyện viên nhằm gắn kết những người tham gia với nhau và với điểm đến; nhóm cuối cùng là nhóm marketing - có nhiệm vụ truyền thông, hỗ trợ lan tỏa homestay để được nhiều người biết đến, tạo cơ hội phát triển làm ăn cho người dân bản địa.

Mỗi chuyến đi sẽ được sự dẫn dắt từ đội ngũ điều phối, trưởng đoàn và mentor. Bạn Nhữ Ngọc Thịnh – một trong những điều phối viên V.E.O chia sẻ: Hồi còn sinh viên mình cũng tham gia các hoạt động tình nguyện, cũng đến các địa phương và ở lại một tuần hai tuần, hồi ấy mình đã rất bối rối khi một em nhỏ hỏi mình: Bao giờ thì các anh chị quay lại ạ? Mình cũng nhận được câu hỏi ấy trong những chuyến đi của VEO, nhưng bây giờ đó lại là một câu hỏi mà mình thích trả lời. Bởi lẽ bọn mình có những chuyến đi hàng tuần hàng tháng đến với điểm dự án. Và nếu như không phải chúng mình còn rất nhiều bạn tình nguyện viên sẽ đến với điểm dự án, với các em nhỏ. Câu chuyện tình nguyện bền vững của VEO không chỉ là với các em nhỏ mà còn với điểm dự án.

Những viên gạch tích lũy trên hành trình phát triển bền vững

Có 2 tiêu chí để V.E.O đặt điểm dự án: 1 là cuộc sống của người dân ở đó còn gặp nhiều khó khăn, 2 là tiềm năng phát triển du lịch của điểm dự án.

Người dân sẽ được hỗ trợ về cách thức xây dựng homestay, cách làm du lịch, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Qua những chuyến đi cùng tình nguyện viên, người dân có thể tự đón nguồn khách của chính mình. Cho đến khi nào điểm dự án ổn định, có khả năng tự phát triển mô hình kinh doanh, V.E.O sẽ rút điểm dự án và tìm kiếm những điểm cần hỗ trợ khác.

Chia sẻ về những thành tựu V.E.O đã đạt được trong 8 năm qua, Thịnh nói: "Mỗi chuyến đi với V.E.O như là một viên gạch tích lũy để homestay hoàn thiện hơn về dịch vụ và cảnh quan. Homestay sẽ dần dần có lượng khách ổn định nhờ sự hỗ trợ của V.E.O. Các bạn nhỏ tại điểm dự án những ngày đầu VEO lên còn ngại và không dám giao tiếp với anh chị, dần dần các bạn ý mạnh dạn, tự tin hơn. Số lượng từ vựng biết nhiều hơn và mạnh dạn nói tiếng Anh."

Sự thay đổi của homestay Homie (Lô Lô Chải - Hà Giang) sau khi được V.E.O hỗ trợ (Ảnh: Volunteer for Education)

Tới thăm Na Hang (Tuyên Quang) – một trong những điểm dự án còn nhiều khó khăn của V.E.O, chị Đặng Dương (chủ homestay) chia sẻ: "Chính quyền địa phương là người trực tiếp liên hệ với V.E.O để nhờ hợp tác để phát triển mô hình homestay tại Na Hang. Những ngày đầu mới mở homestay, rất khó khăn, cái gì cũng chưa có, chính các bạn tình nguyện viên là những người giúp mình vẽ biển tên, sắp xếp không gian, gần đây mới lắp thêm wifi. Hiện tại vẫn đang hoàn thiện hơn mỗi ngày qua phản hồi, góp ý của V.E.O và các bạn tình nguyện viên."

Được biết, do nhiều rào cản về văn hóa, ông nội chị Dương – ông Đặng Xuân Trường đã từng phản đối kịch liệt chuyện mở homestay cũng như xây dựng hệ thống nhà cộng đồng. Tuy nhiên, sau thời gian được V.E.O tiếp cận, làm công tác tư tưởng, ông đã dần chấp nhận và cởi mở hơn. Cho đến thời điểm hiện tại, ông chính là người trực tiếp hướng dẫn trải nghiệm xao chè Shan Tuyết truyền thống cho tình nguyện viên và khách du lịch.

Ông Trường hướng dẫn trải nghiệm xao chè Shan Tuyết truyền thống (Ảnh: Thùy Linh)

Ngoài ra, với sứ mệnh giáo dục, V.E.O tập trung vào việc xây dựng thói quen đọc sách, học tập cũng như niềm tin vào tương lai cho các em nhỏ tại điểm dự án nhằm tạo động lực trong học tập cho các em. Đây là hoạt động thiết thực và đang có tác động tích cực.

Bạn Hà Công Dần (18 tuổi – Mai Châu – Hòa Bình) chia sẻ: "Em được học với anh chị V.E.O từ năm 10 tuổi, bây giờ em đã biết tự trả lời khách nước ngoài bằng tiếng Anh, tự giới thiệu về hàng nhà mình bán để họ mua. Em chuẩn bị thi đại học ngành du lịch và nhất định điều đầu tiên em làm khi đỗ đại học là trở thành những người như anh chị ấy và giúp đỡ thật nhiều em bé như em".

Hành trình có lẽ còn dài đối với không chỉ V.E.O mà còn là từng điểm dự án. Đằng sau những trăn trở về con đường tình nguyện cho sự phát triển bền vững chính là sự ủng hộ từ tình nguyện viên khi tham gia mỗi chuyến đi.

Có thể thấy, đây là một hướng đi không quá mới lạ nhưng đầy ý nghĩa và tích cực đến mỗi cá nhân và cả một điểm đến.

Thùy Linh

To Top